![]() | ||
. Trên báo tamnhin.net được cập nhật ngày 4/7/2015 có bài viết của thầy giáo Phạm Quang Ái ở Hà Tĩnh. Chúng tôi chia sẽ nỗi bức xúc và cơ bản đồng tình với quan điểm của nhà giáo này. Nhận định của chúng tôi qua đề thi lần này chứng tỏ ngành Giáo dục “Bụng thì bức… mà sức còn hèn”.
Đề thi đã nêu lên 3 ý tưởng:
1. Muốn đề cập đến tính nóng bỏng của tình hình Biển Đông đang diễn ra;
2. Cảnh báo nguồn gốc sâu xa, hiểm họa của căn bệnh vô cảm…;
3. Sự cần thiết hóa giải những ý tưởng và bất đồng trong quá khứ của dân tộc, làm thông suốt tư tưởng Đại Việt, hướng tới một tương lai vì sự giàu mạnh của nước nhà.
Những ý tưởng ấy được nêu lên trong đề thi là việc làm rất tốt nhưng cách thể hiện còn nhiều hạn chế, có thể nói một số điểm còn yếu.
“Phần 1- Đọc hiểu” được tính 3 điểm. Đề thi đã chọn bài “Hát về một hòn đảo” của tác giả Trần Đăng Khoa (NXB Văn học năm 2014, trang 51). Theo chúng tôi khi chọn tác phẩm này người ra đề muốn đề cập đến tình hình thời sự đang dậy sóng ở biển Đông, nhằm thổi vào hồn hàng triệu học sinh ý thức dân tộc và tinh thần của thời đại. Nhưng thưa rằng, nếu nói về tính thời sự… thì “Hát về một hòn đảo” đã trở thành bài thơ của thời quá khứ so với những bài thơ và khúc hát gần đây. Nếu vì mục đích cập nhật đời sống, nên chăng chọn bài “Tổ quốc gọi tên mình”, thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, đã được truyền cảm hứng thành một khúc ca hoành tráng do nhạc sĩ Đinh Trung Cần tiếp thêm sức mạnh. Gần đây chúng tôi dự rất nhiều đám cưới của các bạn trẻ và các buổi sinh hoạt chính trị, bài hát ấy được cất lên, dội vào lòng người những cảm giác rưng rưng… Nói như nhà thơ Phe-tô-phi: “Năm châu bốn biển đi tìm/ Đem lời nói đốt trái tim bao người”.
Trần Đăng Khoa có thể nổi danh hơn Nguyễn Phan Quế Mai ở những tác phẩm khác, nhưng trong những ngày hôm nay thì “Tổ quốc gọi tên mình” có sức lay động hơn “Hát về một hòn đảo”. Từ “Tổ quốc gọi tên mình” có thể học sinh liên tưởng đến lời tâm huyết của cha ông trong Hịch tướng sĩ văn củaTrần Quốc Tuấn; Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi và trong những lời đối đáp của Giang Văn Minh với vua Tàu.
Vế đối của vua Tàu:
“Đồng Trụ chí kim đài dị lục”.
Vế đáp của Giang Văn Minh:
“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”.
Hoặc nhiều lời tuyên bố bất hủ của vua Quang Trung…
Qua 4 câu hỏi mà đề Văn nêu lên cho thí sinh, chứng tỏ tầm suy nghĩ còn thấp, kiến thức còn quá dễ dãi.
Cũng nằm trong Phần 1, vế “2 - Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8” của đề ra. Đoạn trích “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” được dẫn từ “Bài tập Ngữ Văn 12” tập 1, NXB Giáo dục Việt nam năm 2014, trang 36-37. Bài tập này trong sách Ngữ Văn 12, là một đoạn văn lý thuyết chung chung, thiếu tính thuyết phục. Xét về “Căn bệnh vô cảm” của xã hội ngày nay được bàn luận trong bài tập này chỉ là lời lý thuyết, thiếu sức truyền cảm cho thế hệ trẻ. Phần đọc - hiểu thiếu sức thuyết phục không gây cảm hứng cho hàng triệu học sinh khi đọc, thiếu chiều sâu trí tuệ và tính văn chương. Nói về “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” bằng những lời lý thuyết không thôi ít có tác dụng bằng những sự việc và hình ảnh cụ thể.
Phần Làm văn - 7 điểm. Câu 1 (3 điểm) “Có ý kiến cho rằng việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức. Anh chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên”. Ý tưởng của người ra đề như vậy là được nhưng cách ra đề hoàn toàn không ổn. Đây cũng là vấn đề lý thuyết chung chung. Chẳng nhẽ những chuyên viên cao cấp của ngành Giáo dục & Đào tạo được Bộ tin tưởng không còn cách chọn lựa nào khác? Nên chăng từ một tác phẩm văn học hoặc một tình huống cụ thể có nội dung tương đồng… từ đó đề thi đã nêu lên vấn đề để học sinh bàn luận, rút ra bài học thực tiễn về rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức.
Đọc câu hỏi này của đề ra, chúng tôi không biết nó thuộc vào bộ môn nào? Đây là văn chương hay là chính trị - giáo dục công dân? Đây là đề thi Văn quốc gia hay là bài tập tập huấn cho cán bộ Đảng viên xây dựng nông thôn mới?.
Câu 2 (4 điểm) đề ra được trích từ bài “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà vănNguyễn Minh Châu (rút từ Ngữ Văn 12 tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam năm 2015, trang 75-76). Biết rằng đây là một tác phẩm mang tính hòa giải dân tộc… Ý tưởng của nhà văn và người ra đề là tốt. Nhưng chỉ qua một đoạn trích mà yêu cầu hàng triệu học sinh phải cảm nhận về một nhân vật như vậy là chưa trọn vẹn. Đề ra và yêu cầu như vậy là chưa chuẩn mực.
Đã từ lâu nhân dân trông đợi một kỳ thi quốc gia lấy một kết quả cho hai mục đích: Vừa tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng.Đề thi văn chương trước hết phải có sức hấp dẫn về văn chương và chiều sâu của trí tuệ. Trong những câu hỏi của đề thi này rất khô khan, tuy không gây nguy hiểm gì nhưng làm suy giảm cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nếu ví văn chương như là một nguồn thực phẩm để nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ thì nguồn thực phẩm này rất ít chất bổ. Nếu dùng mãi những thứ ấy thì thế hệ trẻ nguy cơ sẽ suy dinh dưỡng và thiểu năng trí tuệ.
Cổ nhân dạy: “Nhân nào thì quả ấy”, “Gieo gì thì gặt nấy”. Một nhà bác học từng nói: “Dù mai sau khoa học tự nhiên có thể xây dựng được những lâu đài trên mũi kim thì không thể thay được văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật rất cần cho con người. Đó là tiếng nói của tâm tư, tình cảm và khát vọng của con người”.
Với cách biên soạn sách giáo khoa Ngữ Văn tích hợp như những năm qua, với việc chọn đề thi như kỳ thi vừa rồi, những người có hiểu biết và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn.
Chúng tôi xin chia buồn với ngành Giáo dục khi đưa ra đề thi Văn năm nay và chia buồn với hàng triệu học sinh yêu thích văn chương khi tiếp nhận một đề thi không có tính văn chương, không gây được hứng thú.
Là người nhiều năm giảng dạy môn Văn ở các bậc phổ thông và trường bồi dưỡng giáo viên, đã từng làm phóng viên của Báo Tiền Phong và Báo Văn Nghệ Trẻ… chưa bao giờ nguôi nỗi niềm trăn trở về việc dạy văn trong hệ thống giáo dục phổ thông với những bộ sách giáo khoa tích hợp theo kiểu “Đầu Ngô mình Sở”. Nếu những người biên soạn sách giáo khoa và người ra đề cần tranh luận thì chúng tôi sẽ sẵn sàng trên bất cứ diễn đàn nào.