![]() |
Quyết định "không số", "không ngày tháng" của Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vinh. |
Một trong những nội dung được nhiều giáo viên, học sinh “bàn tán” là giai đoạn 2001-2004, trên cương vị Trưởng Khoa Sư phạm, bà Hoàng Thị Minh Phương (hiện là Hiệu trưởng Nhà trường) đã đề xuất cấp chứng chỉ sư phạm cho những người… chưa học.
Cụ thể, năm 2003, Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vinh (nay là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh) đã cấp chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm bậc 1 cho 8 người đều có quê quán tại Thanh Hóa, sau này cũng về làm việc tại một trường ở Thanh Hóa.
![]() |
Quyết định công nhận đạt trình độ nghiệp vụ sư phạm thì có nhưng 8 học viên này đã học ai? lớp nào? thì chưa được làm rõ . Hiện Bộ Lao động, Thương binh và xã hội chưa có kết luận về vụ việc này. |
Theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm bậc 1 chỉ cấp cho những người đã là giáo viên trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề nhưng chưa có nghiệp vụ sư phạm.
Chương trình gồm 167 tiết lên lớp lý thuyết và hướng dẫn ôn tập. Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho phép những người đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tham gia học để lấy chứng chỉ bậc 1, nhưng phải qua 2 tuần thực tập sư phạm. Như vậy, một khóa đào tạo để cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1 thông thường có thời gian 1,5 tháng.
Cuối tháng 3/2003, một số người có nguyện vọng xin vào làm giáo viên ở Thanh Hóa đã được giới thiệu vào học tại Trường cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh.
Theo phản ánh của nhiều giảng viên, tất cả 8 học viên này chưa từng học một tiết nào trong nhà trường. Tuy nhiên, đến ngày 06/4/2004, tất cả 8 người này đều nhận được chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1 do Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật cấp. Nhờ có chứng chỉ này, được biết, tháng 8/2003, những người này đã trở thành giáo viên tại Thanh Hóa.
![]() |
Nhiều giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh khẳng định chưa từng dạy 8 học viên trong danh sách này. |
Liên quan đến xử lý vụ việc, năm 2012, Đoàn công tác của Bộ Lao đông – Thương binh và xã hội khi kiểm tra hồ sơ tại Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (đơn vị được giao quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) thì phát hiện không có các tài liệu liên quan đến việc tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, trong sổ cấp phát chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng không có tên của 8 người này.
Một giảng viên trong Nhà trường khẳng định: “Nếu được học trong nhà trường thì không nói làm gì, ai cũng biết cả. Còn không học mà vẫn cấp chứng chỉ là điều bất thường”.
Trong số hồ sơ mà phóng viên thu thập được, có quyết định về việc mở lớp của Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh nhưng lại không có số, không ghi ngày tháng… Theo phản ánh của giáo viên, các quyết định và danh sách 8 người này không được lưu tại sổ văn thư của trường?
Mặc dù đã có đơn thư tố cáo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Nhà trường làm việc, xác minh nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận.
Một giảng viên trong trường từng ký đơn tố cáo gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khi chúng tôi gặp cũng khẳng định chưa hề nhận được thông báo kết luận thanh tra và không biết vụ việc đã xử lý đến đâu, ai phải chịu trách nhiệm.
Ngày 04/12/2014, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến làm việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh nhằm xác minh, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Minh Phương, Hiệu trưởng nhà trường lấy lý do bận họp nên chưa thể tiếp báo chí.
Để chấm dứt tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, thiết nghĩ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ những khúc mắc và xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm bằng chứng về những sai phạm khác tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh ở bài báo tiếp theo.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn