Cậu học sinh khiếm thị đam mê đọc sách

Thứ ba - 15/04/2025 10:29
Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng Lê Bảo Long (Hà Tĩnh) chưa bao giờ ngừng cố gắng trong học tập và cuộc sống...
d2025041506 1
Niềm đam mê đọc sách đã giúp Bảo Long vui vẻ, hướng tới những điều tích cực. Ảnh: Phương Hồ
 
Nam sinh lớp 7B, Trường THCS Lê Văn Thiêm (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, chính niềm đam mê đọc sách đã giúp bản thân trở nên vui vẻ và hướng tới những điều tích cực.

Nỗ lực không ngừng

Nhà có 3 anh em nhưng Long không may mắc khiếm thị bẩm sinh giống như bố và ông nội. “Từ khi sinh ra em đã không nhìn được rõ mọi sự vật xung quanh. Đôi mắt luôn bị bao trùm thứ ánh sáng lờ mờ, không rõ hình dạng. Bố mẹ em đã đưa em đi thăm khám nhiều cơ sở y tế. Các bác sĩ đều chẩn đoán đôi mắt của em không thể chữa trị để đưa lại ánh sáng như bạn bè”, Long cho biết.

Long chỉ nhìn rõ sự vật lớn khi lại gần mắt từ 1 - 2m. Những việc lớn nhỏ, kể cả sinh hoạt cá nhân em đều phải nhờ cậy sự giúp đỡ của mẹ và mọi người xung quanh. Cả tuổi thơ gắn với bệnh viện để chữa mắt, đến tuổi đi học cũng là hành trình đầy gian nan của Lê Bảo Long. Đôi mắt không còn nhìn rõ khiến em không thể tự đạp xe đạp đến trường. Vậy nên, dù trời nắng hay mưa, mẹ Long đều đặn chở em đến trường rồi tất tả đi làm đồng hoặc nhặt ve chai.

Không chỉ vậy, khi tới lớp rồi Long chỉ có thể nghe cô giảng bài. Mỗi lần đọc, em phải đưa sách cách mặt từ 7 - 10cm mới rõ chữ; còn khi viết, em phải cúi thật sát vào trang giấy. Học đã khó, nhưng để theo kịp các bạn trong lớp càng khó hơn. Những buổi học đầu, nước mắt em rơi trên trang giấy vì không viết kịp các bạn.

Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình và thầy cô, Long không nản chí và cho biết, các bạn cố gắng 1 thì em nỗ lực gấp 10. Để theo kịp các bạn, trong mỗi buổi học, Long luôn tập trung chú ý nghe thầy cô giảng bài để nhớ nội dung ngay trên lớp. Ở nhà, hàng đêm, mẹ cùng em thức trắng lần mò từng con chữ để đọc bài, tìm hiểu các bài học trước.

Trên lớp, cô giáo chủ nhiệm đã phân công một bạn ngồi cạnh để luôn hỗ trợ Long trong học tập. Với các thông tin trên bảng, em nhờ bạn đọc lại rồi ghi vào vở. Nguyễn Văn Linh, bạn cùng bàn với Long, chia sẻ: “Mỗi khi cô giáo ghi nội dung bài học trên bảng, em sẽ đọc lại để chúng em cùng chép vào vở. Long không chỉ viết nhanh, mà còn trình bày rất rõ ràng và gọn gàng. Nhiều khi bạn ấy còn viết nhanh hơn cả em”.

Cô Cao Thị Thanh Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 7B cho hay: Biết Long là học sinh khiếm thị nên giáo viên và các bạn trong lớp luôn cố gắng hỗ trợ để em có thể tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất. Bản thân Long rất có ý thức trong học tập và luôn nỗ lực vươn lên. Học kỳ vừa qua điểm bình quân các môn của Long đều từ 7 - 8,5 điểm.
 
d2025041506 2
Ảnh: Phương Hồ

Động lực từ sách

Mặc dù, đôi mắt không còn nhìn rõ, Long vẫn luôn nỗ lực đi tìm những nguồn sáng của riêng mình. Long chia sẻ, khi học lớp 3, nhân dịp Tết Nguyên đán, em được chú Nguyễn Cảnh Dương - Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ tặng một cuốn sách mang tên “Nhắm mắt nhìn sao”. Đây là cuốn tự truyện của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương, do nhà báo Thanh Nhã chấp bút.

Sau khi nghe giới thiệu, Long đã đọc và thấy quý trọng nhân vật chính xưng “Tôi” trong tác phẩm. Em tìm thấy sự đồng cảm về hoàn cảnh trong cuốn tự truyện này. Theo sự động viên của thầy Cảnh Dương và nhà trường, em đã làm clip giới thiệu cảm nhận về cuốn sách gửi đến cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022.

Chính câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời nhạc sĩ Hà Chương đã giúp Lê Bảo Long đoạt 2 giải thưởng về văn hóa đọc do Bộ VH-TT&DL tổ chức, gồm: Giải Khuyến khích cấp quốc gia Đại sứ Văn hóa đọc và giải Chuyên đề xuất sắc cấp quốc gia Đại sứ Văn hóa đọc duy nhất dành cho người khiếm thị.

Năm học 2021 - 2022, khi đang là học sinh lớp 4, Long được chương trình học bổng thuộc Dự án Zhishan Foundation Taiwan (Đài Loan – Trung Quốc) tặng học bổng “Trao yêu thương - Ươm mầm hy vọng” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập tốt với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hằng năm, chương trình còn tặng sách và đồ dùng học tập.

“Đối với những bạn bình thường sẽ ngắm nhìn thế giới qua đôi mắt khỏe mạnh. Còn thế giới xung quanh em được ngắm nhìn bằng trí tưởng tượng thông qua những trang sách. Càng đọc sách em càng tìm thấy vô vàn điều thú vị, hấp dẫn và em rất muốn lan tỏa những điều này đến các bạn”, Bảo Long chia sẻ.

Để tạo thói quen, hằng ngày Long thường dành ra 30 phút đọc sách. Lúc đầu, em đọc truyện tranh rồi chuyển sang cổ tích, những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Dần dần đọc sách trở thành niềm vui của em. Đến nay, Long đã đọc hàng trăm cuốn sách ở nhiều thể loại. Điều này giúp em tích lũy được kiến thức khá phong phú và cách tư duy mạch lạc; khám phá những điều thú vị về thế giới xung quanh, hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Gia đình không có điều kiện mua nhiều sách, nên Long thường tranh thủ giờ sinh hoạt chung, tiết đọc sách để tham gia cùng các bạn. Thư viện nhà trường là một trong những địa điểm thường xuyên Long lui tới trong các giờ ra chơi. Ở đây em cũng có thể thoải mái đọc tất cả những cuốn sách mà mình yêu thích, đọc chưa xong lại được mượn về nhà. Ngoài giờ học ở trường, em thường mượn thêm sách thư viện, bạn bè để tranh thủ thời gian đọc thêm tại nhà.

Với Bảo Long, sách không chỉ là kho tàng kiến thức, mà còn là người bạn giúp em giải trí, vơi bớt căng thẳng sau những giờ học trên lớp. Để lan tỏa những câu chuyện ý nghĩa, kiến thức thú vị, mỗi khi đọc xong một cuốn sách nào đó, em đều chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc hỏi thêm thầy, cô giáo về nội dung cuốn sách, giúp em và các bạn ghi nhớ, học hỏi được nhiều điều hay.

Chia sẻ về ước mơ của bản thân, Long cho biết, em đang cố gắng học tập tốt để trở thành giáo viên để truyền đạt kiến thức đến các bạn nhỏ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh kém may mắn như em. Em sẽ cố gắng học tập và chăm chỉ đọc nhiều quyển sách hay, có ý nghĩa hơn nữa.

Mặc dù là học sinh khiếm thị nhưng Lê Bảo Long là học sinh nhiều nghị lực, luôn vươn lên trong học tập. Đặc biệt, với niềm đam mê sách của mình em đã truyền cảm hứng đến rất nhiều bạn học sinh khác. Những năm gần đây, bên cạnh công tác dạy và học, nhà trường luôn chú trọng đến công tác phát triển văn hóa đọc bằng nhiều hình thức.

Ngoài ra, ngay trong các buổi chào cờ đầu tuần, học sinh còn được đăng ký chia sẻ những cuốn sách hay dưới cờ. Tất cả các hoạt động phát triển văn hóa đọc ấy được nhà trường thực hiện thường xuyên, lâu dần đã tạo nên một thói quen, tình yêu sách cho em qua từng buổi học. - Ông Nguyễn Tiến Trung (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Thiêm)

Theo Hồ Phương GD&TĐ

Link gốc: Cậu học sinh khiếm thị đam mê đọc sách | Báo Giáo dục và Thời đại Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây