Câu chuyện này không mới khi cách đây hơn 10 năm, đã từng có người thầy phát hiện hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp".
Đó là ông Đoàn Dụng, hiện đang là Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi (ảnh).
Sáng lớp 6, chiều lớp 1
Trò chuyện cùng Thanh Niên Online, người từng là Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết việc học sinh “học lớp 6 phải quay về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết” ở Sóc Trăng làm ông nhớ lại câu chuyện tương tự, thuở ông còn làm Trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).
“Năm học 2002-2003, khi tôi làm trưởng phòng, tôi yêu cầu các trường chấm thi tốt nghiệp tiểu học thực chất, nên thay vì những kết quả đậu tốt nghiệp cao ngất ngưởng, thì năm đó có hơn 200 học sinh yếu kém rớt tốt nghiệp. Đến năm học 2005-2006, thi tốt nghiệp tiểu học không còn, nên vào đầu năm học, tôi yêu cầu các trường THCS trên cả huyện kiểm tra chất lượng học sinh lớp 6. Thật bất ngờ khi phát hiện nhiều HS dù được công nhận đã học hết lớp 5 nhưng đọc viết chưa thông thạo tiếng Việt. Chính vì thế tôi đã chỉ đạo các hiệu trưởng phân công giáo viên mở lớp dạy lại cho các HS này tập viết chữ, sáng cho học lớp 6 nhưng chiều phải học lại lớp 1”, ông Đoàn Dụng kể.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc việc để học sinh lớp 6 mà không biết đọc, biết viết.
Chính phát hiện của ông đã giúp số HS ngồi nhầm lớp ngày càng ít đi, sau đó những HS này hoàn thiện dần các kiến thức để có thể ngồi đúng lớp. Nhờ vậy các trường THCS không còn phải dạy lại những HS quá yếu kém. Cũng từ đây, phong trào dạy thật, học thật càng được quan tâm hơn không chỉ ở H.Bình Sơn mà còn lan tỏa ra khắp tỉnh Quảng Ngãi và trên cả nước.
Trong hội nghị tổng kết năm học 2005-2006 của ngành giáo dục, ông Đoàn Dụng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân khen thưởng vì sự dũng cảm, thẳng thắn và trung thực giúp “chữa chạy” căn bệnh thành tích của ngành.
“Nếu rà soát lại thì không chỉ có ở Sóc Trăng”
Quay lại chuyện đang gây xôn xao dư luận ở Sóc Trăng, với kinh nghiệm quản lý giáo dục của mình, cũng như đã quá quen thuộc và tường tận “căn bệnh thành tích” của một bộ phận giáo viên, hiệu trưởng, ông Đoàn Dụng phân tích: “Tôi cho rằng việc “học lớp 6 phải quay về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết” là lỗi của cả giáo viên lẫn người quản lý (là hiệu trưởng). Họ đều có tư tưởng bệnh thành tích và tư duy không xem trọng giá trị thật. Có thể giáo viên đó không có tâm, dạy qua loa, HS tiếp thu được thì tiếp thu, còn không tiếp thu được thì thôi, trong khi nhà trường chẳng chú trọng việc dự giờ. Sau đó họ không trung thực, sợ bị la, bị khiển trách “tại sao dạy mà để học sinh yếu kém”, rồi sợ ảnh hưởng đến xếp loại thi đua cuối năm nên không dám nói ra sự thật cho lãnh đạo biết, nên họ đánh giá “đại”, cho điểm khống, thậm chí cho điểm tối đa. Người quản lý có khi biết sự thật, nhưng vẫn giấu diếm, vẫn im lặng cho qua vì sợ cấp trên “dũa”… Từ những cái sợ, những cái gian dối như vậy đã khiến HS dù không biết gì vẫn lên lớp”.
Hiện tượng học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu vẫn được lên lớp, còn gọi là 'ngồi nhầm lớp', tồn tại từ hàng chục năm nay.
Theo ông Đoàn Dụng, bệnh thành tích đã và đang hoành hành trong nhiều ngành chứ không riêng ngành giáo dục. Nhưng những minh chứng cụ thể thường được thấy trong giáo dục.
Cũng theo cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, thì: “Nếu bây giờ mà rà soát đồng bộ trên cả nước, chắc chắn không chỉ riêng ở Sóc Trăng mà nhiều tỉnh thành khác cũng sẽ có trường hợp HS đang ngồi nhầm lớp. Nếu làm là chắc chắn còn, dứt khoát là có thôi”.
“Trong một lớp, làm gì có chuyện HS nào cũng đạt loại giỏi, cũng phải có HS khá, trung bình, yếu chứ. Vậy mà cuối năm có vô số lớp chỉ có HS giỏi. Chưa kể nhiều trường báo cáo tổng kết, mọi thứ đều loại giỏi, chẳng có cái gì loại khá. Cũng là do bệnh thành tích mà ra. Chưa kể việc phổ cập tiểu học, nếu làm căng ra thì nhất định phát hiện nhiều thứ không đúng sự thật”, ông Đoàn Dụng nói.
Một học sinh lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết dù đã học ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.
“Giáo viên đừng lôi thôi, hiệu trưởng đừng báo cáo láo”
Làm thế nào để câu chuyện HS ngồi nhầm lớp, “học lớp 6 phải quay về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết” không còn xuất hiện trong thời gian tới? Ông Đoàn Dụng cho rằng chỉ có cách: “Trường phải dạy đàng hoàng, nghiêm túc. Giáo viên dạy phải có tâm, đừng có lôi thôi nữa, và hiệu trưởng đừng bao giờ báo cáo láo nữa”.
“Bởi nguyên nhân bắt nguồn từ họ, nếu họ chỉnh sửa thì sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu giáo viên và cả hiệu trưởng trung thực trong đánh giá. Học trò giỏi hay dở được đánh giá một cách chính xác, giỏi nói giỏi, dở phải nói dở, không có chuyện cho điểm khống, nhắm mắt làm ngơ cho giỏi “đại”, thì làm gì có chuyện học sinh "ngồi nhầm lớp"”, ông Đoàn Dụng phân tích.
Nói về việc có giáo viên cho rằng vì áp lực từ danh hiệu “trường chuẩn quốc gia” nên không dám cho HS ở lại lớp. Ông Đoàn Dụng cho rằng “không thể đổ thừa lý do này, bởi trong 5 tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia có cho phép: tỷ lệ HS bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 6%, loại yếu, kém không quá 5%...”.
Cũng theo người chữa bệnh "ngồi lớp 6, học lớp 1" ở Quảng Ngãi này, thì khi dạy học, nếu phát hiện HS học tệ, yếu kém, thì giáo viên nên cho lưu ban. Đừng vì áp lực chỉ tiêu lên lớp, thi đua khen thưởng… mà cứ “đẩy” HS lên lớp. Đối với HS “học lớp 6 phải quay về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết” ở Sóc Trăng nói riêng, hoặc những trường hợp tương tự nếu phát hiện về sau, cần nhờ những giáo viên có tâm huyết kèm cặp, giúp đỡ học sinh để dần hoàn thiện kiến thức và có thể ngồi đúng lớp.
“Dạy và học thực chất luôn là tôn chỉ của ngành giáo dục. Mỗi người giáo viên, mỗi người làm công tác giáo dục đừng hô hào khẩu hiệu và nói suông nữa mà hãy hành động thật. Nếu đã là một người đưa đò, một người làm giáo dục, thì cần hiểu được những sứ mệnh cần có. Đó là đừng bao giờ có tư tưởng bảo thủ, mà phải có tâm với nghề, có tâm sẽ giúp có trách nhiệm. Và phải có lòng tự trọng. Để không muốn xã hội khinh rẻ thì mình nên dạy thực chất, làm tốt công việc dạy học. Người giáo viên đừng bao giờ giấu diếm mãi những thứ không trung thực, mang tư tưởng bệnh thành tích, để rồi khiến ngành giáo dục phải mang nhiều hệ lụy, đừng là “con sâu làm rầu nồi canh” khiến cả ngành giáo dục mang tiếng, và làm khổ phụ huynh, lẫn HS”, ông Đoàn Dụng trăn trở.
Theo Xuân Phương Thanh niên