Tổ công tác làm việc với Hội đồng thi Sở GD&ÐT Hà Giang. Ảnh : GD&ÐT.

Tổ công tác làm việc với Hội đồng thi Sở GD&ÐT Hà Giang. Ảnh : GD&ÐT.


Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Thanh Hóa cho biết : Hiện Sở đang thực hiện quá trình rà soát. Tuy nhiên, có thể khẳng định tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rất nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia theo đúng quy chế của Bộ GD&ÐT. Như đã thông tin với các cơ quan truyền thông, báo chí trước đó, phương châm của Thanh Hóa trong triển khai kỳ thi này là “Nghiêm từ trong, phòng từ xa, ngăn chặn ngay từ đầu”.

Theo ông Thi, tất cả những người tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi từ Ban chỉ đạo thi, trưởng, phó điểm thi, thư ký, giám thị, thanh tra và lực lượng an ninh, bảo vệ thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế thi.

Trao đổi, với PV Tiền Phong chiều qua 22/7, ông Trần Văn Thiện, Sở GD&ÐT  Hưng Yên cho biết, ngày 20/7 Bộ mới có công văn gửi các tỉnh, thành, sau đó là vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, ngày 23/7 Sở mới chính thức tiến hành rà soát lại theo yêu cầu của Bộ. “Nhưng có thể yên tâm, Hưng Yên làm nghiêm túc ngay từ đầu nên sẽ khó có sự khác biệt” - ông Thiện nói.

Còn tại Phú Thọ, lãnh đạo Sở GD&ÐT cho biết trước khi Bộ yêu cầu rà soát, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tiến hành rà soát lại toàn bộ công tác coi thi, chấm thi. Qua kết quả rà soát đến thời điểm này đều đảm bảo đúng qui chế thi của Bộ, ở tất cả các khâu đều có sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ (uỷ quyền), lực lượng công an PA83, thanh tra Sở, không để cho bất kỳ cá nhân nào làm việc độc lập. Chủ tịch hội đồng trực tiếp quản lý dữ liệu gốc. Ðồng thời, tiến hành rà soát kỹ tất cả các thí sinh đạt điểm giỏi ở tất cả các môn, và đã báo cáo tỉnh uỷ - UBND tỉnh. Hiện nay Ban chỉ đạo thi của tỉnh tiếp tục rà soát theo chỉ đạo của Bộ.

Trong khi đó, đại diện tổ chấm thẩm định của Bộ tại Lâm Ðồng cho biết, đã chấm xong thẩm định tại Lâm Ðồng trong  cả ngày và tối 21/7. Tổ chỉ chấm thẩm định các môn trắc nghiệm, riêng môn Văn chỉ rà soát  các khâu, không chấm thẩm định. “Kết quả chấm thẩm định cho thấy tỉnh Lâm Ðồng thực hiện nghiêm túc, không có sự sai lệch về điểm số giữa các bài thi. Các khâu tổ chức thi cũng thế” - vị đại diện này khẳng định.

Tổ công tác chấm thẩm định tại Bến Tre cũng đã hoàn thành công việc của mình. Kết quả ban đầu chấm thẩm định cho thấy không có gì thay đổi, không chênh lệch.

Kỳ thi không còn đảm bảo tính nghiêm túc

GS TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư chia sẻ, sự việc cán bộ trong ngành giáo dục can thiệp điểm thi ở Hà Giang, Sơn La khiến ông và những người làm giáo dục  rất buồn. Kỳ thi THPT quốc gia về bản chất vẫn là cuộc đua của các thí sinh để giành suất vào ÐH. Những thí sinh bằng cách nào đó để được nâng khống điểm đã đánh cắp cơ hội của những thí sinh học thực sự. Với những sai phạm liên quan đến việc can thiệp điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, ông Dong cho rằng: “Kỳ thi đã không còn tính nghiêm túc, khách quan, nhẹ nhàng như công bố trước đó”.

Cũng theo ông Dong, cách đây mấy ngày, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Sơn La có trả lời báo chí, khẳng định trước khi đoàn công tác của Bộ về rà soát thì địa phương đã tự rà soát trước và kết quả nghiêm túc, không vi phạm. “Tôi cho rằng, đây là phát ngôn chủ quan”, ông Dong khẳng định. Cũng theo ông Dong, với vai trò người đứng đầu ngành giáo dục địa phương, anh phải nắm được là có vấn đề và  nghiêm túc với việc rà soát  cũng như dám chịu trách nhiệm.

Bộ GD&ÐT cho biết, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ trong việc đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia, ngày 21/7, ba Tổ chấm thẩm định đã triển khai chấm thẩm định tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình, Lâm Ðồng và Bến Tre. Quy trình chấm thẩm định giống như chấm lần đầu. Chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Cụ thể: Trong một kì thi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định.Thực tế, gần như năm nào Bộ GD&ÐT cũng tổ chức chấm thẩm định, có thể lựa chọn một số tỉnh để chấm thẩm định. Tất nhiên là trên cơ sở phân tích dữ liệu thi và dựa theo những tiêu chí nhất định.