Những ngày qua, mạng xã hội ồn ào trước câu chuyện của chị Bùi Thị Thanh H, ở Hà Nội chia sẻ về việc con trai mình (15 tuổi) đứng kéo đàn ở bờ hồ Hoàn Kiếm (đường Đinh Tiên Hoàng) vào tối 28/7 bị lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy phép biểu diễn.
Từ câu chuyện chị H. chia sẻ, những giờ qua đã bùng nổ tranh cãi trên mạng xã hội về việc: Tại sao có giấy phép mới được biểu diễn ở phố đi bộ Hoàn Kiếm. Việc này có cần thiết hay không? Có người cho rằng chơi nhạc cho vui thì không cần giấy phép nhưng cũng có người nói cần phải tôn trọng quy định pháp luật để ngăn ngừa sự tùy tiện của những người khác.
Cậu bé 15 tuổi vẫn thường chơi nhạc ở bờ Hồ - Ảnh: Tiền Phong
Thứ trưởng bảo không ổn...
Trả lời trên báo Dân Trí, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên với tư cách là người đang đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho rằng, dù ông chưa được tận mắt chứng kiến câu chuyện này, nhưng nếu đúng như báo chí phản ánh ở thời điểm này thì việc lực lượng an ninh quận Hoàn Kiếm truy giấy phép biểu diễn với cậu bé 15 tuổi đang đứng kéo đàn ở bờ hồ Hoàn Kiếm là không ổn.
“Trong khi đất nước chúng ta đang khuyến khích các tài năng trẻ mang tài năng của mình cống hiến cho đất nước, cho nhân dân thì việc cậu bé 15 tuổi mang đàn ra kéo cũng được xem là một việc biểu diễn âm nhạc đường phố của một tài năng.
Chưa nói về mức độ tài năng, chỉ nói riêng về hành động mang tính biểu diễn nghệ thuật hoặc tìm cơ hội cọ xát với thực tế, không có dấu hiệu lợi dụng chuyện đó để kiếm tiền phản cảm… thì không nên cấm cản, cũng không đòi hỏi phải có giấy phép gì cả.
Người trẻ cần được cọ xát với thực tiễn để trau dồi tài năng, tăng thêm bản lĩnh… và cần phải được ủng hộ chứ.
Ở nước ngoài, thậm chí cả bố mẹ và các con cùng kéo nhau ra đường phố biểu diễn rồi cầm mũ xin tiền, mọi người vẫn rất vui vẻ rút ví ra tặng tiền. Nếu xem đó là một nghề thì đó cũng là nghề có thu nhập chính đáng. Nếu người ta chơi hay, chơi tâm huyết, có tài hẳn hoi… thì khuyến khích người ta là chuyện đáng nên làm”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, ở Hà Nội đang thiếu các hoạt động nghệ thuật đường phố lành mạnh, văn minh và đáng xem nên nếu có những hoạt động đó ngoài phố, nhất là phố đi bộ lại càng thêm vui. Bản thân ông, nếu ra nước ngoài, gặp cảnh các bạn trẻ hăng say biểu diễn như thế kiểu gì ông cũng thưởng tiền.
Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn. Bởi vậy, người ta đòi hỏi những người làm lĩnh vực an ninh trật tự phải biết phân biệt giữa biểu diễn âm nhạc đường phố với biểu diễn vì mục đích thương mại, cái gì cho phép, cái gì nên khuyến khích và cái gì không khuyến khích.
Nếu những hoạt động biểu diễn đường phố gây ầm ỹ, gây mất mỹ quan đô thị thì mới phải cần nhắc nhở. Còn nếu những hoạt động biểu diễn văn minh, tạo ra sự hứng thú cho người xem thì cần phải khuyến khích.
Đặt giả sử, cậu bé đứng biểu diễn ở vị trí chưa phù hợp, gây cản trở giao thông hoặc gây cản trở đối với những hoạt động khác thì nên nhẹ nhàng hướng dẫn, chứ không nên căng thẳng.
...Giáo sư bảo xin phép là cần thiết
Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với VTC News PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển cho biết, biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng thì xin phép là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Nếu không có sự quản lý, cứ mặc ai lấy làm thì trộm cắp, móc túi, ăn xin, lừa đảo sẽ làm loạn cả khu phố.
Theo ông Đức, sự việc trên chỉ là hai bên chưa thấu hiểu nhau, công an họ không sai nhưng có thể cách làm việc còn máy móc, rập khuôn.
Cháu bé và gia đình hãy coi đây là một bài học, rút kinh nghiệm và xin phép chính quyền nếu thực sự muốn biểu diễn vì mục đích tốt đẹp.
Nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng lấy lý do là hoạt động nghệ thuật quyên góp tiền làm từ thiện mà không cần xin phép, đến khi xảy ra các vấn đề lừa đảo, gây rối, mất trật tự trị an thì trách nhiệm thuộc về ai?
Người yêu nghệ thuật vẫn cần tuân thủ pháp luật, không thể có ngoại lệ. Người yêu nghệ thuật, có tấm lòng nhân văn, nhân ái càng phải hiểu được hành vi và hành động của mình.
Nếu cậu bé muốn làm từ thiện thì có thể đặt cái biển "Nghe tôi đàn xin góp vào đây quỹ vì người nghèo hay vì trẻ em" thì có lẽ cán bộ công an họ cũng hiểu, thông cảm.
Muốn quyên góp tiền ủng hộ cho một việc làm thiện nguyện nào đấy cũng cần phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, những người quản lý xã hội trước những hiện tượng thiện tâm sẽ không vùi dập và chắc chắn cháu bé sẽ được cấp phép.
Vấn đề ở đây chỉ đơn giản là chưa có sự gặp gỡ, thấu hiểu nhau. Chúng ta không nên quá nặng nề đao búa phê phán lực lượng chức năng và cũng không nên vùi dập ước nguyện, thiện tâm của cậu bé 15 tuổi.
Trong buổi chiều 30/7, chị H. đã bất ngờ viết dòng trạng thái đính chính toàn bộ sự việc là bịa đặt và có lời xin lỗi tới lực lượng công an quận hoàn kiếm.
Trong dòng trạng thái người phụ nữ này có viết: "... kính gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các anh vì sự việc của tôi đưa lên Facebook cá nhân vào ngày 28/7/2017.
Do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh các anh và sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các anh, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của các anh".
Chị H. cũng đã chia sẻ, sau khi viết xong dòng trạng thái này, sẽ trực tiếp đến gặp lực lượng công an quận hoàn kiếm để xin lỗi về vụ việc không đáng có. Đồng thời cũng xin lỗi cộng đồng mạng và mong nhận được sự thứ lỗi.
Phan Quân
Theo ĐSPL, Vietnammoi
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn