Biển không nuôi nổi người
Theo những lời kêu cứu của bà con ngư dân, chúng tôi đến với các xã vùng biển dọc theo chiều dài của tỉnh. Từ xã Thạch Trị (Thạch Hà) đến Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Xuân - (Kỳ Anh)… hình ảnh bắt gặp đầu tiên đó là cảnh đìu hiu, buồn bã của các gia đình ngư dân, điều khá lạ lẫm đối với những vụ khai thác trước.
Chủ của các con "thuyền úp" này hiện đang tha phương làm thuê kiếm sống |
Chỉ mới mấy năm trở lại đây thôi, khi đến vụ cá, xóm làng rộn rịp suốt cả ngày đêm; tàu thuyền rầm rập ra khơi, chiều về đầy khoang đủ các loại hải sản: cá, mực, ghẹ, tôm… Trên bãi biển, tấp nập kẻ bán người mua như những khu chợ phiên sầm uất.
Đối nghịch với khung cảnh ngày nào, xóm làng vắng hoe không phải vì lao động bám biển mà là nhiều người đã phải ngoảnh mặt với biển quê hương, tha phương kiếm sống.
Những tấm lưới, những dụng cụ rê mực, rê cua ngày nào là “chiếc cần câu” cho cuộc sống của bà con nay dăng mắc khắp nơi từ bờ dậu, cành cây... Người cẩn thận hơn thì giặt giũ, phong khô rồi xếp vào sân, vào chạn. Dưới bóng những rặng phi lao bốn mùa ngóng ra biển, lô nhô hằng hà những thuyền, những thúng úp vào bãi cát rợp cả tầm mắt.
“Người khôn của khó”, chuyện các loại hải sản ngày một vơi dần trên ngư trường chẳng có gì là lạ cả. Song điều đáng nói ở đây là ngư dân chúng tôi đang từng ngày bị dành mất bát cơm manh áo từ những kẻ xa lạ…”. Trên chiếc thuyền câu bé nhỏ, ngư dân Nguyễn Chí Thiện ở thôn Đại Tiến như trút hết những uất ức kìm nén bấy lâu.
Không chỉ mình anh Thiện bức xúc, mà nói chuyện với chúng tôi, mỗi người dân ven biển đều tỏ rõ sự bất bình khi thời gian gần đây, nhiều tàu cá công suất lớn (được gọi là tàu dạ cào) ở các tỉnh, thành khác đã đêm ngày ngang nhiên xâm phạm vùng bờ - ngư trường chính của bà con dọc hầu hết các địa phương của tỉnh ta.
Chị Nguyễn Thị Hậu ở thôn Đại Tiến - Thạch Trị bên đống lưới xếp gọn ở góc sân |
Theo những người có kinh nghiệm trong nghề khai thác biển ở đây, các tàu lạ có công suất hàng trăm CV, được trang bị các ngư cụ hiện đại, có tính năng hủy diệt cao. Cùng với sử dụng các loại mìn có sức công phá lớn, chính quyền địa phương cũng như ngư dân khẳng định chắc chắn rằng, các tàu lạ còn sử dụng một loại xung điện cực mạnh để đánh bắt.
Bằng chứng là, khoảng từ đầu năm lại đây, sau mỗi lần quần thảo của các tàu cào thì các loại cá, nhiều nhất là cá trích bị chết trôi dạt la liệt vào bờ trong tình trạng lồi mắt, vỡ bụng, thậm chí, loài ốc mỡ sống dưới cát cách bờ hàng chục sải nước cũng bị chết.
Hệ quả là nguồn hải sản ven bờ bỗng chốc cạn kiệt. Bà con ngư dân vốn chỉ quen với con thuyền, tấm lưới và chỉ có khả năng đánh bắt vùng bờ, theo đó cuộc sống cũng muôn phần lao đao khó tìm lối thoát.
Bên đống lưới to khụ, cả gia đình chị Nguyễn Thị Hậu ở thôn Đại Tiến - Thạch Trị đang chụm đầu tẩn mẩn gỡ mấy con cá, con ghẹ chỏng chơ, sản phẩm sau một đêm đánh vật với sóng gió.
Chị Hậu cho biết: “Chưa bao giờ việc đánh bắt khó khăn như vụ cá năm nay. Không biết làm gì hơn mới phải lăn ra biển gỡ gạc chút ít kiếm bát cơm qua ngày. Gia đình có đủ các phương tiện đánh bắt như: rê thu, rê mực, rê ghẹ nhưng phần lớn đã phải xếp cất, chỉ sử dụng mấy tấm lưới đánh cá để giữ nghề thôi”.
Trước đây, những mớ cua ghẹ "thập cẩm" này chỉ là đồ bỏ đi |
Không chỉ càn quét ngư trường, hệ thống lưới của nhiều ngư dân được đầu tư hàng chục triệu đồng thường bị các tàu lạ xé rách hoặc kéo đi mất tăm. Anh Võ Quang Năng, ngư dân thôn Phúc Yên, xã Cẩm Nhượng là một trong những nạn nhân của nạn khai thác liều lĩnh này.
Dàn lưới của anh mới mua sắm chưa làm được bao lâu, trong nháy mắt đã bị tàu cào kéo mất. Mặc dù đã cẩn thận ghi lại được biển số con tàu cào và báo cáo lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay, mọi việc đã chìm vào quên lãng, trong khi số lượng tàu lạ không ngừng tăng cả về số lượng lẫn tính chất vi phạm.
Khó khăn trong phát hiện, xử lý
Đem câu chuyện này đến với Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, chúng tôi được ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng cho hay, những ngày qua, đơn vị cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh từ bà con ngư dân về sự xuất hiện các tàu cá lạ, công suất lớn đến khai thác, vi phạm ngư trường vùng bờ, phá hoại tài sản gây mất ổn định trật tự trong nhân dân các địa phương vùng biển.
Nghề đánh bắt vùng ven bờ hiện nay không còn đảm bảo được cuộc sống của ngư dân |
Theo đó, mặc dù chưa đến định kỳ nhưng Chi cục đã khẩn trương tổ chức Đoàn thanh tra chuyên ngành khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá dọc tuyến biển của tỉnh.
Tuy nhiên, hầu hết việc phát hiện và xử lý các phương tiện vi phạm cũng chỉ dừng lại ở các lỗi thường ngày như: không viết số đăng ký tàu cá, không có sổ nhật ký khai thác, hoặc không ghi nhật ký đầy đủ…
Cũng theo ông Hoàng, việc các tàu lạ có sử dụng mìn và xung điện để đánh bắt hay không, chưa thể kết luận được do không có chứng cứ pháp lý, song những lỗi vi phạm đã được xử lý chưa thể phản ánh được kết quả của các đợt kiểm tra.
Trong khi lực lượng thanh tra mỏng, các điều kiện cho công tác tuần tra trên biển chưa đáp ứng yêu cầu thì việc đối phó khá tinh vi của các chủ tàu như: trang bị hệ thống thông tin từ xa, cất giấu và phi tang bằng phương tiện hiện đại…, đã gây không ít khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra trên biển.
Ông Hoàng cũng cho biết, căn cứ vào Điều 5 về Quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam tại Nghị định 33/2010/NÐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, thì các tàu lớn ngoại tỉnh xâm nhập vào vùng ven bờ của Hà Tĩnh để đánh bắt là đã vi phạm rõ ràng. Tuy nhiên, mỗi khi lực lượng chức năng có mặt thì chúng đã kịp thời đối phó hoặc nhanh chóng cao chạy xa bay khỏi hiện trường.
Chuyển đổi nghề - hướng phát triển bền vững
Một khi các cơ quan chức năng chưa tìm được lời giải cho bài toán quản lý và bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, thì tình trạng khai thác trái phép với tính chất hủy diệt sẽ khó bề kiềm chế và đẩy lùi. Và như vậy, cuộc sống của người dân ven biển sẽ càng phải đối mặt với vô cùng gian khó. Cái đói, cái nghèo đã nhãn tiền và khó tránh khỏi khi những mầm sống trong ngư trường ven bờ bị tuyệt diệt.
Vì vậy, cùng với những giải pháp trước mắt, một giải pháp tối ưu cần phải tính đến, đó là kịp thời thực hiện công tác chuyển đổi nghề cho ngư dân. Bên cạnh đầu tư cho những hộ có khả năng đánh bắt xa bờ, số còn lại phải được đào tạo và giải quyết việc làm để cho người dân ven biển yên tâm “ly ngư bất ly hương”.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn