“Em đang cần tìm người có nhu cầu xin con nuôi. Em mới mang thai 2 tuần không muốn phá bỏ”; “Em 19 tuổi, trót mang thai mới được 4 tuần. Giờ không có khả năng nuôi con một mình nhưng cũng không nỡ bỏ đi, nên nếu có ai muốn nhận con nuôi thì em sẽ giữ thai đến lúc đẻ xong rồi cho người đó”… Đây là hai trong nhiều mẩu tin tặng con được đăng trên mạng cách đây không lâu.
Theo đó, hầu hết tác giả lời rao đều là nữ sinh lỡ có con, không đủ điều kiện sinh và cũng không muốn phá bỏ. Thậm chí nhiều nữ sinh còn tâm sự khá dài về hoàn cảnh đưa đẩy, ăn năn hối lỗi vì việc đã làm và sẽ làm.
Những thông tin tặng con thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng với nhiều ý kiến tỏ cảm thông, thương xót cho số phận của bà mẹ trẻ cũng như của đứa bé bất hạnh. Tuy nhiên, cũng có không ít người bày tỏ bức xúc, trách móc người mẹ trẻ đã “lầm lỗi” nay lại gây nên “tội lỗi”.
Thật giả lẫn lộn
Trong vai những người hiếm muộn cần tìm con nuôi, chúng tôi liên lạc với tác giả tin rao qua số điện thoại đi động đăng kèm và chat qua mạng để tìm hiểu thực hư.
Tại một tiệm Internet ở cạnh chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội), nơi chúng tôi thường lui tới cũng có một nữ sinh mang bầu hay lên mạng để nhờ mạnh thường quân “mở lòng giúp đỡ”. Vì ngồi cùng phòng nét nên không khó khăn gì để tôi có được nickname codon_timanh… của bà mẹ này.
Sau lời làm quen, tôi được biết em tên T. (SN 1987, quê Thanh Hóa), vừa chia tay xong người yêu mới biết mình có thai. Về quê bị gia đình trách mắng nên T. quay ra Hà Nội tìm người tình để giải quyết nhưng chàng đã lặn mất tăm.
T. đang lên mạng tìm sự trợ giúp cho hai mẹ con???
T. tâm sự: “Giờ cái thai đã hơn 6 tháng rồi, mấy ngày qua, em chỉ biết vào phòng chat với hy vọng có ai đó thương tình giúp đỡ mẹ con em ít tiền để thuê nhà trọ sống qua ngày cho tới lúc sinh”.
Bị tôi hỏi nhiều, T. đột nhiên cáu bẳn và văng tục. Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi nhận thấy T. không nghèo khổ như lời kể lể. T. vẫn váy đầm, túi hàng hiệu, điện thoại đắt tiền và luôn có những thanh niên sành điệu phóng xe máy đến đón.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với một số điện thoại có trong tin rao trên mạng, sau 3 hồi chuông, đầu dây bên kia là giọng của một cô gái ở miền Trung: “Dạ, Hiền nghe đây”.
Sau màn chào hỏi làm quen và nói rõ lý do đang cần tìm con nuôi cho ông anh họ hiếm muộn ở Nghệ An, cô gái tiếc nuối: “Cảm ơn anh đã quan tâm mẹ con em, nhưng đã có người ở trong này tìm đến trước và em đã đồng ý rồi”.
Chúng tôi lại gọi theo số 090.399.8…, lập tức được chào mời: “Sao, tìm con nuôi à? Có ngay, con trai bụ bẫm. Thích thì gặp và thương lượng giá tiền”. Tôi gặng hỏi, đầu dây bên kia kể lể về cảnh ngộ của một sinh viên năm 3, quê ở Phú Thọ với cái thai “không được chào đón”.
"Cháu nó cần 20 triệu đồng và được hỗ trợ nơi ăn ở, bồi dưỡng cho đến lúc sinh”, người phụ nữ quả quyết. Chúng tôi hẹn thời gian, địa điểm gặp để xem mặt bà bầu cùng số tiền đặt cọc.
Một đoạn chat với T. qua Internet.
Đúng ngày hẹn, chúng tôi tìm đến địa chỉ người phụ nữ đã cho, là một quán cà phê, trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) để gặp, nhưng chờ mãi không ai đến, gọi vào số máy cũ thì tắt máy. Chúng tôi tiếp tục gọi vào nhiều số máy khác, nhưng sau nhiều ngày vất vả vẫn chưa có kết quả gì.
Trong khi đó, vợ chồng chị Hồ Thị L. (Vinh, Nghệ An) vì hiếm muộn nên mong kiếm được con nuôi cho vui cửa vui nhà. Khi biết tin một số bạn trẻ lên mạng đăng tin cho tặng con, vợ chồng chị L. mừng lắm.
Dò theo từng số điện thoại đăng kèm tin rao, nhưng nhiều tuần trôi qua vợ chồng chị vẫn chưa nhận được kết quả nào. Chị L. cho biết hầu hết là các “bà mẹ ảo”, chủ yếu là lên mạng lừa đảo, hoặc tìm cách "quay" tiền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều lời rao cho con là của nữ sinh bị phụ tình, và thậm chí có không ít những phụ nữ đã có gia đình nhưng hạnh phúc không trọn vẹn nên muốn đăng tin để dày vò bạn trai, chồng cũ.