Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại

Thứ tư - 07/11/2018 07:23
Hệ thống báo cháy của nhóm sinh viên báo chính xác nơi xảy ra cháy bằng giọng nói, giúp ổn định tâm lý người dân để tìm lối thoát hiểm an toàn.

Hàng giá rẻ nhưng 'xịn' như hàng ngoại

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân ở Việt Nam, những năm qua, mỗi năm xảy ra hơn 3.000 vụ cháy. Năm 2017, cả nước có hơn 4.100 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hệ thống báo cháy phổ biến trên thị trường có nhược điểm là không thể thông báo từ xa đến người vận hành. Trong khi đó, chi phí để đầu tư cho một hệ thống báo cháy địa chỉ (hệ thống báo cháy tự động có khả năng báo cháy chính xác đến từng vị trí cụ thể) là rất cao.

Chính vì thế, một nhóm sinh viên Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đã nghiên cứu để chế tạo ra một hệ thống báo cháy giá rẻ nhưng vẫn có nhiều tính năng 'xịn' như hàng nhập ngoại. 

Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại - 1

Nguyên lý chung của hệ thống báo cháy. Ảnh: Nhật Tuấn.

"Bằng việc ứng dụng hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA), chúng tôi đã phát triển hệ thống báo cháy mới, khắc phục được những nhược điểm vốn có của các thiết bị trên thị trường hiện nay”, Lưu Văn Thủy, thành viên nhóm, cho biết.

Phải mất hơn nửa năm nhóm sinh viên mới thực hiện xong đề tài này. Nhóm đã xây dựng và phát triển hệ thống báo cháy sử dụng công nghệ Internet of Things để điều kiển và giám sát. Khi có cháy nổ xảy ra, hệ thống sẽ kịp thời báo động, hướng dẫn thoát hiểm, hỗ trợ công tác chữa cháy hiệu quả nhất.

Ngoài ra, hệ thống còn báo chính xác nơi xảy ra cháy bằng giọng nói, giúp ổn định tâm lý người dân để tìm được lối thoát hiểm an toàn.

Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại - 2

Giao diện trên Web. Ảnh: Chụp màn hình.

Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại - 3

Giao diện trên điện thoại di động. Ảnh: Chụp màn hình.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành chạy thử nghiệm nhiều lần để cải tiến và khắc phục những hạn chế của hệ thống. Các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy, sản phẩm của đề tài đáp ứng rất tốt các yêu cầu đặt ra. Hệ thống có thể được triển khai lắp đặt cho những công trình quy mô vừa.

Giám sát sự cố cháy nhà từ xa

Khi xảy ra sự cố, module sẽ phát tín hiệu cảnh báo đến đèn báo, còi báo, hiển thị vị trí đang xảy ra sự cố bằng một màn hình cảm ứng 7 inch bên ngoài mặt tủ báo cháy. Tủ báo cháy sẽ nhận tín hiệu và xử lý tín hiệu được đưa về từ các cảm biến, đồng thời phát cảnh báo âm thanh bằng giọng nói qua loa phát thanh.

Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại - 4

Xây dựng ứng dụng Web. Ảnh: NVCC.

Hơn thế nữa, nhóm đã xây dựng thành công một ứng dụng để biến một máy tính bình thường thành một máy tính chủ. Máy chủ này sẽ thu thập dữ liệu thời gian thực từ tủ báo cháy trung tâm để đưa lên mạng Internet.

Ở bất kì đâu, bất kì lúc nào, người sử dụng bằng các thiết bị của mình như: laptop, điện thoại, PC... có kết nối Internet đều có thể truy cập để giám sát và điều khiển hệ thống.

Thủy cho hay, với giá thành chỉ 10 triệu đồng, hệ thống rẻ hơn các thiết bị báo cháy nhập ngoại. Hệ thống còn có thể thay thế kết cấu phù hợp hơn tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại - 5

 Thử nghiệm hệ thống. Ảnh: NVCC.

Việc xây dựng một hệ thống báo cháy sử dụng Internet là rất cần thiết và quan trọng. Qua đó, tạo ra một cổng báo cháy điện tử giúp cho người vận hành và cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát khi có sự cố và tìm cách khắc phục nhanh nhất nhằm giảm thiểu tổn thất về tính mạng và tài sản.

Sắp tới, nhóm hướng đến xây dựng một hệ thống báo cháy địa chỉ để có thể mở rộng số lượng cảm biến, từ đó, tăng phạm vi hoạt động của hệ thống.

Sinh viên chế hệ thống báo cháy địa chỉ, 'xịn' hơn hàng nhập ngoại - 6

Thầy hướng dẫn cùng các thành viên trong nhóm. Ảnh: NVCC.

ThS. Đoàn Hữu Khánh, thầy giáo hướng dẫn, cho biết đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên mang tính thời sự và thực tiễn.

“Trong suốt quá trình nghiên cứu, các thành viên trong nhóm đã tích cực nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học vào việc thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống báo cháy để giải quyết một vấn đề cấp thiết của xã hội. Hệ thống báo cháy có nhiều cải tiến so với các hệ thống báo cháy từ đơn giản đến hiện đại đang có trên thị trường hiện nay”, ThS Khánh chia sẻ.

Mới đây, đề tài nghiên cứu, chế tạo hệ thống báo cháy và xây dựng ứng dụng Internet of things để giám sát và điều khiển hệ thống của nhóm sinh viên này đã giành giải Nhì giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018” do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức. 

 

Tác giả bài viết: Nhật Tuấn

Nguồn tin: Khám phá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây