Giới hạn thử thách mới

Thứ sáu - 04/10/2024 04:47
Trong những ngày qua, quân đội Israel đã đạt được những bước tiến đáng kể trên các mặt trận chống Hamas ở phía Nam và Hezbollah ở phía Bắc. Nhưng các cuộc tấn công táo bạo cũng khiến nước này đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực, nghiêm trọng nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Dải Gaza.
 
d2024100405
Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel tại Ain Ed Delb, Liban, ngày 30/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
 
Vụ không kích thẳng vào trụ sở của phong trào Hezbollah ở thủ đô Beirut, Liban tối 27/9 đã làm thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah thiệt mạng. Cái chết của nhà lãnh đạo nắm quyền hơn 30 năm khiến dư luận không để ý đến nhiều diễn biến quan trọng khác như vụ không kích nhằm thẳng vào cảng Hodeidah của phong trào Houthi ở Yemen, cái chết của Tư lệnh Hezbollah phụ trách mặt trận miền Nam Ali Karaki; hay vụ tấn công giết chết chỉ huy phong trào Hamas tại Liban, Fateh Sheif. 

Quy mô xung đột leo thang trong vài tuần qua đã bằng nhiều tháng cộng lại. Trước đó, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah đồng loạt phát nổ, mà thủ phạm được quy cho các nhân viên tình báo Israel. Sáng 1/10, quân đội Israel (IDF) tuyên bố chính thức bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía Nam Liban. Các cuộc tấn công táo bạo và dồn dập, đánh thẳng vào trung tâm đầu não và các kho vũ khí đã khiến bộ máy chỉ huy của Hezbollah gần như tê liệt.

Các chuyên gia quân sự cho rằng nếu không được kiểm soát tốt, rất dễ có khả năng một chiến dịch trên bộ sắp tới của Israel nhằm vào Liban dù có giới hạn cũng sẽ lặp lại kịch bản chiến tranh cách đây 18 năm. Theo bà Jasmine el-Gamal – cựu cố vấn về các vấn đề Trung Đông của Nhà Trắng, bài học chiến tranh năm 2006 đã chứng minh mọi chuyện rất khó để kiểm soát nếu một chiến dịch trên bộ diễn ra. Vào thời điểm đó, Israel cũng thông báo cuộc chiến với Hezbollah sẽ kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, cuộc chiến kéo dài hơn một tháng và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn Israel đã lường trước.

Sau gần 1 năm triển khai, chiến dịch tấn công của Israel tại Dải Gaza đã kết thúc về mặt quân sự. Phong trào Hamas tan rã với tư cách là một tổ chức quân đội và không còn là mối đe dọa thường trực. Mặc dù mục tiêu “xóa sổ Hamas” chưa biết lúc nào thành công, nhưng đã giúp quân đội Israel giảm tải đáng kể các hoạt động ở Gaza để chuyển mục tiêu lên chiến trường phía Bắc chống Hezbollah. Mấy tháng qua Israel liên tục chuyển quân và tập kết vũ khí, điều động cả Sư đoàn 98 tinh nhuệ đang thực hiện nhiệm vụ ở Gaza để chuyển lên phía Bắc.

Dưới sức ép từ dư luận trong nước và sức ép thiệt hại kinh tế, Chính phủ Israel đã tỏ rõ quyết tâm đưa gần 70.000 dân sơ tán ở các địa phương phía Bắc trở về, coi đây là mục tiêu bổ sung chính thức của chiến tranh. Thủ tướng Benjamine Netanyahu tuyên bố sẽ “dốc toàn lực và thay đổi hiện trạng đối đầu với Hezbollah”.

Trong những ngày qua, phong trào Hezbollah đáp trả bằng các đợt bắn tên lửa ở quy mô lớn chưa từng có kể từ tháng 10/2023, với hàng trăm quả tên lửa và máy bay không người lái dội sang lãnh thổ Israel mỗi ngày. Hầu hết trong đó đều bị hệ thống phòng ngự của Israel đánh chặn. Một số trường hợp người dân bị thương do mảnh đạn. Israel đã tạm đóng cửa các trường học và nâng cấp cảnh báo an ninh ở miền Bắc, bao gồm cả thành phố Haifa. Ông Mel, một người dân sống gần biên giới, cho biết: “Người dân rất hy vọng sắp được trở về nhà sau gần 1 năm sơ tán, nhưng cũng không khỏi lo ngại một khi xảy ra chiến tranh với Hezbollah. Với kho vũ khí lên tới 150.000 quả tên lửa cùng nhiều máy bay không người lái hiện đại, một cuộc tấn công tổng lực sẽ gây tổn thất nặng nề cho Israel về nhân mạng và cơ sở hạ tầng kinh tế”.

Trước nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, cộng đồng quốc tế không ngừng kêu gọi Israel và Hezbollah ngừng bắn ngay lập tức. 12 nước và khu vực gồm Mỹ, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Anh và Qatar đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tình hình bạo lực giữa Liban và Israel là không thể chấp nhận. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres kêu gọi “không thể để Liban trở thành một Gaza thứ hai”.

Các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 1.000 người ở Liban thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa tạm lánh bom đạn. Việc tuyên bố chiến dịch tấn công vào Thung lũng Beqaa, một dải đất dài 120 km, rộng 16 km nằm ở phía Đông thủ đô Beirut, với nhiều thị trấn và làng mạc trù phú, đánh dấu một bước chuyển mới trong chiến lược của Israel. Sau những gì diễn ra ở Dải Gaza, giới lãnh đạo quân sự Israel tiếp tục đặt cược vào mục tiêu mới, chấp nhận nguy cơ có thể bị lên án vi phạm các quy tắc nhân đạo trong chiến tranh.

Theo giới phân tích, các động thái leo thang quân sự vừa qua cho thấy Israel đã cố tình vượt qua các “lằn ranh đỏ” với hai mục đích: Buộc phong trào Hezbollah phải nhượng bộ và dừng hoạt động tấn công ở biên giới, qua đó giới lãnh đạo Israel hoàn thành mục tiêu đưa người dân sơ tán trở về. Trong trường hợp Hezbollah trả đũa gây ra thiệt hại đủ lớn, Israel sẽ có đủ lý do để phát động chiến tranh tổng lực nhằm loại bỏ mối đe dọa thường trực ở phía Bắc. 

Mỹ và Pháp đã đưa ra sáng kiến kêu gọi ngừng bắn trong 21 ngày giữa Israel và Hezbollah để thúc đẩy các giải pháp ngoại giao hướng tới một nền hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, hầu hết giới lãnh đạo Israel đã ngay lập tức bác bỏ đề xuất này. Trả lời phỏng vấn TTXVN, Tiến sĩ Harel Chorev tại Đại học Tel Aviv cho rằng cần tính tới nhu cầu tự vệ của Israel sau khi bị phong trào Hezbollah tấn công liên tục trong gần 1 năm qua. Kể từ ngày 8/10/2023, phong trào Hezbollah đã bắn tổng cộng hơn 8.500 quả tên lửa, đạn pháo và máy bay không người lái sang Israel. Tuy nhiên phong trào này tuyên bố  mục tiêu rõ ràng là nhằm “chia lửa” cho đồng minh Hamas. Cho đến thời điểm này, ngay cả sau khi thủ lĩnh Nasrallah bị sát hại, Hezbollah vẫn phản ứng chừng mực, tránh đẩy cuộc xung đột đi quá giới hạn và biến thành một cuộc đối đầu tổng lực. Các đợt tấn công bằng tên lửa vào Tel Aviv trong mấy ngày qua có quy mô lớn chưa từng thấy, nhưng chủ yếu vẫn nhằm vào các cơ sở quân sự thay vì các khu dân cư. 

Sự suy yếu của ban lãnh đạo Hezbollah cũng như tính toán chiến lược của Iran khiến chưa có quyết định thay đổi nào trong mục tiêu tấn công và trả đũa nhằm vào Israel. Kể từ cuộc chiến 2006, Hezbollah nổi lên là một sức mạnh chính trị, quân sự lớn ở Liban, trở thành một “vùng đệm chiến lược” giúp Iran ngăn chặn bị Israel đánh phủ đầu vào cơ sở hạt nhân. Khó khăn kinh tế trong nước và chương trình hạt nhân dang dở khiến Tehran phải kiềm chế tránh một cuộc đối đầu trực diện với Israel. 

Đó là những lý do khiến giới lãnh đạo Israel quyết tâm đặt một ván cược lớn bằng các cuộc leo thang bạo lực liên tiếp nhằm vào Iran và các lực lượng vũ trang đồng minh trong khu vực. Phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố không để các “hành vi tội ác” của Israel trôi qua mà không bị trừng phạt. Phó thủ lĩnh phong trào Hezbollah, Sheikh Naim Qassem cũng thông báo “các lực lượng kháng chiến đã sẵn sàng cho trường hợp Israel đưa quân vào Liban”. Ván cược của Israel một lần nữa lại đẩy khu vực tới một giới hạn thử thách mới.

Nguồn Vũ Hội (Phóng viên TTXVN tại Israel)
Link gốc: Giới hạn thử thách mới | baotintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây