Hi sinh vì nhiệm vụ, sao không được công nhận?
Do yêu cầu tối mật của Bộ Quốc phòng về tăng cường vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo vệ biên giới trên biển, ngày 19/10/1989, Đại đội 27 thuộc phòng tham mưu Sư đoàn 337, Quân đoàn 14 đã thực hiện chuyến hành quân khẩn trương và bí mật, nhằm bàn giao kịp thời 6 chiếc xe pháo dàn 5M-13H cho Tổng cục kỷ thuật thuộc Bộ Quốc phòng tại cảng Hải Phòng.
Đằng đẳng 23 năm, bà Đậu phải sống trong đau khổ vì người con trai duy nhất hy sinh vì nhiệm vụ, được đơn vị công nhận, nhiều lần đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận |
Trên đường hành quân bí mật vào ban đêm từ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về xuôi, Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, đảm bảo bí mật tuyệt đối theo yêu cầu.
Tuy nhiên, do xe bị hỏng tay lái (như biên bản khám nghiệm xác nhận), nên đã anh dũng hy sinh tại tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Giang) vào lúc 0h25’ ngày 19/10/1989.
Sau khi Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên hy sinh, Sư đoàn 337 đã có giấy báo tử số 556 ngày 10/6/1990 do Trung tá Nguyễn Văn Cơ - Phó Sư đoàn ký, ghi rõ “Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên đã hi sinh trong trường hợp lái xe phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu” và “được xác nhận là liệt sỹ”, mai táng tại Nghĩa trang Nà Phàn, xã Hoàng Đồng - Thị xã Lạng Sơn (nay là TP Lạng Sơn).
Giấy báo tử xác nhận Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên là liệt sỹ cũng được Đại tá Trần Xuân Được, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337 cấp lại ngày 01/8/1998.
Bà đậu đã ở vào tuổi gần đất xa trời, bà chỉ sợ, một ngày trái gió, bà phải “về với tổ tiên”, bà chỉ biết mang theo nỗi đau này khi người con bà vẫn không được công nhận liệt sỹ, |
Ngày 13/12/1991, Thủ trưởng Sư đoàn 337 đã cấp giấy giới thiệu và hồ sơ kèm theo cho mẹ Liệt sỹ Thuyên, gửi Bộ LĐTB&XH, Vụ thương binh liệt sỹ đề nghị “giải quyết chính sách cho Liệt sỹ Nguyễn Trí Thuyên”.
Tuy nhiên, sau 8 năm gửi hồ sơ đi mà chiến sỹ của đơn vị mình vẫn chưa được công nhận Liệt sỹ theo quy định, nên ngày 10/3/1998, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 337 tiếp tục có công văn xác nhận và “đề nghị xét duyệt cho đồng chí Thuyên là liệt sỹ và thân nhân của đồng chí Thuyên được hưởng các chế độ, quyền lợi theo chính sách hiện hành”.
Nỗi đau 23 năm của người mẹ già
Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến bà Nguyễn Thị Đậu gầy nhẳng, khẳng khiu, dáng đi cong queo phải chống gậy vì chứng bệnh vẹo cột sống, đang phải sống đơn chiếc trong căn nhà tình thương ở xóm Nam Hà, xã Thạch Sơn khi tuổi đã gần 80.
Giấy báo tử và giấy xác nhận, đề nghị công nhận liệt sỹ mà Sư đoàn 337 đã nhiều lần gửi các cơ quan từ TƯ đến địa phương nhưng vẫn chưa giải quyết được. |
Càng xót xa hơn, khi tìm về UBND xã Thạch Sơn, chúng tôi được biết cụ già đang ngày cháo, ngày cơm kia chưa được hưởng chế độ chính sách, ngay cả chiếc thẻ bảo hiểm phòng khi trái gió trở trời cũng chưa được nhận.
Mặc dù lãnh đạo xã thừa nhận biết bà Nguyễn Thị Đậu có con hi sinh trong quân ngũ, đang một mình một khẩu trong căn nhà tình thương bốn mùa gió thốc bên cánh đồng vắng. Mà bà có thường xuyên trong căn nhà ấy đâu, chỉ quanh quẩn nơi góc bếp lợp tranh, vách đất. Bởi như bà nói “cứ lên nhà, nhìn thấy ảnh thằng Thuyên là tui không cầm được nước mắt, chỉ mong cho nó được Tổ quốc ghi công, lúc đó tui mới yên lòng”.
Di ảnh Trung sỹ Nguyễn Trí Thuyên, người được đơn vị nhiều lần thừa nhận “hy sinh anh dũng vì nhiệm vụ đặc biệt”. Thế nhưng, đến nay vẫn không phải là liệt sỹ?! |
23 năm bà Đậu mỏn mỏi chờ đợi, cũng là chừng đấy năm bà phải thầm khóc một mình mỗi khi ngày kỷ niệm thương binh liệt sỹ hàng năm đến. Giờ bà chỉ còn một ước mong. Duy nhất đó là mang được tấm xác nhận liệt sỹ về đặt cạnh di ảnh anh Thuyên, trên bàn thờ. Rồi có nhắm mắt bà cũng không còn gì tiếc nuối.
Thắp nén hương trước bàn thờ anh, chúng tôi cũng mong muốn ước mơ nhỏ nhoi của bà Đậu thành hiện thực. Để đến ngày 27/7, bà có thể đi khoe với bà con hàng xóm, sự hy sinh của con bà đã được công nhận...
Một lãnh đạo Phòng Chính sách - Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cho biết, việc xem xét giải quyết cho liệt sỹ Thuyên không thuộc thẩm quyền của Sở. Toàn bộ hồ sơ của anh Thuyên đều liên quan đến quân đội. Trong trường hợp này thì có thể đối chiếu quy định theo thông tư 25 hướng dẫn, xem xét dựa trên hồ sơ gốc của người hy sinh. Sự hy sinh của anh Thuyên đều có xác nhận của sư đoàn nên gia đình cần mang theo hồ sơ, gửi lên các cấp ngành quân sự để giải quyết. Sở LĐTB&XH chỉ giải quyết chế độ cho thân nhân liệt sỹ sau khi nhận được bằng “Tổ quốc ghi công”. |