Ông Phước bỏ 400 triệu đồng mua mảnh đất ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nhưng được giao sổ đỏ giả. Ảnh: Quang Đại
PV Báo Lao Động nhận được đơn của ông Phan Xuân Phước (31 tuổi, trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về việc bị lừa đảo.
Theo nội dung đơn, vào ngày 9.2.2023, ông Nguyễn Đình (52 tuổi) và vợ là bà Trịnh Thị Thuyết (41 tuổi) trú xã Đô Thành đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho ông Phước thửa đất có số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất DE031004 với giá 400 triệu đồng, đã thanh toán bằng chuyển khoản.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên được UBND xã Đô Thành chứng thực.
Công an huyện Yên Thành thông báo kết luận giám định cả 2 sổ đỏ ông Phước nhận được từ việc chuyển nhượng đều là giả. Ảnh: Quang Đại
Vào ngày 27.3.2023, ông Trịnh Nhật Lễ (70 tuổi) và bà Lê Thị Hương (63 tuổi) trú xã Đô Thành đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho ông Phước thửa đất có số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất DD 566197.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND xã Đô Thành chứng thực và ông Phước đã thanh toán 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Lễ, bà Hương bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của bà Thuyết theo yêu cầu của ông Lễ, bà Hương (ông Lễ, bà Hương là bố mẹ đẻ của bà Trịnh Thị Thuyết).
Sau đó, ông Phước liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên thì phát hiện cả hai sổ đỏ trên đều giả.
Vào ngày 24.11.2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Yên Thành thông báo kết luận giám định như sau: hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DD 566197 và DE 031004 là giả.
Ông Phước đã yêu cầu bà Thuyết, ông Đình, ông Lê và bà Hương phải trả lại tiền nhưng những người này không thực hiện.
Cho rằng bị những người nói trên sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Phước đã làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xác minh, làm rõ và khởi tố vụ án.
Văn bản của Công an huyện Yên Thành trả lời đơn kiến nghị khởi tố của công dân. Ảnh: Quang Đại
Tuy nhiên, vào ngày 7.6.2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành có văn bản trả lời, cho rằng đơn tố giác của ông Phước đã được cơ quan này làm rõ trong quá trình điều tra vụ án Trịnh Thị Thuyết phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã kết luận hành vi Trịnh Thị Thuyết vay tiền của ông Phước như đã nêu trên là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 15.5.2024, TAND huyện Yên Thành đã xử phạt Trịnh Thị Thuyết 30 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Cho rằng nội dung nói trên chưa đúng bản chất sự việc, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Phước đã làm đơn khiếu nại.
Về vụ việc nói trên, luật sư Phạm Văn Lượng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng đã có hiện tượng bỏ lọt tội phạm.
“Việc sử dụng sổ đỏ giả đến bán đất, chiếm đoạt tiền của bị hại là hành vi cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã có rất nhiều vụ án tương tự trên phạm vi cả nước. Trong vụ việc này, ngoài Trịnh Thị Thuyết còn có 3 người khác cùng tham gia thực hiện hành vi, nhưng 3 người này chưa bị xem xét trách nhiệm hình sự là không thỏa đáng.
Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của UBND xã Đô Thành trong việc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” – luật sư Phạm Văn Lượng nói và cho biết thêm theo quan điểm của ông, vụ án này “có vấn đề” rất cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét lại để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.