Làm sao để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm; giữ chân được những giáo viên giàu tâm huyết? Làm gì để nâng cao vị thế của người thầy để họ có thể yên tâm, tự hào gắn bó với cái nghề luôn được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”...
Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ là cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý-Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, lâu nay chúng ta vẫn thường nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, mọi sự muốn thành công phải bắt đầu từ giáo dục. Theo ông, các chế độ chính sách và sự đãi ngộ của chúng ta đối với giáo dục và người giáo viên hiện nay đã tương xứng với vai trò là “quốc sách hàng đầu” hay chưa?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đãi ngộ chỉ là một trong những khâu cơ bản của chu trình khép kín trong giáo dục. Chu trình đó bắt đầu từ đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, chọn lọc và cuối cùng mới là đãi ngộ... Muốn nhìn đãi ngộ của xã hội với giáo dục thế nào, chúng ta cần có 2 mặt bằng để xem xét.
Thứ nhất, về mặt thu nhập, nếu so với công nhân viên chức, cán bộ nói chung hiện nay thì lương giáo viên, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi là không thấp. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng thu nhập ở thành phố với sự phát triển mạnh mẽ của cơ chế thị trường thì thu nhập thực tế của giáo viên hiện nay (lương chính) là tương đối thấp.
Thứ hai, nếu chúng ta dựa trên đặc thù của giáo viên và yêu cầu của nhà nước hiện nay thì sự đãi ngộ ấy là chưa tương xứng. Bởi lẽ, mặc dù xác định vị trí của giáo dục là “quốc sách hàng đầu” nhưng trên thực tế nhà nước chưa đặt vị trí giáo dục lên hàng đầu và chưa có chính sách thu hút người tài trong giáo dục.
Nói cách khác, với cơ chế đãi ngộ hiện nay, không hút thêm được người tài làm giáo dục, các tài năng trong lĩnh vực này cũng đang ngày càng mai một dần do bị chịu sức ép của kinh tế thị trường, đặc biệt là sự cạnh tranh của các lĩnh vực khác có sự đãi ngộ tốt hơn. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, nếu không thu hút được người tài vào giáo dục thì chúng ta sẽ phải trả giá.
Đó là không tạo ra được nhiều sản phẩm tốt, khiến con em chúng ta bị thua thiệt. Nhiều gia đình có điều kiện buộc phải chọn giải pháp cho con em ra nước ngoài học ngày càng phổ biến và tình trạng “chảy máu” ngoại tệ ra nước ngoài ngày càng tăng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới giáo dục muốn thành công thì phải lấy người thầy làm trung tâm và phải bắt đầu từ chính người thầy. Theo ông, chất lượng giáo viên của chúng ta hiện nay có đáp ứng được với nhu cầu đổi mới?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Giáo viên chính là lực lượng thực hiện đổi mới. Nếu không có giáo viên giỏi, tâm huyết thì làm sao đổi mới được? Trong các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, tôi cho rằng cần có những chính sách đãi ngộ tốt để từ đó tạo động lực cho giáo viên tích cực rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trình độ của giáo viên nói chung còn rất thấp, rất nhiều trong số này cần phải được đào tạo lại. Theo kết quả khảo sát mà chúng tôi vừa mới tiến hành gần đây cho thấy, trình độ giáo viên hiện nay tạm được chia thành 4 mức.
TS Nguyễn Tùng Lâm. |
Mức một là sáng tạo, có tri thức, đặt vào đâu cũng sống được, được học sinh yêu quý. Đây là những tấm gương thực sự về năng lực sư phạm và đạo đức nhà giáo, những người chỉ biết cống hiến mà không hề có một chút đòi hỏi.
Mức thứ hai là những người có năng lực nhưng rất thực tế, nơi nào đãi ngộ tốt, lương cao thì họ “đầu quân”.
Mức thứ ba, chiếm khoảng 70-80% là những nhà giáo chăm chỉ, nghiêm túc nhưng làm việc không hiệu quả vì ít khả năng sáng tạo, luôn trung thành với SGK. Mặc dù họ sống rất tốt nhưng với năng lực hạn chế sẽ rất khó đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Mức cuối cùng, chiếm tỷ lệ rất rất ít là “những con sâu làm rầu nồi canh”, cần phải đào tạo lại, thậm chí phải sàng lọc để “làm sạch” môi trường giáo dục.
PV: Việc chính quyền địa phương ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh huy động, điều động các giáo viên đi tiếp khách của thị xã đã làm “dậy sóng” trong dư luận cả nước trong những ngày qua, thậm chí trở thành đề tài tranh luận trong nghị trường Quốc hội với nhiều bình luận trái chiều. Ông nghĩ sao về sự việc này?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với các cô giáo trong câu chuyện này bởi việc họ bị điều động đi làm lễ tân là chuyện cực chẳng đã. Đáng trách là ở đây lãnh đạo, cụ thể là ông Chủ tịch thị xã và ông Trưởng phòng Giáo dục đã ứng xử thiếu văn hóa và thiếu cả sự hiểu biết về mặt pháp luật.
Thứ nhất, các ông này cho rằng, việc được điều động đi làm lễ tân là niềm vinh dự cho địa phương và cho chính các cô giáo, có thể xem đây là một sự thiếu tôn trọng, thậm chí là coi thường nghề dạy học.
Thứ hai, việc điều động giáo viên tham gia vào các sự kiện do Ủy ban tổ chức là tùy tiện, vi phạm quy chế sử dụng nhân viên...
Tôi cho rằng, cần phải kiểm điểm, kỷ luật thật nghiêm chuyện này để lấy lại sự uy nghiêm, vị thế cho nhà giáo. Chỉ tiếc là ngành giáo dục chưa làm rốt ráo được việc này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Hà Tĩnh cũng đứng ngoài cuộc, không hề lên tiếng để bảo vệ người lao động.
PV: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn và không để những câu chuyện đáng buồn này tiếp diễn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo, vốn luôn được xã hội xem là nghề cao quý?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Trước hết là phải kiểm điểm nghiêm túc và kỷ luật nặng những cá nhân có vi phạm liên quan để làm bài học cho lãnh đạo, quản lý các địa phương khác soi chiếu vào. Từ đó, tạo sức răn đe để những câu chuyện tương tự không còn tiếp diễn. Thậm chí, có thể nhân cơ hội này, rà soát lại xem ở đâu, địa phương nào vẫn còn những sự việc tương tự như thế này đều phải lôi ra ánh sáng dưới sự giám sát của báo chí để xử lý, rút kinh nghiệm, thậm chí kỷ luật vì đây rõ ràng là hành vi vi phạm nhân cách của nhà giáo, không thể dung túng.
Thứ hai là cần tổ chức được dân chủ trong nhà trường để người giáo viên được nói lên tiếng nói của mình bởi thực tế hiện nay, tiếng nói của giáo viên trong các trường rất bé nhỏ và yếu ớt.
Thứ ba là đối với các tổ chức Công đoàn Giáo dục của các địa phương, cụ thể ở đây là tỉnh Hà Tĩnh cũng phải tiến hành bầu lại vì đã không đấu tranh để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, cho người lao động.
PV: Từ việc giáo viên bị điều động đi tiếp khách đến những chuyện lệch chuẩn khác xảy ra trong môi trường giáo dục như trò hành xử không ra trò, thầy ứng xử không ra thầy khiến nhiều người tâm huyết với giáo dục cảm thấy lo lắng khi đạo làm thầy và đạo làm trò dường như đang có xu hướng ngày càng mai một?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đúng là thời gian qua đã xảy ra những hiện tượng đáng buồn theo kiểu trường không ra trường, thầy không ra thầy, trò không ra trò. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó chỉ là chuyện cá biệt của những “con sâu làm rầu nồi canh”, chứ không phải là phổ biến. Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải nghiêm túc chấn chỉnh chuyện này bởi thầy phải giữ đạo làm thầy và trò cũng phải giữ đạo làm trò thì cái đạo học, sự học mới ngay ngắn được.
Phải thừa nhận rằng, sự tu thân của người xưa để được gọi là thầy nó nghiêm cẩn lắm. Ngày nay cái sự ấy cũng đã phôi pha đi nhiều. Và cái đạo của người trò cũng vậy. Nguyên do sâu xa có lẽ bắt nguồn từ sự thay đổi trong tâm thế xã hội khi xem “giáo dục như một dịch vụ công” và người ta trả tiền để nhận được dịch vụ tương xứng là sòng phẳng và đúng luật.
Song cá nhân tôi cho rằng, quan hệ thầy trò nó còn có sự thiêng liêng giữa người với người chứ không chỉ là sự sòng phẳng của thị trường. Chúng ta đều biết, giáo dục góp phần tạo nên nhân cách con người; đạo học góp phần làm nên bản lĩnh, cốt cách của một dân tộc, cộng đồng. Do vậy, đạo lý này mà nghiêng ngả thì sẽ là điều rất nguy hiểm cho giống nòi, con cháu.
PV: Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta làm gì để giữ gìn và nâng vị thế của người thầy?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Phải đặt đúng giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Quốc sách ở đây không phải là lý thuyết, là khẩu hiệu mà phải biến thành chính sách và hành động thực tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ xây dựng được một quy trình đúng, chuẩn từ khâu đào tạo, sử dụng, chọn lọc và đãi ngộ giáo viên để tạo ra sản phẩm giáo dục có chất lượng.
Đồng thời, thu hút được thêm nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục. Và khi có đủ nguồn lực, chúng ta sẽ xây dựng được chế độ đãi ngộ phù hợp, giữ chân và thu hút được người tài vào giáo dục, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho người dân, hạn chế được tình trạng “chảy máu” chất xám ra nước ngoài.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn