Chỉ dẫn địa lý giúp nhung hươu Hương Sơn "bay xa"

Thứ sáu - 03/05/2019 05:19
Sau khi nhung hươu Hương Sơn được cấp chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn”, sản phẩm chủ lực trong ngành nông nghiệp này ở Hà Tĩnh sẽ có cơ sở để phát triển thương hiệu.
2019050303
Hươu sao được xác định là sản phẩm chủ lực trong ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh. Ảnh PV

Làm giàu từ nghề nuôi hươu
 
Nếu có dịp về Hà Tĩnh, đi đâu người ta cũng sẽ nghe chuyện nhung hươu ở huyện miền núi Hương Sơn, bởi nhiều năm qua, chăn nuôi hươu được xác định là mũi nhọn kinh tế đã giúp người dân vùng quê này thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ những cặp nhung này.

Chị Trần Thị Hợi, thôn 10, xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, một trong những hộ nuôi hươu cho biết, gia đình chị nuôi hươu từ hàng chục năm nay và việc này đã đem lại thu nhập cao cho gia đình chị. “Năm 2012, thấy hươu tạo thu nhập khá nên gia đình tôi bắt đầu đầu tư nuôi quy mô 50 con và duy trì ổn định số lượng cho đến nay. Trung bình, mỗi năm thu nhập từ bán nhung hươu và hươu giống đạt khoảng 300-400 triệu đồng”.

Theo người dân nuôi hươu, khi con hươu bắt đầu mọc sừng non đâm thẳng gọi là nhung, người chăn nuôi sẽ theo dõi quá trình phát triển của nó, tính xem đủ ngày đủ tháng để cắt lộc. Lộc nhung hươu cắt phải đảm bảo vừa đủ tuổi, không non quá cũng không già quá, vì già sẽ hóa sừng, không còn gọi là lộc và cũng không thể chế biến thành dược liệu nữa.

Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Hữu Vỵ ở thôn Nam Hà, xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn, người nổi tiếng “mát tay” về nuôi hươu phấn khởi nói: “Gần 20 năm qua, trong chuồng nhà tôi lúc nào cũng duy trì 10 – 12 con hươu, lúc cao điểm đến 20 con. Tôi luôn cập nhật các kỹ thuật mới, chăm lo chuồng trại sạch sẽ, cho hươu ăn đúng cách nên nhung năm nào cũng đạt chất lượng cao. Thu nhập từ nhung và hươu giống đạt 100-120 triệu đồng/năm”.

Qua tìm hiểu được biết, nuôi hươu cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại, chạy nhảy. Điều quan trọng là phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho hươu bằng các loại lá rừng mà hươu thường ăn, trong đó phải có một số lá cây mà loài hươu yêu thích như lá sung, lá xoan, lá mít, lá vải… đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng cho nhung hươu dài lớn, càng nặng cân càng nhiều tiền.

Do tính chất dễ nuôi, dễ chăm sóc lại cho thu nhập cao nên hươu hầu như được nuôi ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện Hương Sơn. Trong đó, nuôi tập trung nhiều là ở các xã vùng giữa và vùng thượng như Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Giang… Hiện nay, toàn huyện Hương Sơn có hàng trăm mô hình nuôi quy mô trên 20 con, trong đó, 9 mô hình nuôi từ 50 - 100 con. Số hộ nuôi từ 4 -5 con trở lên có tới hàng chục nghìn hộ.

Thông thường, nhung đầu vụ sẽ bán được giá khoảng 12 triệu đồng/kg; vào chính vụ, giá dao động khoảng 9-10 triệu đồng/kg; cuối vụ, có lúc còn 8 - 8,5 triệu đồng/kg. Một con hươu vào tuổi cho nhung sung sức, nếu giống tốt, chăm sóc tốt, trung bình mỗi năm sẽ cho trên 1 kg nhung, thu 10 triệu đồng. Một số con có thể cho đến 1,5 kg mỗi năm, cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, mỗi nhà nông chỉ cần nuôi 3-4 con hươu, mỗi năm cũng có thu nhập hàng chục triệu đồng đó là chưa kể nhiều con chon hung đến 2 lần/năm.

 
2019050303 1

Nhung hươu Hương Sơn có thành phần dinh dưỡng và xid amin cao hơn hẳn nhung hươu ở các vùng khác. Ảnh PV
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang, xã tốp đầu nuôi hươu của Hương Sơn cho biết, toàn xã hiện có trên 200 hộ nuôi từ 5 con trở lên, trong đó có trên 20 hộ nuôi từ 20 con trở lên với tổng đàn 2.700 con. Có khoảng 100 hộ cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Năm nay, nhân dân xã Sơn Quang thu được 8 tạ nhung và xuất bán 400 con hươu giống, cho thu nhập khoảng 11 tỷ đồng.

“Ngoài chính sách của tỉnh Hà Tĩnh, hàng năm, huyện Hương Sơn đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi mở rộng quy mô chuồng trại, mua con giống. Cụ thể, đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng, từ 100 con hươu trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng. Nhờ chính sách kích cầu, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô, liên kết sản xuất”, ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết thêm.

Cơ sở để phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương
Ngày 28/2/2019, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00072. Chỉ dẫn này được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc kể từ ngày ban hành quyết định (28/2/2019). UBND huyện Hương Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý nói trên.

Theo quyết định này, sản phẩm nhung hươu được cấp giấy chứng nhận gồm: Nhung hươu tươi, nhung hươu đông lạnh (có màu hồng phấn, trọng lượng mỗi cặp từ 400g trở lên) và nhung hươu khô (có màu nâu nhạt hoặc vàng cánh gián, trọng lượng bằng 1/3 so với nhung tươi).

Nhung hươu là một trong bốn vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người. Sản phẩm này chứa nhiều thành phần vi chất, chủ yếu là Keratin hay còn gọi là chất sừng, ngoài ra còn có các loại axid amin quý, cytein, lencin, tyrosin, axid glutamic, arginin, alanin, lysin… và các muối canxi.

Nhung hươu Hương Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên phạm vi 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn. Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Để có được giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu, từ hơn một năm trước, tháng 12/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt "Dự án tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn”.
 
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Hương Sơn cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn. Ảnh PV
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Hương Sơn cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn. Ảnh PV

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, “Trước mắt, huyện Hương Sơn có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và các hộ chăn nuôi tập trung sơ chế, chế biến, quảng bá sản phẩm. Mục tiêu là giới thiệu sản phẩm chất lượng đúng theo nguồn gốc sản phẩm nhung hươu Hương Sơn ra thị trường. Chúng tôi hy vọng, với sự tập trung hỗ trợ của các cấp các ngành sẽ khích lệ người chăn nuôi phát triển, nâng cao chất lượng tổng đàn, mở rộng kinh doanh”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sản có giá trị cao, tuy nhiên do yêu cầu khắt khe của các thị trường nước ngoài, nhiều sản phẩm tuy có chất lượng tốt nhưng vì chưa được bảo hộ thương hiệu nên gặp phải nhiều khó khăn khi thâm nhập sang thị trường các nước, giá thành thấp… Vì thế, nông dân thường xuyên gặp phải cảnh được mùa rớt giá, đây là một sự lãng phí rất lớn.

Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ. Vì thế việc cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn (Hà Tĩnh) sẽ là giải pháp giúp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản địa phương, để sản phẩm nhung hươu ngày càng phát triển, nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó sẽ giúp cho sản phẩm chủ lực này trong ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh có thể “bay xa” ra các thị trường ngoài nước.

 
Trần Phong
Theo Congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây