“Xin cô đừng tát vào mặt con!”

Thứ tư - 02/05/2018 01:03
"Nếu con em hư, cô có thể đánh vào tay, vào mông con cũng được nhưng đừng tát vào mặt con như thế, trẻ con nó nhạy cảm lắm rồi nó sẽ sợ cô, sợ đến trường".

Cô em đồng nghiệp gặp tôi nhờ tôi tư vấn xem em có nên gặp và nói chuyện trực tiếp với cô giáo chủ nhiệm con hay không. Con gái em đang học lớp 1, mới đi học nên cháu còn ham chơi, chắc hẳn là trong giờ học con còn nghịch ngợm chưa tập trung nghe cô giảng nên cô đã ném phấn, bút vào mặt con, thậm chí còn tát con. Em rất bức xúc vì đây là lần thứ hai rồi, em hỏi tôi có nên gặp để nói chuyện cho “ra ngô ra khoai” không.

Tôi hỏi thông tin về cô giáo, em đồng nghiệp kể: Cô trẻ chị ạ, mới ra trường thôi, chắc là kinh nghiệm chưa có. Em muốn nói chuyện tế nhị với cô để cô đừng làm thế với bọn trẻ con, cháu sẽ sợ đến lớp nhưng nói thế nào để cô không trù dập con mình hả chị?

Người mẹ trẻ này cứ day dứt vì không biết làm thế nào cho vẹn cả đôi đường, vừa nói được suy nghĩ của mình cho cô giáo biết vừa không muốn cô "khoanh vùng" gây khó dễ cho cô con gái bé bỏng.

Giáo dục từ trước tới nay luôn là vấn đề nhạy cảm, khen thì dễ chê vô cùng khó. Phụ huynh chả ai dại gì động vào thầy cô của con mình vì đơn giản họ sợ con bị thầy cô trù dập, không ai thích chuyển lớp, chuyển trường cho con vì rắc rối, mất thời gian, ảnh hưởng tâm lí của con. Thà bấm bụng nhịn một tí còn hơn cãi lý với thầy cô. Nhất là thời buổi này, con học bán trú ở trường cả tuần, thời gian con ở với cô còn nhiều hơn ở với bố mẹ.

Em đồng nghiệp của tôi rất yêu con, hiếm khi nặng lời hay dùng đòn roi phạt con. Em cứ nhắc đi nhắc lại "Nếu con em hư, cô có thể đánh vào tay, vào mông con cũng được nhưng đừng tát vào mặt con như thế, trẻ con nó nhạy cảm lắm rồi nó sẽ sợ cô, sợ đến trường".

Tôi suy nghĩ cả buổi tối rồi nhắn lại cho em, khuyên em nên bình tĩnh. Trước hết về nhà dạy dỗ con mình để cháu đi học ngoan ngoãn hơn đồng thời gọi điện hỏi han tình hình học tập của con với cô giáo, tất nhiên là hỏi chuyện bình thường chứ không lên án gay gắt gì. Hy vọng là với động thái tích cực từ phía phụ huynh, cô giáo sẽ sửa sai, bình tĩnh hơn trong việc đứng lớp dạy trẻ, nhất là trẻ học lớp 1.

Nhưng nếu con em vẫn bị cô tát nữa thì sao hả chị? Trẻ con ở nhà mẹ vẫn dặn dò suốt ngày nhưng cứ một lúc lại quên ngay. Tất nhiên tôi sẽ khuyên em gặp trực tiếp, trao đổi rõ ràng với cô giáo để cô biết rằng hành động của cô thật khó lòng chấp nhận, nếu cô không thay đổi sẽ báo lên hội đồng nhà trường để lãnh đạo trường xem xét và giải trình với phụ huynh. Chắc chắn là như thế, nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn riêng, không thể vin vào chuyện trẻ hiếu động để bao biện cho việc "học sinh hư thì phải tát vào mặt".

Theo Thanh Mai Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây