HỌC SINH DÙNG ĐIỆN THOẠI TRONG LỚP: Sửa đổi để học sinh được an toàn!

Thứ tư - 30/09/2020 02:09
Một quy định gây quá nhiều tranh cãi thì nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm xem lại để sửa đổi cho thật phù hợp là lẽ đương nhiên
Từ ngày 24-9 đến nay, thông qua diễn đàn "Học sinh (HS) dùng điện thoại (ĐT) trong lớp", Báo Người Lao Động đã nhận được hàng trăm ý kiến góp ý, trong đó đa phần là không ủng hộ việc cho HS sử dụng ĐT trong giờ lên lớp dù với bất cứ lý do gì. Khép lại diễn đàn, chúng tôi xin trích đăng 2 ý kiến của bạn đọc với mong muốn ngăn ngừa những mầm mống độc hại từ thế giới mạng bằng việc sớm sửa đổi quy định.

Bạn đọc Đỗ Văn Nhân: Đừng bàn cãi nữa, sửa ngay đi!
Trước tiên phải khẳng định Thông tư 32 cho phép HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên (GV) đồng ý là quy định mới nghe qua thấy hay nhưng đi sâu vào phân tích thì lại… giật mình.

Giật mình là vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị ĐT cho con em mình. Nếu trong một lớp học, HS này có ĐT nhưng HS khác thì không sẽ dẫn đến sự so bì, phân biệt, mặc cảm, tủi thân giữa các HS với nhau. Kế đến, nếu nhà trường và GV chủ nhiệm căn cứ vào Thông tư số 32 bắt buộc phụ huynh phải mua ĐT phục vụ cho việc học tập của HS thì vô hình trung sẽ gây ra áp lực và tâm lý không thoải mái cho phụ huynh. Tiếp theo, các em có thể bị dụ dỗ, kích động, trêu chọc hoặc bị lôi kéo phạm tội,… trên môi trường mạng.

Hơn nữa, việc trang bị ĐT phục vụ cho việc học tập trong một số trường hợp sẽ làm thui chột trí sáng tạo và khả năng tư duy của HS. Trong quá trình học tập, nếu phát sinh câu hỏi khó thì các em chỉ cần rút ĐT để tra cứu Google là có thể tìm đáp án một cách nhanh chóng, chính xác mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Với cách học này, HS ngày càng lệ thuộc vào ĐT, ảnh hưởng đến thị lực, kỹ năng sống và hạn chế trong việc thích ứng với môi trường sống. Đặc biệt, trong giờ học, nếu ĐT rung chuông hoặc các em cố tình nhắn tin, truy cập mạng xã hội trong giờ học,… thì sẽ làm cả lớp mất tập trung, ảnh hưởng chất lượng của việc dạy và học.

Tóm lại, quy định trên của Thông tư số 32 sẽ phát sinh những hạn chế, bất cập và những hậu quả không thể lường trước đối với HS. Do đó, thay vì bàn cãi thì cần nghiên cứu, sửa đổi quy định này ngay để bảo đảm an toàn cho HS cũng như hạn chế các chi phí phát sinh cho phụ huynh trong việc trang bị ĐT phục vụ cho việc học tập của con em mình.
 
20200930006
Khó có thể dùng “mệnh lệnh” để buộc trẻ không nghiện điện thoại Ảnh: TẤN THẠN

HBạn đọc Lê Anh: Hãy để thầy và trò hòa vào bài giảng

Đã có chuyện một bé gái 12 tuổi bị tống tiền, tình sau khi gửi ảnh "nóng" cho bạn trai tuổi 17 mới quen qua mạng. Đã có chuyện HS dùng ĐT để quay lại cảnh đánh, chửi nhau rồi tung lên mạng… Những vụ việc này có khiến quý vị thức tỉnh hay giật mình khi nghĩ về nguy cơ mất an toàn với trẻ sử dụng ĐT để tham gia mạng xã hội?

Với tôi thì phải nói rằng rất đáng sợ! Hẳn nhiều người sẽ đổ rằng do phụ huynh không kiểm soát nên con mới sinh hư khi xài ĐT, nhưng xin thưa làm sao kiểm soát được nếu ĐT được "hợp thức hóa" trong việc nâng cao kiến thức? Chưa kể, người lớn chúng ta khi nghiện Facebook rồi mà muốn bỏ đã là cực hình, vậy làm sao có thể dùng "mệnh lệnh" để buộc bọn trẻ không nghiện mạng xã hội, game online thông qua chiếc smartphone mà chúng đang xài với mục đích ban đầu là dùng để học tập?

Vậy viễn cảnh khi ĐT được quyền xuất hiện công khai trong lớp học là gì thì tôi tin rằng mọi người sẽ thấy ngay. Đó là, HS và GV sẽ cùng "ôm" ĐT (mất đi hình ảnh đẹp của một buổi học thông thường), trong đó biết đâu rằng có cả việc GV xài ĐT vì việc riêng - điều này thực tế cũng không phải là ngoại lệ khi hiện tại có không ít trường hợp GV "vô tư" sử dụng ĐT trong giờ lên lớp. Đó là, chuyện HS phải đối diện với vô vàn cám dỗ từ thế giới ảo "nằm bên trong" chiếc ĐT…

Xin hỏi thêm buổi lên lớp đáng nhớ nhất trong đời HS của các bạn là gì? Hẳn mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau gắn với kỷ niệm của bản thân. Thế nhưng, tin rằng tựu trung lại, đó vẫn là buổi học mà ở đó, thầy và trò cũng thảo luận sôi nổi, trong đó thầy đóng vai trò gợi mở, còn trò thì đua nhau động não để có câu trả lời nhanh nhất, hay nhất. Hơn nữa, ngày xưa, nếu ai ở lứa tuổi cuối 7X, đầu 8X, chắc sẽ khó quên chuyện bị đánh trượt do "tội" xem bài văn mẫu rồi viết lại khi làm bài kiểm tra. Vì sao ngày xưa thầy cô làm vậy? Đó là thầy cô đang buộc học trò của mình phải tự khơi thông kiến thức, có như vậy mới nhớ, mới hiểu một cách cặn kẽ.

Cuối cùng tôi hiểu, chuyện chúng ta phản đối hay đồng tình tất cả cũng vì con em chúng ta mà thôi. Người đồng tình vì thấy cái hay nhiều hơn cái hại; người phản đối lại thấy có quá nhiều mối nguy. Mà một quy định gây nhiều tranh cãi đến vậy thì nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm xem lại để sửa đổi cho thật phù hợp là lẽ đương nhiên.

MINH ANH ghi
Theo nld.com.vn

Link gốc: https://nld.com.vn/ban-doc/hoc-sinh-dung-dien-thoai-trong-lop-sua-doi-de-hoc-sinh-duoc-an-toan-20200929221356702.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây