Vấn đề này đã được nêu lên trong toạ đàm về khái niệm "Liberal Art" (giáo dục khai phóng) diễn ra chiều 16/10 tại Hà Nội.
Phát biểu mở đầu, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) nhìn nhận, Liberal Art là hệ thống giáo dục giúp con người trở thành những con người tự do, làm được những gì mình mong muốn.
Toạ đàm về "giáo dục khai phóng" tại giảng đường Lê Thánh Tông (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Lê Văn |
"Như vậy, vấn đề không phải là học môn gì mà là học như thế nào. Đây cũng là đặc trưng quan trọng nhất của giáo dục khai phóng. Điều này giúp các em có thể học liên tục trong cuộc đời thay vì dừng lại ở việc học một số môn các em phải chọn lúc vào trường".
Bà Thủy có một người bạn là nha sĩ với công việc ổn định, thu nhập cao nhưng luôn đau đáu về ước mơ trở thành kiến trúc sư từ thời trẻ mà anh không đạt được vì đã lựa chọn nghề nghiệp theo tiếng gọi của cha mẹ.
“Khi 17-18 tuổi, nhiều em chưa biết mình thích gì. Vì vậy, bắt phải lựa chọn nghề nghiệp thì rất nhiều em sau này sẽ cảm thấy nuối tiếc. Giáo dục phải giúp các em sau này không phải nói những điều “giá như” như thế trong vòng 10-15 năm sau” – bà Thủy chia sẻ.
GS Randall Woods, Trường Nghệ thuật và Khoa học Fulbright, ĐH Arkansas cho biết, ở ngay tại Mỹ, vẫn có những tranh cãi lớn về giá trị của giáo dục khai phóng.
Còn theo GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật (VJU), ngay cả ở Nhật, nhiều lãnh đạo cũng nghi ngờ giá trị của đường lối giáo dục này.
GS Futura Motoo |
“Đánh giá hiệu quả của nó không phải dễ dàng. Những nhân viên có chuyên ngành hẹp sẽ được đánh giá cao hơn những người được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, 10 năm sau, khi đã trở thành một lãnh đạo chủ chốt trong công ty thì người có tầm nhìn rộng của giáo dục khai phóng sẽ mang lại nhiều giá trị hơn” – ông Furuta nói.
Bà Đàm Bích Thủy đưa ví dụ về Mark Zuckerburg, người sáng lập mạng xã hội Facebook như một điển hình:
"Anh học chuyên ngành tâm lý ở ĐH Harvard chứ không phải là khoa học máy tính. Mark luôn nói môn tâm lý đã giúp cho mình nhiều hơn là khoa học máy tính. Nếu không nhận biết được cách hành xử của người tiêu dùng tại thời điểm đó thì cậu ấy sẽ không thể tạo ra được Facebook như hiện nay”.
Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu SV ĐH Stanford (Hoa Kỳ) - nói rằng, những lớp học đầu tiên của Liberal Art mà cô được học trong trường không phải là triết học hay lịch sử như nhiều người nghĩ mà là về ý nghĩa cuộc sống, cái chết. Khi học những chủ đề đó, SV buộc phải đọc rất nhiều sách về khoa học tự nhiên, sách y học, sinh học và cả những sách về triết học, nhân văn...
Việt Nam: Đã bỏ lỡ giáo dục khai phóng
Dù thừa nhận giá trị của giáo dục khai phóng, song các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc thúc đẩy giáo dục khai phóng ở Việt Nam vẫn có thể gặp nhiều thách thức.
GS.TS. Furuta Motoo, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam nhận định, các trường đại học ở Việt Nam đang nghiêng về đào tạo chuyên ngành hẹp để nhanh chóng tìm được việc làm mà không hướng tới trang bị cho sinh viên một tầm nhìn rộng để có thể thích ứng với thời đại "đi biển không có la bàn" hiện nay.
Ông Furuta cũng nhắc lại, vào đầu thập niên 90 tại Việt Nam đã xây dựng trường đại học đại cương dạy những kiến thức cơ bản cho sinh viên trước khi chuyển sang đào tạo chuyên ngành là đã bắt đầu đi theo triết lý giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, mô hình này không duy trì được lâu.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH, “tác giả” của đại học đại cương ở Việt Nam nhớ lại:
Trước năm 1986, giáo dục ĐH của Việt Nam đi theo mô hình của Liên Xô, nghĩa là đào tạo những chuyên ngành rất hẹp. Kể cả các môn cơ bản, cơ sở trong chương trình của họ cũng chỉ phục vụ mục đích đào tạo nghề.
Khi đổi mới, Việt Nam tham khảo mô hình của Mỹ, phân chia thành 2 phần: Giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc đưa giáo dục đại cương vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vì ngay cả những người đầu ngành lúc đó cũng đều được đào tạo tại Liên Xô nên không chấp nhận giáo dục đại cương.
GS Lâm Quang Thiệp: "Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội giáo dục khai phóng" |
Cho rằng, VN đã "bỏ lỡ cơ hội của giáo dục khai phóng", GS Thiệp nói: "Đến đầu thế kỷ 21, tinh thần giáo dục khai phóng đang bắt đầu trỗi dậy trên cả thế giới và Việt Nam. Hiện nay, vòng đời công nghệ ngắn nên chỉ theo học một chuyên môn hẹp thì rất dễ thất nghiệp".
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây thì hào hứng đề xuất thành lập một nhóm trường ủng hộ tinh thần giáo dục khai phóng để tạo nên những “minh chứng” cho giá trị của đường lối giáo dục này.
“Dự báo cho thấy, trong tương lai gần, hơn 50% nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất hoặc thay đổi rất mạnh. Vì vậy, phụ huynh cũng phải tính toán rằng, con em chúng ta ra trường không phải để làm việc ngay sau khi tốt nghiệp mà còn làm việc lâu dài về sau” – ông Minh nói.
Cần những người thầy khai phóng
Tại toạ đàm, cũng có ý kiến cho rằng "giáo dục đại cương 2 giai đoạn" trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam không phải là "giáo dục khai phóng".
TS Giáp Văn Dương cho rằng giai đoạn “giáo dục đại cương” thực ra vẫn chưa phải “giáo dục khai phóng” là đề cao quyền được lựa chọn của các sinh viên đối với những môn học yêu thích.
Là lứa đầu tiên học chương trình giáo dục đại cương 2 năm, anh Dương nhìn nhận việc chia giai đoạn chỉ là đơn giản cắt một cách cơ học 5 năm thành 2 năm đại cương, 3 năm chuyên sâu. Mọi thứ vẫn như vậy, các môn vẫn như vậy thì việc tách ra không có ý nghĩa gì cả. “Kiểu gì cũng phải học tất cả các môn như vậy mới được ra trường”. Sau này, các trường áp dụng học chế tín chỉ, nhưng tính chất “bình mới, rượu cũ” vẫn là phổ biến.
GS Phạm Quang Minh |
Còn GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQGHN) cũng thừa nhận, các trường ĐH Việt Nam hiện đang quá chú trọng đào tạo chuyên ngành hẹp và đây là sai lầm.
“Đào tạo ngành lịch sử thì 4 năm chỉ học lịch sử, đào tạo toán học thì cả 4 năm chỉ học toán. Bốn năm chỉ học một thứ thì sinh viên ra trường ngơ ngác là phải” – ông Minh nói.
Ông Minh quan niệm không nhất thiết phải xây dựng một đại học Liberal Art mà quan trọng nhất là thiết kế lại chương trình đào tạo. Chẳng hạn một sinh viên ngành lịch sử thì thay vì học 120 tín chỉ chỉ có lịch sử chỉ cần học 70 tín chỉ, còn lại học những môn học khác từ kinh tế, nghệ thuật, thậm chí là thống kê…
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận thực hiện điều này không dễ:
“Ngay cả ở Trường ĐH KHXH-NV chúng tôi khi đề xuất sinh viên lịch sử chỉ cần học 70 tín chỉ để dành thời gian cho những môn học khác thì đã nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội”.
Bà Đàm Bích Thuỷ |
Lắng nghe các diễn giả trao đổi trong gần 2 giờ, TS Giáp Văn Dương đứng dậy góp bình luận: Cái khó của giáo dục khai phóng là những người thầy, bởi không có những “người thầy khai phóng” sẽ không có giáo dục khai phóng.
Trả lời câu hỏi chuẩn bị giảng viên thế nào, bà Đàm Bích Thủy cho biết, các ứng viên sẽ phải tham gia một bài thi là bài giảng thực, trước sinh viên thật và sinh viên sẽ là những người đánh giá và lựa chọn.
“Nếu chúng ta không coi sinh viên là trung tâm mà chỉ biết tới người thầy thì tôi tin rằng chúng ta sẽ không có được tinh thần của giáo dục khai phóng” - bà Thuỷ cho hay.
Theo Lê Văn Vietnamnet.vn