Milena được chọn làm quản lý phát triển đối tác toàn cầu của AIESEC quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cô là bạn trẻ Việt Nam đầu tiên được gia nhập vào ban quản lý cấp cao của AIESEC quốc tế, và vẫn là người Việt Nam duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Nguyễn Thùy Dương (hay Milena) là bạn trẻ Việt đầu tiên gia nhập Ban quản lý cấp cao AIESEC quốc tế.
Hành trình tìm về với bản thân…
Những ngày đầu đại học, Milena không thực sự biết mình thích, muốn gì, có ước mơ hay thế mạnh nào. Nhưng vì luôn cảm giác “thiếu thiếu gì đó”, cô tham gia nhiều hoạt động: Nữ sinh thanh lịch, hùng biện tiếng Anh… và đăng ký tổ chức AIESEC.
6 năm làm việc trong AIESEC cũng là hành trình Milena tìm về với bản thân. Từ đó, cô đã thực sự nhận thức rõ những giá trị cần thiết của cuộc đời mình: điểm mạnh, điểm yếu, đam mê, sứ mệnh của bản thân.
“Và thực sự kết nối với sứ mệnh ấy, dám làm mỗi ngày để đến gần hơn với ước mơ của mình. Trong quá trình ấy, mình phải trải qua 2 mảng lớn: trải nghiệm bên ngoài và bên trong”, Milena nói.
Với Milena, trải nghiệm bên ngoài là các hoạt động trong tổ chức khi giữ nhiều cương vị quan trọng: chủ tịch AIESEC Hà Nội, phó Chủ tịch AIESEC Việt Nam, Ban quản lý cấp cao của AIESEC toàn cầu, rất nhiều chuyến đi (hơn 20 nước), gặp gỡ thêm nhiều cộng sự, đối tác lớn…
Milena chia sẻ: “Trải nghiệm rất quan trọng vì nó thách thức góc nhìn của mình đối với cuộc sống. Mỗi nơi đều có một đặc trưng khác nhau, và những gì nhìn thấy, trải qua như đập vỡ những định kiến, lối mòn suy nghĩ cũ, lăng kính cũ. Mình phải mở to đôi mắt, mở rộng tâm hồn để có thể quan sát, học hỏi, từ đó hiểu biết, khiêm tốn hơn”.
Chuyến đi minh chứng điều này rõ nhất là hội nghị ở châu Phi năm 2011. Khi đi trên đường, Milena gặp người mẹ rất gầy đang cho em bé trần truồng bú ở vệ đường. Đằng sau là cánh đồng khô cằn, nhưng ngay bên cạnh bà ấy là một dinh thự sang trọng, to lớn.
“Khi người phụ nữ ấy nhìn lại, mình phải vội ngoảnh sang chỗ khác. Chưa bao giờ, sự khác biệt về môi trường, đẳng cấp sống khiến mình cảm thấy hổ thẹn, tội lỗi như thế.
Nạn đói ở Kenya đã làm hàng nghìn trẻ em chết đói. Điều này như đập vào trái tim mình một điều sâu sắc: Hóa ra cuộc sống ngoài kia còn rất nhiều những nỗi khổ, cảnh đời khác.
Mình được thức tỉnh thực tại thế giới và cuộc sống, mặc dù nó đau đớn. Từ khoảnh khắc ấy mình bắt đầu quan tâm, nhận thức rõ bản thân là một phần của thế giới, lựa chọn những điều hơn cả cho chính mình, muốn cho đi hơn là đòi hỏi nhận lại”.
Nhưng với Milena, trải nghiệm bên ngoài sẽ không toàn diện nếu thiếu trải nghiệm bên trong. “Đó là luôn luôn quan sát và lắng nghe nội tâm, tìm ra những bài học lớn sau những trải nghiệm lớn ấy, rồi dần lắng nghe, lần mò, tìm cái quan trọng với trái tim mình, nhận biết ước mơ, đam mê và dám đưa ra quyết định theo đuổi, kiên trì đến cùng”. Do hai lần thất bại khi tranh cử vị trí Chủ tịch AIESEC Việt Nam nên mặc dù được nhận vào ban quản lý cấp cao ở Hà Lan, Milena vẫn tự ti.
“Lúc ấy, niềm tin của mình đã bị vỡ vụn một cách nặng nề, nên mất tự tin ngay lúc đầu, đặc biệt là làm việc cùng 22 cộng sự đều rất giỏi, đến từ 18 nước phát triển trên thế giới. Mình không dám thể hiện ý kiến cá nhân, luôn kìm hãm bản thân bằng các suy nghĩ tiêu cực”.
Trong một năm ấy, ngoài làm việc, Milena còn tự học hỏi và rèn luyện để thực sự tìm được bản ngã, thông qua những cuốn sách phát triển cá nhân. Đọc sách giúp Milena vỡ ra rất nhiều và áp dụng luôn vào cuộc sống khi đó.
Milena cho rằng, mỗi người phải cho mình quyền được là bản thân – được tự do, mưu cầu hạnh phúc, nói gì cho là đúng, làm những gì mình muốn…, quyền được yêu thương, khám phá học hỏi và sáng tạo.
Điều này đều được Milena chuyển hóa thành hành động cụ thể: tập yoga nuôi dưỡng cơ thể; đọc sách, khám phá tìm tòi nuôi dưỡng trí não; sáng tạo, theo đuổi những cái cho mình vui vẻ, hạnh phúc và yêu thương người khác để nuôi dưỡng tâm hồn. Và Milena cũng cống hiến, chia sẻ hết lòng những giá trị mà bản thân đã có được, qua các buổi trò chia sẻ cuối tuần, lớp học giảng dạy...
Không bao giờ bỏ cuộc
Với Milena chưa bao giờ có khái niệm “bỏ cuộc”, kể cả khi gặp khó khăn. Thất bại trong cuộc bầu cử Chủ tịch AIESEC Việt Nam, mọi người đều nghĩ hoặc khuyên Milena ra khỏi tổ chức, nhưng cô vẫn không dừng lại. Và kết quả xứng đáng là cô được nhận vào Ban quản lý cấp cao quốc tế.
Hay trong một lần công tác ở Úc, ở thời khắc đỉnh điểm của căng thẳng vì đã trải qua rất nhiều cuộc gặp trong ngày, Milena gọi cho tập đoàn lớn để thương thảo hợp đồng, thì bị yêu cầu phải làm lại toàn bộ.
Với 3 tháng và bao nhiêu chuyến công tác giờ đây gần như “đổ sông, đổ bể”, trong lúc đuối sức, cô chui vào chăn khóc. Sáng hôm sau ngủ dậy, việc đầu tiên Milena làm là trải thảm ra tập yoga.
Milena cho biết: “Tập xong, gác lại việc ấy, mình tiếp tục những cuộc hẹn khác. Sau đó, mình quay về Hà Lan làm lại hồ sơ thì có sự cải tiến, sáng tạo nên kết quả rất tốt đẹp. Nhiều khi mình không biết phải tiếp tục như thế nào nhưng vẫn phải bước đi.
Mình không bao giờ bỏ cuộc, đã làm thì làm đến cùng. Năm ấy, mình biết rõ bản thân không thích làm kinh doan nữa nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ từ chức. Mình tin chặng đường quan trọng và muốn đi hết. Đồng thời, mình nghĩ bản thân không bao giờ biết ở cuối chặng đường có gì. Nhiều khi phải đi hết, mình mới nhìn thấy những điều bản thân mong muốn nhìn thấy”.
Có nhiều lời mời làm việc ở những môi trường lớn nhưng Milena đã từ chối, về Việt Nam làm nghệ sĩ, giáo viên. Mới gần đây, cô đã tạo nên studio với mục đích nuôi dưỡng Tâm – thân – trí của cộng đồng. Tại đây cô dạy và chia sẻ về yoga, sáng tạo và nghệ thuật làm người. Mặc những lời can gián hay phán xét của mọi người, Milena quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
Theo Hoài Thư Dân trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn