Bão số 3 cường độ rất mạnh, diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các địa phương, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều phương án ứng phó, phòng ngừa thiệt hại
Nắm bắt diễn biến, hướng di chuyển của bão số 3, những ngày qua ngư dân vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động đưa tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Tại Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà hiện có 218 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh tránh trú, neo giằng cẩn thận, đảm bảo an toàn về tài sản, ngư lưới cụ.
“Bão số 3 cường độ rất mạnh, có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Do vậy, chúng tôi nhanh chóng di chuyển tàu thuyền vào Cảng cá Cửa Sót tránh trú, đợi khi thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển”, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Lộc Hà cho biết.
Hàng trăm tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà, phòng ngừa thiệt hại do mưa bão
Trước diễn biến phức tạp, khó lường bão số 3, ngư dân vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động di dời, đưa tàu thuyền lên cao
Cùng với khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú an toàn, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… người dân cũng đã chủ động triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn hồ nuôi, thu hoạch thủy sản phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão; khuyến cáo người dân dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không cho phép; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa bão, xâm nhập mặn và biến động bất thường của thời tiết gây ra.
Người dân vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản
Năm nay ở tỉnh Hà Tĩnh nắng nóng kéo dài, mưa lũ đến muộn hơn so với mọi năm. Do vậy, việc triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan, mưa bão được các địa phương khu vực miền núi, vùng đồng bằng ven biển chú trọng.
Trong đó, công tác đảm bảo an toàn nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi, phòng ngừa lũ quét, sạt lở đất, thu hoạch cây ăn quả, lúa Hè Thu…được nhanh chóng triển khai, hạn chế nguy cơ thiệt hại do mưa lũ xảy ra.
“Địa phương đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình hồ đập, huy động các nguồn lực để tu sửa, gia cố các công trình có nguy cơ mất an toàn cao. Tập trung tuyên truyền, cảnh báo, chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ”, sẵn sàng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ ngập lụt diện rộng”, đại diện lãnh đạo huyện Hương Khê cho biết.
Nhiều công trình hồ đập ở Hà Tĩnh bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ
Được biết, trước đó thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/9 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND về việc khẩn trương ứng phó với bão số 3 năm 2024 (bão Yagi). Yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân nếu mưa bão xảy ra.