Bộ trưởng hãy về Hà Tĩnh để biết chuyện ở Đông Yên

Thứ tư - 02/05/2018 01:21
Thầy và trò các lớp học "tình thương" đặc biệt này vì thế, luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu, sợ hãi.

Minh họa: Ngọc Diệp

Đọc bài viết "Vũng Áng và 155 học sinh cần chữ" của tác giả Lê Quốc Châu trên trang điện tử motthegioi.vn , độc giả không khỏi xót xa.

Trước hết là nỗi xót xa, thương cảm của cộng đồng đối với 155 học sinh ở thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị “tước quyền” được đi học.

Cùng với nỗi xót xa ấy là sự cảm phục tấm lòng của các thầy cô giáo ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã không quản khó khăn, bất chấp "hiểm nguy" để các em tiếp tục học hành dù không được đến trường.

Đấy là sự xót xa, đồng cảm, chia sẻ đối với thầy và trò trong cơn bĩ cực.

Còn nữa, dư luận cũng không nén được nỗi bức xúc trước sự vô cảm, cứng nhắc của ngành giáo dục và chính quyền địa phương đối với con em mình.

Chuyện hi hữu ấy lại xảy ra ở nơi để lấy đất cho Formosa làm dự án, cả thôn Đông Yên cùng 9 xã khác thuộc huyện Kì Anh buộc phải di dời đến nơi tái định cư mới. Cuộc sống ở nơi tái định cư là vô cùng khó khăn đối với những người dân bao đời nay chỉ biết gắn bó với biển; cộng với sự thiếu minh bạch, o ép trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền đã khiến nhiều người trong số họ không chịu di dời lên khu tái định cư. Vì thế, hai năm nay, con em họ không được cắp sách tới trường, dù trên địa bàn có trường THCS Kỳ Lợi còn 6 phòng học để trống do thiếu học sinh.

Chuyện cha mẹ các em không chịu di dời đến khu tái định cư là chuyện của "người lớn", chúng tôi không bàn đúng sai ở đây. Nhưng có điều không thể không trăn trở, và càng nghĩ càng thấy đau lòng. Không! Đã có những thầy cô giáo tận tụy với nghề không chấp nhận điều đó. Bằng chứng là trong hai năm qua có những lớp học tự phát được mở ra tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Thầy cô của những lớp học ấy đã làm việc một cách tự nguyện, có người lặn lội từ tận Đô Lương, Nghệ An vào; có người là đàn anh lớp trên bày cho các em lớp dưới đang thất học. Họ sống nhờ trong nhà dân, dân góp gạo nuôi thầy; thầy cô dạy hoàn toàn miễn phí.

Một trong những giáo viên tham gia dạy các lớp học tự phát, cô giáo Hải Đường chia sẻ: "Em thương các em, chúng nó cần cái chữ, vì tình thương, vì chia sẻ nỗi buồn cùng các em và phụ huynh. Ngày xưa em cũng cùng cảnh ngộ, việc học bị gián đoạn nên em hiểu tâm trạng của người khát khao được đi học là thế nào. Thế là em tới thôi chứ không nghĩ gì cả".

Tấm lòng của các thầy cô thật đáng khâm phục. Vậy mà chuyện dạy học của họ nào có được yên đâu.

Cho rằng những lớp học này là sai, không đúng quy định, công an xã đã nhiều lần gửi giấy triệu tập các thầy cô lên xã.

Thầy và trò các lớp học "tình thương" đặc biệt này vì thế, luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu, sợ hãi.

Cô Hải Đường cho biết: “Em thì chưa bị triệu tập nhưng thời gian trong năm 2015 có nhiều anh chị bị Công an xã Kỳ Lợi triệu tập nhưng họ không dám tới. Các bậc phụ huynh là những người bảo vệ ngoài cửa cho các em học ở trong nhà. Bà con giữ bí mật vì sợ công an đuổi em về thì các em không được học. Em chỉ bị vặn hỏi một lần vào giữa tháng 4.2016 khi họ biết em có mặt ở đây để giúp đỡ các em. Trong một ngày, công an xã ghé thăm hai lần”.

Chẳng hay có nơi nao có những lớp học tình thương như vậy phải hoạt động trong "bí mật" để tránh sự cản trở của cơ quan công quyền như thế không?

Chính quyền địa phương thì đối xử như vậy. Còn ngành giáo dục sở tại thì sao?

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Kỳ Anh khẳng định với báo chí: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi phạm pháp luật”.

Một nhà giáo, một cán bộ quản lí giáo dục mà xơ cứng đến thế là cùng. Trái tim của các vị có còn rung cảm trước những thiệt thòi mà con em mình phải gánh chịu; trước những tấm lòng thơm thảo, trong sáng và nhiệt huyết đối với nghề của những đồng nghiệp?

Có thể khi biết câu chuyện này ở Đông Yên, ai đó lại sẽ nói nó "nhỏ xíu như cái móng tay" bởi 155 em thất học ở đây chẳng thấm vào đâu so với con số hàng chục ngàn học sinh bỏ học mỗi năm trong cả nước.

Nếu có những suy nghĩ như vậy thì đó quả là sự vô cảm đáng sợ.

Tương lai của đất nước bắt đầu từ những "cái móng tay nhỏ xíu ấy". Sẽ ra sao nếu chúng ta làm kinh tế bằng việc đánh đổi cuộc sống của người dân và tương lai của thế hệ trẻ đất nước?

Với Đông Yên, giải pháp trước mắt là chính quyền và ngành giáo dục huyện Kì Anh cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất (lấy các phòng học còn trống của trường THCS Kỳ Lợi) để các lớp tồn tại; hỗ trợ kinh phí, sách vở đồ dùng dạy học; vận động người dân cùng các nhà hảo tâm chia sẻ giúp đỡ thầy trò.

Đó là cách tốt nhất để câu khẩu hiệu "Tất cả vì tương lai con em chúng ta" không còn là thuyết lí xa vời.

Theo Dân trí
http://dantri.com.vn/dien-dan/bo-truong-hay-ve-ha-tinh-de-biet-chuyen-o-dong-yen-2016070209092331.htm

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây