Không có vốn lớn để mở xưởng sản xuất nhưng gia đình ông Tiến (Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn có thu nhập gần 1 triệu đồng mỗi ngày từ nghề làm lồng sắt.
Ông Tiến cho biết, người dân ở Châu Khê đã gắn bó với nghề làm sắt, thép từ mấy chục năm nay.
Cũng nhờ đó mà các gia đình trong xã ai cũng nhà cao cửa rộng, không ít người còn tậu được cả xe ô tô.
Theo ông Tiến, không chỉ những gia đình mở xưởng, mở xí nghiệp, công ty mới có nhà cao, cửa rộng mà những hộ gia đình đan lồng sắt nhỏ lẻ ở đây cũng có thể xây nhà lầu, mua xe hơi.
Làm nghề đan lồng, đan sọt không cần đầu tư vốn lớn, hơn nữa quanh năm không hết việc.
Mỗi hộ gia đình 3 người như nhà ông, làm khoảng 7 tiếng cũng thu nhập từ 600.000 đến 700.000 đồng đã trừ tiền chi phí nguyên liệu.
Nếu làm chăm chỉ, số tiền mà những lao động này kiếm được có thể lên đến 1-2 triệu đồng/ngày. Thậm chí, theo lời ông Tiến, không ít người học đại học xong ra trường lại quay về làng làm nghề này.
Lồng sắt sản xuất ra tại đây chủ yếu được tiêu thụ ra Hà Nội. Ông Tiến cho hay, các gia đình nhận được nhiều đơn hàng làm lồng gà, lợn, chó,... hoặc sọt đựng rau, quả.
Giá bán buôn mỗi chiếc lồng dao động khoảng 130.000 - 200.000 đồng. Các sản phẩm cứ làm ra đến đâu là ông Tiến bán hết ngay đến đấy.
Mỗi ngày, tiểu thương thường mang xe tải đến lấy hàng một lần. Cũng nhờ nghề làm lồng sắt, nên ông Tiến cũng xây được căn nhà 4 tầng khang trang với những nội thất đắt tiền.
"Làm sắt chỉ ngồi trong nhà, không phải chịu nắng mưa như làm ruộng. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ tốt nên không có rủi ro, mất mùa hay thất nghiệp.
Hiện giờ, tiện nghi gia đình cũng đủ đầy, 2 vợ chồng đã có tuổi nên không tham công tiếc việc. Chứ như vài năm trước, còn sức khỏe, một ngày cả gia đình có thể kiếm được gần 2 triệu đồng", ông Tiến nói.
Ngồi trong căn nhà 4 tầng khang trang, ông Đỗ Văn Thiệu, ở Đa Vạn, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết, nghề đan lồng, làm sọt cho thu nhập cao gấp hàng trăm lần làm ruộng.
Những công việc như đóng khung, uốn thép cần sức khỏe, bàn tay chắc thì đàn ông làm. Còn lại, việc đan lồng, gấp thép dành cho phụ nữ, người lớn tuổi phụ thêm.
Ông Thiệu cho biết, nghề đan lồng có thể làm quanh năm suốt tháng, cho thu nhập đều theo ngày, không phải làm thời vụ như các nghề khác.
Căn nhà khang trang vừa xây dựng của gia đình ông có được cũng là nhờ nguồn thu nhập từ nghề này.
Tuy nhiên, làm nghề sắt tương đối độc hại. Người đan lồng phải đeo khẩu trang, bao tay cả ngày để tránh bụi thép, nhưng cũng không tránh được triệt để.
Ông Thiệu chia sẻ, đã có nhiều người bị sắt đâm thủng tay, bị thương do mẩu sắt vụn bắn vào mắt và bị các bệnh về đường hô hấp.
Theo ông Thiệu thì làm nghề đan lồng sắt không có rủi ro. Do có người đến tận nhà mua, các mẫu lồng đều có sẵn theo các phi sắt, thép khác nhau nên không lo bị hỏng.
Sắt thép ở xưởng trong làng làm ra nên mình mua được giá gốc, không mất chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, là công việc làm ăn theo sản phẩm nên mình nghỉ ngày nào là không có tiền ngày ấy. Vì thế, làm nghề này phải chăm chỉ, cần cù.
Ông Thiệu chia sẻ, tuy vất vả, độc hại nhưng nghề này chẳng khi nào thiếu việc. Bán hàng ăn theo sản phẩm, làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiều.
Với 3 nhân công làm việc, mỗi tháng, làm chăm chỉ gia đình ông Thiệu cũng thu nhập đến gần 30 triệu đồng.
Cũng theo ông, mấy năm gần đây, kinh tế khó khăn khiến nhiều xí nghiệp, nhà máy sắt thép quanh khu vực lâm cảnh nợ nần.
Có xưởng phải đóng cửa mấy năm liền, thậm chí bị phá sản. Thế nhưng, những gia đình đan lồng nhỏ lẻ như gia đình ông Thiệu thì chẳng bao giờ lo thất nghiệp, thậm chí có gia đình tích cóp có thể mua được xe hơi.
Theo ông Đỗ Văn Hiền, Chủ tịch phường Châu Khê, đan lồng sắt là nghề thủ công ở Đa Vạn từ mấy chục năm nay.
Trước kia, làng nghề chỉ phát triển vào mùa mưa lũ, chủ yếu cung cấp lồng, sọt đá để tránh lũ lụt và làm đường.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, nhu cầu sản phẩm của các tiểu thương ở Hà Nội tăng cao, kéo theo mức tiêu thụ rất ổn định và thu nhập của các hộ gia đình cũng dần đi lên.
Ông Hiền cho biết, hiện tại có khoảng 40% các hộ gia đình duy trì nghề đan lồng sắt. Thu nhập bình quân đầu người là 300.000 - 500.000 đồng/người.
Với trẻ em, phụ nữ và người già, mức thu nhập thấp hơn nhưng cũng dao động 200.000 - 300.000 đồng/người.
"Cũng nhờ nghề đan lồng sắt mà kinh tế của Đa Vạn ngày càng phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân có sự thay đổi đáng kể", ông Hiền nói.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn