Nông thôn mới... “đói” vốn

Thứ bảy - 03/06/2017 15:17
(Hatinhnews)-Thạch Tân (huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh) đang có những đổi thay nhanh chóng và trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, điều khó khăn nhất mà Thạch Tân đang phải đối mặt vẫn là vốn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Thạch Tân đang ngày càng khởi sắc trong xây dựng NTM

Xã nghèo vươn lên thành xã điểm
Chúng tôi về Thạch Tân vào một ngày đầu tháng Tư ấm áp. Dọc con đường đang được xây dựng là ngổn ngang vật liệu, những người thợ với đôi bàn tay cần mẫn đang khẩn trương thi công cho kịp tiến độ. Phó Chủ tịch MTTQ xã Thạch Tân - ông Hồ Văn Thái cho biết, những năm qua, Thạch Tân đã không ngừng đẩy mạnh các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Ngay từ năm 2005, xã đã chú trọng phát triển các cây, con mũi nhọn, phá thế độc canh cây lúa, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy hết khả năng đầu tư thâm canh, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. "Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn tất được 15/19 tiêu chí!” – ông Thái cho chúng tôi biết thêm.
 
Nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học và sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền nên sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, năng suất, sản lượng cây trồng - vật nuôi tăng đáng kể. Năng suất lúa bình quân đạt 48 tạ/ha, nâng sản lượng lương thực bình quân của xã lên 3.945 tấn, xã đã có hàng chục điển hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng /năm. Người dân Thạch Tân đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy nông nghiệp. Xuất hiện nhiều mô hình cánh đồng 50, 60 triệu đồng/ năm, nhiều trang trại kinh tế làm ăn có hiệu quả, người dân sẵn sàng đầu tư vốn, khoa học kĩ thuật để phát triển nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt trên 14%. CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do UBMTTQ Việt Nam phát động đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả cao, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM của địa phương.
 
Tuy nhiên ông Thái cũng không giấu được băn khoăn: "Nếu chỉ nhìn vào những thành quả này nhiều người sẽ cho rằng, chuyện hoàn thành các tiêu chí còn lại đối với Thạch Tân chỉ là vấn đề thời gian nhưng trên thực tế, chúng tôi đang gặp phải không ít khó khăn.”
 
Cần linh hoạt trong việc áp "barem” tiêu chí
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, cái khó khăn lớn nhất mà Thạch Tân phải đối mặt vẫn là vốn. Nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng NTM là rất lớn, lại tập trung trong một thời gian dài, trong khi sức đóng góp của người dân thì có hạn, nên để đảm bảo cân đối và thực hiện theo tiến độ là hết sức khó khăn. "Địa phương không có các chủ doanh nghiệp lớn, nên việc huy động vốn từ cộng đồng và doanh nghiệp hầu như không có. Thêm vào đó Thạch Tân nằm ở ngoại ô, đất có giá cao nên việc vận động hiến đất, tích tụ ruộng đất để quy hoạch khu công nghiệp, hình thành các khu trang trại cũng gặp rất nhiều trở ngại” ông Thái nhấn mạnh.
 
Một số khó khăn nữa mà địa phương vẫn chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều như: Hiện tại xã vẫn chưa có bãi xử lý rác thải. Do địa bàn dân cư nông nghiệp rộng lớn nên rác thải khó thu gom, ý thức phân loại rác, giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao. Thạch Tân lại không thuộc địa bàn thành phố Hà Tĩnh nên xã gặp khó khăn trong việc cấp nước. Chủ tịch MTTQ xã Thạch Tân Hồ Văn Thái cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần có kiến nghị nhưng Công ty nước sạch Hà Tĩnh cũng chỉ có thể... hứa đến cuối năm 2013, người dân Thạch Tân mới có khả năng được dùng nước máy. "Riêng về vấn đề này, chúng tôi cũng chỉ còn biết chờ sự hỗ trợ của tỉnh. Còn nếu bảo Thạch Tân tự phát huy nội lực, xây dựng nhà máy xử lý nước sạch thì đành "chịu”!” – ông Thái khẳng định.
 
Một trong những bất cập rất lớn mà không riêng gì Thạch Tân đang gặp phải đó là tiêu chí chợ nông thôn. Nếu cứ áp dụng theo "barem” tiêu chí thì dường như công cuộc xây dựng NTM đang có phần máy móc. Ông Hồ Văn Thái cho biết: Trước đây chúng tôi đã từng 2 - 3 lần tổ chức bàn thảo về việc xây chợ nhưng không thành. Do xã có địa thế phụ cận với thành phố, mọi giao thương hầu như đều tập trung ở chợ thành phố, hiện nay xã cũng có hơn 100 tiểu thương đang hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Hà Tĩnh. Vậy khi xây chợ xong, liệu có ai vào họp? Sẽ là một sự lãng phí nếu chúng ta cứ đòi hỏi mỗi xã phải có một chợ riêng! Ở trong hoàn cảnh này, nên chăng quỹ đất và kinh phí dùng để xây chợ nên dành cho hạng mục khác hiệu quả sẽ cao hơn nhiều”.
 
Rõ ràng, để xây dựng thành công đề án xây dựng NTM, tất cả các địa phương cần một kế hoạch dài hơi, không thể nôn nóng vì không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Những vấn đề mà Thạch Tân gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác trong cả nước khi bắt tay vào xây dựng NTM. Vậy, nên chăng cần có sự điều chỉnh linh hoạt đối với các tiêu chí đã đề ra?

Theo Hatinhonline

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây