Khi tôi viết những dòng này thì trên facebook của anh đã có thông báo rằng đêm qua anh đã được người chủ quán cơm gà, ở Hưng Hà (Thái Bình) chính gốc đang sống ở xã Phước Minh (Ninh Phước, Ninh Thuận) cho tá túc qua đêm.
Chập tối, Quang Thạch cầu cứu trên facebook của mình: “Gần tối mà vẫn đồng không mông quạnh, trên facebook có bạn nào ở xã Phước Minh (Ninh Phước) thì cho chúng tôi tá túc qua đêm với”.
Mấy nghìn bạn bè quen biết, không quen biết đang theo dõi từng bước chân của Thạch không khỏi lo lắng. Thời tiết miền Trung trong những ngày này chẳng khác gì chảo lửa, sức khỏe của anh lại đang có vấn đề, một mắt bị bong võng mạc, thị lực mắt còn lại cũng rất kém. Dù nắng hay mưa, dù đang phải uống thuốc khi cổ nóng rát, Thạch vẫn lên đường, khỏe thì đi hơn 20 chục cây số, yếu thì phân bổ đi ca sáng, ca chiều để giữ sức.
Quang Thạch với hành trình sách tại Phước Minh (Ninh Phước, Ninh Thuận) (Ảnh: Facebook Nguyễn QuangThạch)
Trên đường đi, có người hỏi Thạch rằng đi bộ để làm gì, một chủ quán nước ở Quảng Nam hỏi “con phát nguyện cái chi mà đi bộ xuyên Việt rứa?”, có người hỏi anh “đi bộ có lương không?"...Và họ đều ngỡ ngàng, cảm phục khi biết Thạch đi bộ là đem sách, truyện đến cho trẻ em nông thôn, cho những người công nhân…
Mấy ai hay rằng, Thạch đang có một công việc ổn định, thu nhập khá nhưng anh đã gác lại tất cả để thực hiện khát khao duy nhất của đời mình là đi bộ, kêu gọi 500.000 người Việt, mỗi người chỉ cần bỏ ra 240.000 đồng/năm để xây dựng, phát triển hệ thống thư viện Sách hóa nông thôn Việt Nam.
Nhiều người đã đồng hành đi bộ cùng anh, trong đó có thợ đầu bếp ở Hà Nội đi ô tô vào Huế để đi cùng anh, dù chỉ thêm một chặng đường ngắn để tiếp sức cùng Thạch. Mỗi quyển sách, tủ sách ngày một nhiều thêm theo mỗi bước chân của Quang Thạch.
Qua facebook, không ít người đã tìm đọc những cuốn sách đang cùng anh trên cuộc hành trình đưa sách về nông thôn, có người hỏi anh cách xây dựng tủ sách.
Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang sẽ xây dựng tủ sách đến tất cả các lớp học ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) ngay trong năm học 2015-2016. Hưởng ứng việc làm của Quang Thạch, tủ sách “Đổi đời” đã đến trao tặng các cựu chiến binh Trường Sơn, Chủ tịch UBND và Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Nam Trực (Nam Định). Cùng với “Sách hóa nông thôn”, ở mảnh đất Nam Trực này sẽ có những tủ sách phụ huynh, tủ sách học sinh, tủ sách dòng họ, tủ sách cựu chiến binh…
Đồng hành cùng “Sách hóa nông thôn” của Quang Thạch, một tủ sách nho nhỏ với hơn 50 cuốn đủ các thể loại cho học sinh lớp 2 - trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Biên Hòa, Đồng Nai) ra đời. Tủ sách này được bạn có nickname Nguyen Huyen thông báo và đọc những dòng chia sẻ gây ngạc nhiên.
Nguyen Huyen tâm sự, bạn không thể hình dung nổi bọn trẻ đã hào hứng đón nhận những cuốn sách mà lần đầu tiên chúng được đọc. Huyền cùng một người bạn đã lần mò trên những con đường bụi mù trời, giữa trời chang chang nắng để tới 1 lớp học phổ cập được mở hoàn toàn bằng thiện tâm của một cô giáo già.
Khi gặp tụi trẻ nhập cư ở đó, Huyền và những người bạn đã quyết định đeo đuổi chương trình của mình đến cùng. Huyền kể, lớp học chỉ có sách giáo khoa cũ kỹ đi xin lại của các trường, một phòng học chật chội, tối tăm, bàn ghế nhiều kích cỡ vì xin được là dùng. Tụi nhỏ không hề biết đến sách truyện. Giữa trưa nắng, các em chơi trò ô ăn quan giữa lối đi vừa lọt chân người. Cái lối đi hẹp ấy như trong tương lai của chúng vậy. Huyền nói thêm, bạn thật long muốn mở rộng cái lối đi ấy bằng chương trình “Sách và trẻ thơ” mà qua đó, những đứa trẻ chỉ ngày một, ngày hai sẽ thỏa ước mơ được đọc sách.
Anh Hoàng Minh Đức - Phó tổng giám đốc Công ty Trường Thịnh (Quảng Bình) cũng đã quyết thí điểm mở tủ sách phụ huynh tại trường học của con mình. Đoàn thanh niên của Agribank (Quảng Bình) cũng hưởng ứng mở thí điểm tủ sách tại một số lớp học ở ven thành phố Đồng Hới.
Chương trình tủ sách phụ huynh được mở tại 98 trường phổ thông ở huyện Thái Thụy (Thái Bình). Và dù bước chân của Nguyễn Quang Thạch đã rời khỏi Thái Bình từ lâu, nhưng phong trào tủ sách phụ huynh vẫn được phát triển.
Nguyễn Quang Thạch vừa thông báo tin vui rằng, một doanh nhân ở Hà Nội đã mang lại hai đầu ra rất tuyệt: Nhờ tư vấn làm tủ sách cho trẻ em vùng cao do nhóm của bạn ấy góp tiền xây dựng. Mỗi tháng doanh nghiệp của bạn ấy sẽ trích ra 4 triệu đồng để nhân viên trong doanh nghiệp về quê của họ để mở tủ sách trong lớp học của trường cũ. 240.000 tủ sách trong lớp học nông thôn sẽ được xây dựng bởi sự chung tay của những người con người xa quê có lòng với nơi họ đã sinh ra và lớn lên, nơi chôn nhau- cắt rốn chưa có sách đọc.
Trên facebook, nhiều bạn trẻ đã mở page kêu gọi những tấm lòng ủng hộ sách đến với trẻ em nông thôn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đọc sách.
Hãy đồng hành cùng với những trăn trở của Quang Thạch: “Để cho số đông ngu suốt đời thật dễ. Đó là tước đi cơ hội đọc sách của con trẻ từ nhỏ. Tước đi cơ hội đọc sách của con trẻ là tạo nguồn tội phạm cho xã hội, tận diệt sáng tạo xã hội. Tôi thường rùng mình khi nghĩ đến hàng chục triệu trẻ con được đọc sách quá ít trong tuổi học trò, một khoảng khuyết không thể bù đắp cho tâm hồn, trí tuệ trong mỗi con người, cho toàn xã hội”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn