Sử dụng các nguồn kinh phí đúng mục đích và quy định của nhà nước
Trường Tiểu học Cổ Đạm thuộc 3 xã Xuân Hoa, Xuân Liên, Xuân Song – vùng biển ngang, đời sông nhân dân thuộc diện khó khăn nhất của huyện Nghi Xuân. Thầy Phạm Hồng Đức – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện nhận xét: Trong nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực cố gắng của Ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên, trước hết là Hiệu trưởng Phan Thị Thúy Mỹ, sự giúp đỡ của các cấp, ngành, phụ huynh học sinh, nhất là con em xa quê nguyên là học sinh của trường nên trường đã xây dựng được cơ sở vật chất dạy và học khá khang trang.

Lần theo các nội dung phản ảnh về những sai phạm trong công tác quản lý tài chính của nhà trường, nhóm phóng viên chúng tôi thấy rằng, thực tế không phải như vậy. Qua làm việc tại chỗ với lãnh đạo, kế toán, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh và nhất là Kết luận sô 294/GD-NX, ngày 14/10/2015 sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh của Phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân và Biên bản làm việc về kết quả thanh tra công tác quản lý tài chính tại trường của Đoàn Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh (số 60/QĐ-TTr ngày 27/10/2015) càng thể hiện rõ điều đó.
Về nội dung phản ánh Hiệu trưởng nhà trường thu các khoản làm quỹ riêng, qua kiểm tra, Phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân khẳng định: Trong việc thu các khoản đóng góp tự nguyện của học sinh hàng năm, nhà trường đã làm đầy đủ quy trình theo hướng dẫn liên ngành. Số tiền thu đóng góp tự nguyện của học sinh được nhà trường chuyển về kho bạc nhà nước (KBNN) các năm học một cách đầy đủ (minh chứng là 7 phiếu nộp KBNN năm học 2013-2014 và 5 phiếu nộp KBNN năm học 2014-2015) .

Về môn tin học, nhà trường đã tổ chức hợp đồng giáo viên tin học để dạy cho học sinh lớp 3 đến lớp 5 từ năm học 2013-2014 cho đến nay. Do ngân sách hạn hẹp, trường đã tổ chức họp Hội cha mẹ học sinh xin thu tiền học tin học của các cháu để trả lương cho giáo viên hợp đồng và đã được Hội đồng ý. Nhà trường đã bố trí 1 phòng dạy tin học với 8 máy ở cơ sở 1; 2 máy ở cơ sở số 2. Trên thời khóa biểu của trường trong các năm học đã thể hiện đầy đủ việc bố trí dạy môn tin học cho học sinh trong năm học 2014-2015.
Vì vậy nội dung phản ánh nhà trường thu tiền mà không tổ chức dạy môn tin học hoặc cả trường chỉ có 1 máy tính cũ đã hỏng, không sử dụng được là không chính xác. Bản thân PV đã đề nghị cô hiệu trưởng cho các em vào phòng vi tính để đối chiếu. Cả 8 máy ở đây đang hoạt động tốt, và tuy được gọi ngẫu nhiên nhưng các em đều sử dụng máy khá thành thạo (ảnh trên).
Năm học 2012-2013, để đáp ứng nhu cầu hoạt động, nhà trường xin ý kiến phụ huynh và được HĐND xã Cổ Đạm cho chủ trương thu từ nguồn đóng góp tự nguyện của học sinh để mua một máy photocoppy. Số tiền đó được nhà trường chuyển về KBNN và mua máy Photo trị giá 22.730.000 đồng qua hình thức chuyển khoản (hóa đơn mua máy đề ngày 20/12/2012 và chuyển khoản tiền mua ngày 23/4/2013). Đối chiếu với các hồ sơ, sổ sách chi tiết hoạt động nguồn ngân sách của trường năm học 2013-2014 và năm học 2014-2015 tại KBNN không có nội dung nào chi cho máy photo. Vì vậy không có việc nhà trường mua máy photo trên nguồn ngân sách Nhà nước mà lại thanh toán 2 lần bằng 2 nguồn quỹ. Thực tế, qua kiểm tra, hồ sơ thu, chi của trường cũng không hề có mục nào ghi nhận số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng từ ngân sách cấp trên bổ sung cho nhà trường cuối năm học, như nội dung trong đơn phản ánh.
Cũng từ cuộc kiểm tra này, về phía Phòng GD&ĐT huyện nhận thấy, vào các dịp cuối mỗi năm học, nhà trường đều tiến hành kiểm kê tài chính (có biên bản kiểm kê hàng năm) sau đó thông qua trước hội nghị công chức, viên chức vào đầu các năm học mới. Mặt khác, việc thu chi tài chính cũng được niêm yết công khai tại bản tin của trường; được báo cáo trước Đoàn giám sát của HĐND xã và được Phòng Tài chính – Kế hoạch và Phòng GD&ĐT kiểm tra, quyết toán hàng năm. Toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện của học sinh đều được nhà trường chuyển về KBNN huyện quản lý và có hồ sơ, chứng từ rõ ràng, đầy đủ.
Năm học 2014-2015, trường tổ chức cho học sinh lớp 1 ăn bán trú nhằm hạn chế việc đưa, đón, đảm bảo sức khỏe và chất lượng học tập cho học sinh, với 112 em tham gia bếp ăn bán trú. Để phục vụ nấu ăn cho số em này, nhà trường đã thống nhất với Hội cha mẹ học sinh hợp đồng với 6 nhân viên nấu ăn. Tuy nhiên, do ngân sách không có nên nhà trường phải huy động nguồn đóng góp từ cha mẹ học sinh sau khi đã thông qua cuộc họp Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh. Việc thu chi tiền ăn bán trú, tiền nấu nướng, phục vụ được nhà trường công khai, có hồ sơ thu, chi rõ ràng.
Về công tác quản lý tài chính của trường Tiểu học Cổ Đạm, biên bản làm việc của Đoàn Thanh tra Sở Tài chính Hà Tĩnh ngày 27/10/2015 cũng nêu rõ: Thanh tra công tác quản lý thu từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp cũng như nguồn đóng góp tự nguyện; việc quản lý sử dụng kinh phí, Trường đã phản ánh đầy đủ, đúng nội dung, đúng quy trình theo quy định; sử dụng các nguồn kinh phí cơ bản đúng mục đích, đúng quy định đã đề ra.
Quản lý con người, quản lý chuyên môn được tiến hành dân chủ, nề nếp
Trường Tiểu học Cổ Đạm đóng ở địa bàn khó khăn của huyện, trường có hai điểm trường cách trung tâm huyện đến 13km. Năm học 2013-2014, do nhập trường nên tỷ lệ định biên giáo viên đứng lớp của trường cao hơn so với các đơn vị, do vậy một số giáo viên phải điều chuyển về công tác khác. Tuy vậy, qua việc này, một số người cho rằng nhà trường, Phòng GD&ĐT trù dập, khống chế và thuyên chuyển giáo viên có ý kiến đấu tranh là không đúng sự thật.
Qua tìm hiểu, trao đổi với một số giáo viên của trường, PV được biết: Đây là một chủ trương đúng đắn, mọi việc đã được Phòng GD&ĐT cùng Phòng Nội vụ thống nhất, tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ra quyết định; việc điều chuyển được triển khai một cách công bằng, công khai, dân chủ, đảm bảo điều kiện có lợi nhất cho những người trong cuộc. Là một trường có tỷ lệ giáo viên đứng lớp cao, thậm chí còn dôi dư, ba năm học gần đây phải điều chuyển đi 10 giáo viên mà không có giáo viên nào được chuyển về công tác tại trường, vì thế, việc phản ánh hiệu trưởng trừ lương của giáo viên mới về ít nhất là 1 tháng là không có cơ sở và không chính xác.
Trong nhiều năm học qua, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, sự cố gắng của đội ngũ giáo viên nên chất lượng dạy của trường Cổ Đạm luôn có chuyển biến tích cực. Chất lượng đội ngũ và chất lượng dạy học luôn được xếp vào tốp đầu của bậc tiểu học. Nhiều năm liền, nhà trường được công nhận là tập thể tiên tiến cấp huyện. Đạt được điều đó là nhờ nhà trường thường xuyên tổ chức họp hội đồng và sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn một cách nề nếp theo, bảo đảm chất lượng, đúng quy định.
Khi chúng tôi đề cập tới thông tin cho rằng hiệu trưởng quản lý chuyên môn tùy tiện, không tổ chức họp hội đồng giáo viên, nhiều học sinh đến lớp mà không biết đọc, các cô Phan Thị Hạnh, cô Trần Thanh Thủy đều tỏ ra rất ngạc nhiên, khẳng định rằng “Không thể có điều đó!”. Cô giáo Phan Thanh Thủy, chủ nhiệm lớp 2 và 3, người trực tiếp phụ trách cháu Trần Đức Trung cho biết: Cháu Trần Đức Trung trước là học sinh của cô nay học lớp 4 của cô Hương là một học sinh có thể chất bình thường, sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tật lúc nhỏ, có hiện tượng nhiễm chất độc da cam. Em tiếp thu bài học có phần hạn chế, tuy vậy, em vẫn đọc và viết được, chỉ có tật hay quên. Đây là trường hợp cá biệt, do chị gái không được đi học phải ngồi trên xe lăn, nếu cháu Trung cũng không được đi học nữa thì gia đình sẽ rất đau xót. Vì vậy mẹ cháu làm đơn gửi Ban giám hiệu tha thiết xin cho cháu theo học chỉ để kiếm cái chữ, sau này lớn lên cháu khỏi có sự mặc cảm với xã hội, với bản thân.
Tiếp chúng tôi và cô giáo Thuỷ, chị Võ Thị Kim Luyến (mẹ cháu Đức Trung) vừa tâm sự, vừa lấy tay lau vội những giọt nước mắt: “Thế mà có người còn cứa vào nỗi đau của chúng tôi, thật buồn lòng quá!”.