Báo cáo của Cục nhà giáo cho biết hiện nay cả nước đang thừa 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551). Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).
Nguyên nhân của nơi thừa, nơi thiếu giáo viên được ông Trần Kim Tự, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục chỉ ra là hệ thống văn bản liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức về cơ bản là khá hoàn chỉnh, đồng bộ nhưng một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực.
“Việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên một cách tràn lan, không đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống dạy cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học (điển hình như ở Thanh Hóa); trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn ngoại ngữ ở tiểu học chưa phải là môn học bắt buộc nên nhiều địa phương không bố trí biên chế, chỉ cho phép hợp đồng đối với giáo viên dạy ngoại ngữ (tiếng Anh)”, ông Trần Kim Tự chia sẻ.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa hoàn thiện. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chưa quan tâm đến nhiệm vụ bồi dưỡng; sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với nhau chưa thực sự trở thành một mạng lưới thống nhất, chưa có sự phối hợp hiệu quả và trách nhiệm rõ ràng trong các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng; chương trình, tài liệu, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, nội dung thực hành nghề, nghiệp vụ sư phạm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và thực tiễn giáo dục ở các địa phương; chưa đổi mới bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường việc tự học, tự bồi dưỡng của người học theo tinh thần thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ và dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Trước thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp là điều chuyển giáo viên các cấp học khác dôi dư xuống để dạy giáo viên mầm non. Một phần để điều tiết lại nguồn nhân lực, mặt khác để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non xảy ở hầu khắp các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này hiện cũng đang nhận được nhiều ý kiến lo lắng từ chính những người trong cuộc.
Điều chuyển giáo viên chỉ là giái pháp tình thế. Ảnh minh họa
Giáo viên lo lắng
Giáo viên mầm non là một ngành đặc thù, bên cạnh kiến thức, các giáo viên mầm non phải có kỹ năng múa, hát, vẽ…các kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc trẻ. Trong khi đó giáo viên ở các bậc học khác không đòi hỏi những kỹ năng này.
Cô giáo N.P.A (Hà Tĩnh) cho rằng: “Chúng tôi không được đào tạo các kỹ năng chăm sóc trẻ, bây giờ điều chuyển xuống dạy mầm non thật sự rất khó. Hơn nữa, khối kiến thức được đào tạo trong các trường sư phạm không sử dụng đến sẽ rất lãng phí”.
Bên cạnh việc kiến thức, kỹ năng không được cập nhật, nhiều giáo viên ở bậc học khác muốn “được” dạy mầm non phải đi bồi dưỡng kiến thức phải học văn bằng 2, nghĩa là lại phải đào tạo lại kiến thức về mầm non. Điều này gây lãng phí tiền bạc, thời gian đi học lại trong khi giáo viên mầm non vất vả hơn rất nhiều so với các bậc học khác.
Tại buổi sơ kết học kỳ I diễn ra hồi tháng 1 vừa qua, nhìn nhận vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng: “Việc đưa giáo viên THCS dôi dư xuống dạy mầm non là giải pháp tình thế bất đắc dĩ”.
Tại Nghệ An đã triển khai việc này được hai năm vì có nhiều giáo viên hợp đồng 12-13 năm mà các cơ chế chính sách không được bảo đảm. Do đó, việc chuyển những giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non sẽ bảo đảm được đầy đủ các quyền lợi, cơ chế, chính sách đối với các thầy, cô giáo nhưng những giáo viên này sẽ chỉ là giáo viên thứ 2 trong lớp còn giáo viên thứ nhất vẫn phải bảo đảm đúng chuẩn giáo viên mầm non.
Điều chuyển chỉ là giải pháp tình thế
Trao đối với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương đã điều chỉnh giáo viên thừa ở bậc phổ thông sang dạy mầm non. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.Về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt chất lượng, do bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt".
Đại diện Bộ khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ vào tinh thần tự nguyện của các thầy cô. Đây là giải pháp tình thế Bộ phải đưa ra để giải quyết hậu quả từ việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.
Bà Nghĩa cũng cho biết thêm, việc điều chuyển giáo viên theo chương trình cũng còn căn cứ trên tinh thần tự nguyện của thầy cô chứ không ép buộc. Ngoài ra, theo bà Nghĩa, không phải giáo viên THCS nào cũng được lựa chọn đi học lại. Theo bà Nghĩa, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng khiếu nghệ thuật như hát nhạc, kể chuyện, mỹ thuật… phù hợp để đứng lớp dạy mầm non.
“Bộ sẽ yêu cầu các địa phương rà soát đề đào tạo văn bằng hai cho các giáo viên. Chúng tôi sẽ có kiểm tra, giám sát chặt chẽ để có thể cam kết rằng sẽ có được đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non” – bà Nghĩa nói.
Theo bà Nghĩa, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng các tiêu chí để lựa chọn đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng điều kiện đầu vào, có những năng khiếu, đặc điểm phù hợp mà giáo viên mầm non phải có.
“Trên cơ sở sàng lọc để đảm bảo điều kiện đầu vào thì khi đào tạo chúng ta mới đảm bảo chuẩn đầu ra. Trong quá trình đào tạo, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình này. Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên và việc kiểm tra giám sát thì chúng tôi cam kết với xã hội hướng tới một đội ngũ giáo viên có chất lượng cho các cơ sở giáo dục”, bà Nghĩa khẳng định.
Trước đó Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi công văn tới UBND các tỉnh yêu cầu dừng việc tổ chức bồi dưỡng lại.
Bộ cũng đã yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thiết kế một chương trình đào tạo để đào tạo lại bằng văn bằng 2 cho đối tượng này. Hiện, chương trình đào tạo đó đang được các chuyên gia góp ý, thẩm định từ đó đưa ra để đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo viên mầm non”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn