Hai lần nhận "tâm thư" và 1 lần bị kiện

Thứ ba - 01/05/2018 10:05
Trong năm 2013, có lẽ ngoài những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội gửi tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận không thể quên 3 lá đơn, thư mà mình là… người nhận.

Cất công viết “tâm thư” tới hai lần cho ông Phạm Vũ Luận là nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Đòi “bữa cơm có thịt” cho trẻ

Ảnh minh họa: Petro Times

Những ngày đầu năm 2013, bức thư ngỏ nhà báo Trần Đăng Tuấn qua báo chí gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, khiến cả nước… ngỡ ngàng: Quyết định 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2011, nhưng sau 14 tháng chưa được thực hiện, với một trong các nội dung là trẻ mầm non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn…được hỗ trợ 120.000 đồng/ tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường.

Quyết định ghi rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là chủ trì, phối hợp với các Bộ để “hướng dẫn các địa phương thực hiện các nội dung của quyết định này”.

Dù tiền chi cho mục tiêu này ở nhiều địa phương đã có từ lâu, nhưng do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện, nên các địa phương đành chờ đợi. Cũng có những nơi không nỡ để cảnh “Tiền treo, trẻ nhịn đói” nên đã chi trước, nhưng cũng có cảnh trong một tỉnh huyện này dám chi, huyện kia sợ, vẫn đợi hướng dẫn…

Sau khi dư luận lên tiếng, ngày 28/2 Bộ GD-ĐT lên tiếng giải thích lý do: "Ngay sau khi có Quyết định, Bộ GD-ĐT đã khẩn trương chủ trì phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan soạn thảo thông tư hướng dẫn và ngày 13/6/2012 bản dự thảo đã được đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do vướng mắc một số khâu “kỹ thuật” nên cho đến nay thông tư này vẫn chưa được ban hành chính thức"...

“Xin bộ trưởng không day dứt gì cả”

Sau đó không lâu, ngày 11/3, ông Trần Đăng Tuấn lại có "tâm thư" lần thứ 2 gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Lần này là về chuyện chế độ chính sách cho giáo viên mầm non hợp đồng.

Trong lá thư này, ông Trần Đăng Tuấn chỉ rõ: Ngày 25/12/2012, trong phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp Luật Giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông trước Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội - Bộ trưởng đã thổ lộ trước các đại biểu Quốc hội rằng: Việc chưa cải thiện được lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế là nỗi “day dứt”của Bộ trưởng và là “món nợ” của Bộ Giáo dục với các giáo viên này.

Nhưng có một sự thật là ngày 26/10/2011, và trước buổi giải trình tại Quốc hội chẵn 14 tháng, Thủ tướng đã có quyết định 60/2011/QĐ-TTg, ngoài nội dung trợ cấp cho trẻ 3,4 tuổi vùng khó khăn (mà thư trước ông Tuấn đã đề cập), thì nội dung tiếp theo là giáo viên mầm non ngoài biên chế (hợp đồng lao động) được hưởng chế độ trả lương và bảo hiểm cùng các chính sách khác giống như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo trong biên chế.

“Xin Bộ trưởng hãy rà soát, nếu thấy việc chuẩn bị các thông tư hướng dẫn không thể nào gói vào trong hạn định thời gian của Luật, Bộ hãy kiến nghị với Chính phủ sửa cách ra quyết định hoặc kiến nghị Quốc Hội sửa Luật. Trong trường hợp ngược lại, xin Bộ trưởng không day dứt gì cả, mà nói với những quan chức, công chức có liên quan của Bộ một điều: Hãy làm việc sao cho đúng lý (với Cơ quan lập pháp, Cơ quan hành pháp cao nhất nước) và đạt tình (với trẻ em và đồng nghiệp)” – ông Tuấn tha thiết đề nghị trong thư.

Ngay trong ngày ông Tuấn gửi bức tâm thư thứ hai này, “Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015” đã được ba Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ ký ban hành, và có hiệu lực từ ngày 25/04/2013.

Một lần nhận “trát” của toà

Ông Hoàng Xuân Quế. Ảnh: Một Thế Giới

Ngày 30/10, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được thông báo của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, thông báo thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm với người bị kiện là ông Phạm Vũ Luận, người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế - phó Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng (ĐH Kinh tế Quốc dân).

Đây là một sự việc khá hy hữu, khi Bộ trưởng Giáo dục là tư lệnh ngành hiếm hoi bị một cán bộ của ngành khởi kiện ra Toà án vì quyết định hành chính của mình.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã uỷ quyền cho cán bộ thực hiện các thủ tục ở tòa án. Trong cuộc họp báo cuối năm, ông Phạm Vũ Luận chia sẻ ngắn gọn về vụ kiện: “Trong xã hội hiện đại người dân có quyền kiện cơ quan quản lý, điều này thể hiện sự dân chủ”.

Bộ trưởng cũng thể hiện sự kiên quyết để lập lại kỷ cương, kỷ luật trong toàn ngành trong thời gian tới.

Theo Chi Mai Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây