Công trình đê Đồng Môn.
Dự án nâng cấp tuyến đê Đồng Môn, TP Hà Tĩnh (giai đoạn 2) đoạn từ cầu Cày (K0) đến cầu Hộ Độ (K5 + 340) do UBND TP Hà Tĩnh làm Chủ đầu tư, đơn vị Tư vấn giám sát là Liên danh Cty CP Tư vấn và Xây dựng 888 và Cty CP Tư vấn và Xây dựng Công trình 479; nhà thầu thi công là Cty CP Xây lắp Thành Vinh.
Dự án đã và đang triển khai được gần 1 tháng, đạt khối lượng đất đắp nền khoảng hơn 20.000m³. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của PV, dự án đang sử dụng nguồn đất khai thác trái phép và nghiêm trọng hơn là khối lượng đất đắp này không đạt chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật.
Bám theo chuyến xe tải mang BKS 38C-10170 từ chân công trình, PV tiếp cận điểm khai thác đất của doanh nghiệp Hoàng Tuấn Khanh (xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Theo tìm hiểu, điểm khai thác này vốn là mỏ đất san lấp được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép để phục vụ cho một số dự án thuộc chương trình Nông thôn mới của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Và điểm mỏ này vốn chỉ là mỏ đất san lấp đơn thuần chứ chưa được một cơ quan kiểm định nào làm thí nghiệm để đảm bảo đạt chất lượng (độ K) dùng để phục vụ cho các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, Chủ đầu tư và Nhà thầu vẫn sử dụng nguồn đất từ điểm mỏ này để phục vụ cho dự án (thuộc địa phận quản lý của TP Hà Tĩnh) mà không cần làm thí nghiệm, bỏ qua sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên.
Hiện trường của dự án không có mặt của đơn vị đại diện Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát, hàng chục nghìn mét khối đất đắp không đạt chất lượng và khai thác trái quy định đã được sử dụng để thi công. Đất đắp nền phần lớn là loại đất mùn, cùng một khối lượng không nhỏ đá non phong hoá.
Theo quan sát của PV, khối lượng đất phong hoá được Nhà thầu bóc cũng không đạt độ sâu nhất định. Theo đó, lượng đất đắp nền trộn lẫn với lớp bùn phong hoá tạo thành một thứ hỗn hợp nhão nhoét, hỗn tạp tại hiện trường đang thi công. Nghiêm trọng hơn, khối lượng đất đắp nền ở lớp dưới (K95) được thi công không có sự phân tầng, nhà thầu cho xe tải đổ liên tục đất đắp chồng đống có cao độ gần 2m mới cho lu lèn. Kỹ thuật thi công kiểu “dối trá” này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của dự án.
Nhằm khắc phục những bất cập đang xảy ra tại dự án, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Văn Viết Ninh – Giám đốc BQL Các dự án Đầu tư XD cơ bản TP Hà Tĩnh để hẹn lịch làm việc và thu thập tài liệu, ông Ninh báo bận và đề nghị PV tự liên hệ với Nhà thầu để lấy thông tin.
Ngày 13/8, PV đã có buổi làm việc với ông Ngô Minh Quốc – Chuyên viên kỹ thuật thuộc Ban A TP Hà Tĩnh, cán bộ trực tiếp quản lý dự án, vị cán bộ này cũng “cố thủ” thông tin và “đùn đẩy” trách nhiệm sang đơn vị Tư vấn giám sát.
“Về việc nhà thầu sử dụng khối lượng đất không đúng Hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, chất lượng đất không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì đơn vị Tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm, vì Ban đã bỏ tiền ra thuê họ quản lý dự án này.”
Còn ông Nguyễn Phi Long - đại diện đơn vị Tư vấn giám sát cũng không thể cung cấp thông tin, tài liệu cho PV với lý do vô cùng chính đáng: “Tất cả tài liệu, văn bản như biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào, nhật ký thi công… đều bỏ quên ở Cty, xin hẹn anh chị bữa sau”.
Một đại dự án có quy mô lớn, mang tầm quan trọng trong việc ổn định đời sống dân cư, cao hơn nữa là thực hiện tiêu chí, nâng tầm TP Hà Tĩnh đạt đô thị loại II đang bị các đơn vị thực hiện thờ ơ, vô trách nhiệm trong khâu quản lý và thực thi. Liệu chất lượng của dự án sẽ đi về đâu nếu như các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh không kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh kịp thời?
Dưới đây là toàn bộ ảnh PV Báo điện tử Xây dựng ghi nhận tại hiện trường dự án đê Đồng Môn – TP Hà Tĩnh:
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vấn đề này.
Dự án được hình thành dựa trên sự thống nhất theo kết quả thẩm định dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 2058/TB - SNN ngày 25/10/2016 - Hoàn thiện tuyến đê, đảm bảo phù hợp theo quy hoạch tổng thể của TP Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão; đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư trong đô thị; kết nối với các tuyến đê đã đầu tư trước nhằm đảm bảo tính đồng bộ, khép kín, phát huy hiệu quả đầu tư. Dự án có chiều dài tuyến 5.283m bao gồm các hạng mục đê; đường thi công kết hợp quản lý đê; cống và các hạng mục phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư là 115.000.000.000 đồng. Trong đó chi phí xây dựng là 75.828.436.000 đồng; chi phí QLDA 1.155.350.000 đồng; chi phí tư vấn đầu tư XD 6.826.167.000 đồng; chi phí khác 5.550.311.000 đồng; chi phí bồi thường, GPMB, TĐC 20.000.000.000 đồng; chi phí dự phòng 5.639.736.000 đồng. |