Duy nhất một bị cáo "kêu oan" 

Ngày 14.7, ngày làm việc thứ hai của phiên tòa xét xử vụ “quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi 8 bị cáo. Trong phiên tòa sáng nay, luật sư bảo vệ cho bị cáo Đặng Quốc Tú đề nghị tòa cách ly để tham gia thẩm vấn từng bị cáo trong vụ án. Yêu cầu của luật sư được HĐXX chấp nhận.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Tú liên tục kêu oan. Tú khai nhận đêm 14.3.2013 chỉ can ngăn, không đánh anh Tuấn Anh. Trước lời khai của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đã cung cấp nhiều bản cung tại cơ quan điều tra, trong đó Tú khai các chi tiết về việc cùng đồng bọn đuổi nạn nhân và dùng chân tay đấm.

Tuy nhiên, Tú cho rằng, mình bị các điều tra viên ép mớm cung, đồng thời khẳng định các cán bộ điều tra đã đọc cho Tú viết lời khai, giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Đại diện VKS hỏi: "Ngày 8.5, trong các bản cung, bị cáo đều kí nhận là do tự nguyện, tự nhận thấy hành vi của mình và các bị cáo khác là sai. Thậm chí có cả luật sư xác nhận hoàn toàn do tự nguyện, tại sao lại nói là ép cung?”.

Tú lại kêu oan: “Khi bị cáo viết bản kiểm điểm và lời khai khác thì chưa có luật sư, mãi về sau mới có. Bị cáo bị ép phải nhận là đã đánh và đấm anh Tuấn Anh”. Tú còn đề nghị tòa cho dựng lại hiện trường để làm sáng tỏ sự thật, minh oan cho bị cáo và nhất quyết khẳng định các bị cáo khác đều được mớm cung để khai nặng tội cho mình.

Trong số 6 bị cáo, Tú là người duy nhất kêu oan. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Tú đã yêu cầu Tòa cách ly tất cả các bị cáo để hỏi từng người một.

Con rể cựu chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có liên lạc với một số bị cáo

Cũng trong phiên xứt xử buổi sáng, Luật sư Lê Thị Oanh – Đoàn luật sư Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại, liên tục hỏi các bị cáo để làm rõ việc ông Trần Khánh Dũng (GĐ Cty TNHH Minh Giang, con rể cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) có liên quan tới vụ án hay không? Trả lời luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Tình - cho biết, ông Dũng không nhờ bị cáo đánh nhau hộ. Trong 2 ngày 15 và 16.3.2013, cũng không nhận được điện thoại của ông Dũng.

Bị cáo Phùng Đắc Tú cũng cho biết, ông Trần Khánh Dũng không gọi điện cho mình lần nào. Riêng bị cáo Đặng Quốc Tú cho biết, ngày 16.3, bị cáo có nhận được điện thoại của ông Dũng kéo dài khoảng 10 giây nhưng bị cáo không nghe vì đang làm việc với công an. Thời điểm đó, bị cáo gặp ông Dũng tại cơ quan điều tra.

Còn bị cáo Nguyễn Văn Định cho rằng, ngày 17.3, ông Dũng có gọi điện thông báo Định lên công an thành phố đầu thú.

Riêng bị cáo Phùng Mạnh Tuấn cũng cho biết, bị cáo cũng có nhận được một cuộc điện thoại lạ nhưng không nghe máy, sau đó bị cáo nhận được tin nhắn: “Tuấn à, anh Dũng đây”.

Được biết, một số bị cáo khi phạm tội là nhân viên của ông Dũng. Ông Dũng đồng thời là người sở hữu ngôi nhà 4 tầng nơi các bị cáo cư trú. Sau khi gây án, các bị cáo cũng quay lại đây.

Trước đó, gia đình bị hại yêu cầu HĐXX triệu tập ông Trần Khánh Dũng để làm rõ, có hay không sự liên quan của ông này đối với vụ án. HĐXX đã tiến hành triệu tập, tuy nhiên ông Dũng vắng mặt không có lý do.

Sau khi hội ý, chủ tọa Nguyễn Văn Hoa quyết định, tiếp tục xét xử vụ án, bởi HĐXX cho rằng, đã lấy lời khai tại cơ quan điều tra nên việc vắng mặt của người này không ảnh hưởng đến việc xét xử.

Dự kiến chiều nay (14.7), VKS sẽ đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo.

Trước đó, theo cáo trạng, tối 14.3.2013, tại quán ăn đêm ở phường Hội Hợp (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), trong lúc uống rượu, do mâu thuẫn, Phùng Mạnh Tuấn và Phùng Đắc Tú mỗi người cầm một con dao cùng 4 người khác đuổi đánh Nguyễn Tuấn Anh. Bị truy đuổi, Tuấn Anh bỏ chạy vào bờ kênh 2A, đến sát mép bờ kênh, nhóm Tuấn giữ được Tuấn Anh và thay nhau dùng chân tay đấm, đá nạn nhân. Tuấn Anh vùng bỏ chạy thì bị Tuấn đạp ngã xuống kênh nước đang chảy siết. Nhóm này tiếp tục cầm dao chém, ném gạch về phía nạn nhân. Bị đánh, đạp ngã, nạn nhân tử vong, nguyên nhân chết được xác định do "ngạt nước". Cũng chính vì từ kết luận nạn nhân tử vong do “ngạt nước” mà người dân cùng người nhà nạn nhân đã mang quan tài nạn nhân “diễu phố” gây sức ép với chính quyền.