Nhận định vùng ảnh hưởng của áp thấp gần Biển Đông
Ngày 7/10, áp thấp gần Biển Đông được dự báo di chuyển theo hướng tây, ảnh hưởng đến nhiều khu vực.
Theo Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines, vào hồi 3h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp 10a (gần Biển Đông) ở vào khoảng 12,3 độ vĩ bắc, 118,7 độ kinh đông, bên trong khu vực dự báo của Philippines (PAR), cách Coron, Palawan 145km về phía tây.
Áp thấp di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10km và không có khả năng mạnh lên trong 24 giờ tới.
Tuy nhiên, áp thấp nằm dọc theo dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) nên ảnh hưởng đến Nam Luzon, Visayas và Mindanao.
Áp thấp gần Biển Đông ngày 7/10/2024. Ảnh: PAGASA.
Dự báo thời tiết trong 24 giờ tới, Palawan bao gồm Quần đảo Kalayaan và Occidental Mindoro trời nhiều mây với mưa rải rác và giông bão do áp thấp và dải hội tụ nhiệt đới.
Toàn bộ Visayas trời nhiều mây, có mưa rào và giông bão riêng lẻ do dải hội tụ nhiệt đới.
Toàn bộ Visayas, Occidental Mindoro và Palawan, bao gồm Quần đảo Kalayaan có gió nhẹ đến vừa từ tây nam đến đông nam với biển động nhẹ đến vừa.
Chú ý ở các khu vực khác như: Bicol, MIMAROPA, Quezon, Rizal, Laguna, Batangas, Ilocos, Cordillera, Cagayan Valley và Trung Luzon đề phòng lũ quét hoặc sạt lở đất do mưa lớn.
Lao Động dẫn nguồn tin bão mới nhất của PAGASA, áp thấp bên ngoài PAR đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Vào hồi 2h ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ vĩ bắc, 145,7 độ kinh đông, cách Cực Bắc Luzon 2.540km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới 55 km/h, giật 70 km/h. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng bắc, mỗi giờ đi được 25km và dự báo không đi vào PAR.
PAGASA đang theo dõi áp thấp bên trong PAR và áp thấp nhiệt đới (D) bên ngoài PAR. Ảnh: PAGASA.
Trong khi đó, theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Việt Nam, ngày 7/10, ở vùng biển phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rào và giông.
Ngày và đêm 7/10, ở vùng biển phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và giông rải rác.
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Bên cạnh đó, theo dự báo bão tháng 10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Theo số liệu trung bình nhiều năm, trong tháng 10, trên Biển Đông có 2 cơn bão, đổ bộ vào Việt Nam 0,8 cơn.
Miền Bắc khi nào đón đợt không khí lạnh mới?
Trong khi đó, ở đất liền không khí lạnh tăng cường đổ bộ, do đó, trong tuần này, thời tiết miền Bắc ban ngày trời quang mây; ban đêm lạnh, ngày nắng hanh, độ ẩm phổ biến 35-41%.
Theo dự báo thời tiết, khối không khí lạnh khô tăng cường tràn xuống nên thời tiết miền Bắc tiếp tục kiểu trời nắng hanh, đêm lạnh, độ ẩm không khí thấp (40%).
Chia sẻ xoay quanh vấn đề không khí lạnh, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, tháng 10/2024, nhiệt độ trung bình trên cả nước vẫn phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm.
Tháng 11 - 12/2024, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ; riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ - Trung Trung Bộ có khả năng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Chúng tôi dự báo không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 11 - 12/2024, trong đó hiện tượng rét đậm ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm)", ông Lâm cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia khí tượng này, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 1 - tháng 2/2025 gây ra rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Cần đề phòng khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: sương muối, băng giá, mưa tuyết ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ.
Dự báo thời tiết 10 ngày tới cả 3 miền
Dự báo nhiệt độ Hà Nội cả tuần tới khoảng 24-34 độ C. Do ở trên cao so với mực nước biển 1.500m, Sa Pa (Lào Cai) ban ngày 21-22 độ, ban đêm 12-15 độ C. Các nơi khác thuộc khu vực Bắc Bộ nhiệt độ ban ngày dao động từ 29-32 độ.
Đáng chú ý, dưới tác động của không khí lạnh tăng cường cộng thêm ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông nên thời tiết miền Trung sẽ có mưa rào, dông. Trọng tâm mưa ở khu vực Trung Trung Bộ. Nhiệt độ phổ biến 29-32 độ C.
Trong đó, hai ngày 7-8/10, khu vực từ nam Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế mưa 20- 40 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Các đợt mưa với cường suất lớn trên 100 mm trong 6 giờ có thể gây sạt lở đất, lũ quét.
Khu vực Đà Nẵng - Bình Thuận mưa về chiều tối, cục bộ có điểm mưa to trên 70 mm. Thanh Hóa, và phần phía Bắc của tỉnh Nghệ An có mưa vài nơi.
Tuần tới khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa rào, giông nhiều ngày. Mưa tập trung về chiều tối, ban ngày các khu vực này có nắng. Nhiệt độ cao nhất ở Nam Bộ: 32-34 độ, Tây Nguyên: 28-31 độ C.
Nhận định thời tiết từ đêm 8/10 đến ngày 16/10:
Theo cơ quan khí tượng cho biết, Bắc Bộ và Thanh Hóa đêm không mưa, sáng sớm có nơi sương mù, từ 11/10, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi trời rét. Từ khoảng 9/10, khu vực này mưa vài nơi.
Nghệ An đến Quảng Ngãi mưa rào và dông rải rác. Trong đó, đêm 8/10, Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi mưa vừa và rải rác dông, cục bộ có nơi mưa to.
Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối mưa rào và dông rải rác.
Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có thể gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Các tổ chức khí tượng thế giới dự báo từ tháng 10 - 12, hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất từ 60 - 70%, khiến cho nhiệt độ trái đất bớt nóng hơn. Tại VN, mưa bão có thể tiếp tục tăng và kéo dài trong những tháng cuối năm.
Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bao-vua-tan-lai-xuat-hien-ap-thap-gan-bien-dong-manh-len-chong-mat-204241007111733316.htm