Nguyễn Hữu Tài, đã đưa những sản phẩm từ phòng thí nghiệm Open Lab của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thành mô hình nhà hàng thông minh với các robot phục vụ. Ảnh: NV.
Những sản phẩm này do chính sinh viên khoa cơ khí trường này phục vụ cho bạn bè mình ngay trong khuôn viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Nhóm sinh viên thực hiện những chiếc máy độc đáo này là Nguyễn Hữu Tài, Trần Hồng Sang và Nguyễn Hoàng Tâm, cùng là sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Hiện tại mô hình bán hàng tự động này đã xuất hiện tại căng tin của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với 2 máy bán phở, 1 máy bán nước và 1 máy bán cà phê. Trong “bộ ba” chiếc máy do sinh viên chế tạo, nổi bật và độc đáo nhất có lẽ là máy bán phở.
Máy có thể bán tối đa 120 tô phở với 3 loại phở gồm phở thịt bò (giá 20.000 đồng), phở đặc biệt (giá 30.000 đồng) và phở bò viên (giá 20.000 đồng). Sau khi chọn xong loại phở, máy sẽ tự động báo là “khách có cần thêm xíu quẩy, hành ngò không?”.
Người dùng có thể chọn có hoặc không và tiếp tục chọn giao dịch thanh toán. Người mua phở sẽ đưa tiền vào khe nhận và đợi khoảng 30 giây để nhận phở. Khi người dùng đưa tiền mệnh giá lớn hơn giá trị tô phở, máy sẽ tự động trả lại tiền thừa.
Phía trước máy bán phở sẽ có màn hình hiển thị thông tin và các nút bấm tùy chọn để thao tác. Các tùy chọn sẽ được máy ghi nhận và giao tiếp bằng giọng nói với người mua phở.
Để có tô phở ngon phải trải qua hai quy trình là phần nóng với một bình nước lèo và bình nước trụng với nhiệt độ khoảng 70 đến 80 độ C. Phần lạnh gồm bánh phở, thịt, hành ngò… được giữ trong một buồng riêng khoảng từ 5 đến 6 độ C nhằm giữ thực phẩm luôn tươi sống.
Khi người dùng yêu cầu mua phở, bánh phở sẽ được chuyển từ khu vực lạnh sang khu vực nóng để trụng và rót nước dùng. Sau đó tô phở sẽ được chuyển sang khay cho khách với muỗng, đũa và tương ớt, chanh.
Các máy bán hàng tự động tại phòng thí nghiệm Open Lab của trường. Ảnh: NV.
Để có hương vị phở ngon, Nguyễn Hữu Tài chia sẻ, đã làm “chuột bạch” khi tự mình đi ăn thử ở nhiều tiệm phở ngon, và hỏi cách làm của những chủ quán làm phở. Nhưng họ khá e dè vì đụng đến bí quyết gia truyền làm phở.
“Tuy nhiên, từ quá trình ăn các loại phở, nhóm cũng đã mạnh dạn làm thử để có được hương vị ưng ý nhất. Sau nhiều lần làm thử rồi điều chỉnh hương vị nhóm cũng đã tạo được hương vị phở ngon”- Tài nói.
Khi được hỏi về lý do làm máy bán phở, Tài tâm sự, phở là món ăn truyền thống của Việt Nam được nhiều người biết tới, trong đó có nhiều khách quốc tế. Vì thế, nhóm muốn món phở được bán phổ biến hơn tại các khu vực công cộng, để phục vụ khách du lịch biết đến một nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam và hương vị món phở được biết đến nhiều hơn.
“Ngoài ra, việc bán bằng máy, giá cả được niêm yết trước và quy trình mua bán hoàn toàn tự động giúp người mua phở yên tâm và không sợ bị chặt chém”- Tài chia sẻ.
Hiện tại, nhóm đang phát triển các tính năng tích hợp công nghệ nhận diện mặt người, giúp máy có thể đoán được sở thích, khẩu vị dựa vào độ tuổi, giới tính và bắt đầu tư vấn, từ đó tạo môi trường giao tiếp thân thiện với khách hàng như một người bán thật sự. Chi phí làm máy từ 50 đến 60 triệu đồng.
Ngoài máy bán phở, nhóm đã nghiên cứu tạo ra sản phẩm robot phục vụ đồ uống. Khi khách vào quán, robot sẽ tự động chào bằng giọng nói và mời chọn món. Trên màn hình robot sẽ hiển thị thực đơn và giá cả. Khi khách chọn đồ uống xong, robot sẽ tự di chuyển đến khu vực bàn khách ngồi để phục vụ.
Tài và các thành viên nhóm đã đưa các robot phục vụ vào cửa hàng ăn uống trong không gian trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: NV.
Trần Hồng Sang, thành viên nhóm chia sẻ, các sản phẩm này đều được nghiên cứu, chế tạo tại phòng thí nghiệm OpenLab thuộc khoa Cơ khí của trường. Nhóm đã đưa ra ý tưởng đưa các sản phẩm này ứng dụng nhằm phục vụ cho sinh viên, tạo ra trải nghiệm mới mẻ cho bạn bè mình.
“Sinh viên đến thưởng thức đồ ăn, thức uống và trải nghiệm sự phục vụ của các robot. Điều đó sẽ tạo cho các bạn hứng thú với những lĩnh vực công nghệ mà mình đang theo đuổi và có thể chia sẻ, hợp tác tạo ra những sản phẩm mới”- Sang kể.
Nguồn tin: Khám phá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn