Vụ phá rừng tàn khốc:135m3 gỗ vẫn ở trong rừng

Thứ năm - 08/06/2017 21:26
(Hatinhnews) - Liên quan đến vụ phá rừng tàn khốc tại Hà Tĩnh, hiện vẫn đang còn 135,5 m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 vẫn đang ở trong rừng, thuộc các tiểu khu 2 và 12 (rừng phòng hộ), chưa được lấy ra.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, đến thời điểm cơ quan điều tra vào cuộc điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về bảo vệ rừng”, các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ số lượng gỗ 488,5m3. Trong đó, các lực lượng chức năng đã thu hồi được 353,588m3 gỗ. Số gỗ trên được chủ rừng, kiểm lâm và biên phòng thu hồi trong thời gian từ 15/2 đến 6/3.

Sau khi thu hồi số lượng trên, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và phát hiện tại các tiểu khu 2, 12, 21,22 (thuộc Cty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn), số lượng gỗ tồn đọng 356 phiến/lóng với tổng khối lượng là hơn 135m3.

Đại tá Hoàng Bá Thọ, Phó Trưởng ban chuyên án đang trình bày trên sơ đồ địa bàn xẩy ra vụ án phá rừng biên giới đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: Duy Tuấn

Trong đó phần lớn gỗ tập trung tại tiểu khu 2, 12, là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.

Mới đây nhất, vào ngày 8/5, cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Hà Tĩnh đã tống đạt quyết định khởi tố đối với 5 bị can là cán bộ thuộc lực lượng kiểm lâm và chủ rừng là Cty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn.

Ngoài ra, được sự thống nhất của Viện KSND tỉnh, cơ quan điều tra cũng đã đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với hai đầu nậu chuyên thu mua gỗ lậu, cung cấp tiền cho lâm tặc phá rừng là Nguyễn Thanh Bình (trú xã Sơn Hồng) và Nguyễn Hữu Huân (trú xã Sơn Lĩnh).

Các đối tượng bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm các quy định về bảo vệ rừng”.

Tuy nhiên, trong số các đối tượng trên thì hiện cơ quan điều tra mới tạm giam được 6 đối tượng, còn đối tượng Huân đã đi khỏi địa phương. Lực lượng chức năng đang tiến hành truy bắt.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng thường xuyên vào rừng chặt gỗ khai rằng để vào được rừng và đưa được gỗ ra thì đều phải chi ra số tiền cho các lực lượng chức năng.

Theo hồ sơ mà VietNamNet có được, liên quan đến vụ bắt giữ những đối tượng trên, cơ quan điều tra đã làm rõ được hành vi thông đồng, cấu kết giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và các đầu nậu.

Tháng 4/2011, khi phát hiện hơn 35m3 gỗ trái phép trong rừng, đáng lẽ chủ rừng và lực lượng kiểm lâm phải xử lý theo quy định thì lại thực hiện trái quy định.

Do có sự “tác động” của lãnh đạo Cty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn (đã nghỉ) nên lực lượng kiểm lâm và đại diện chủ rừng đã không tiến hành thu hồi theo quy định mà lại cho hai đầu nậu là Bình và Huân vào rừng, đưa 23m3 gỗ ra khỏi rừng dưới sự hộ tống của một số cán bộ.

Thông tin chi tiết vụ móc ngoặc giữa kiểm lâm, chủ rừng với đầu nậu sẽ được VietNamNet tường thuật trong 1 bài khác.

Có truy cứu hết trách nhiệm?

Như đã từng phản ánh, vụ phá rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xẩy ra tại khu vực rừng biên giới Việt – Lào, thuộc xã Sơn Hồng. Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn là chủ rừng, thay mặt nhà nước làm công tác bảo vệ.

Trên tuyến đường độc đạo vào rừng đã có rất nhiều trạm, sào chắn của các lực lượng biên phòng. Ngoài Trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh, Ban QL bảo vệ rừng Hồng Lĩnh thì còn có trạm kiểm soát lâm sản của xã và Trạm kiểm soát biên phòng Đá Gân (thuộc Đồn 565).

Vụ án đã khởi tố, đã có 7 đối tượng bị bắt, dư luận đang quan tâm đến trách nhiệm của lực lượng biên phòng sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xử lý đến đâu? Ảnh: Duy Tuấn

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc xem xét đến trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng thì cần phải xem xét trách nhiệm của lực lượng biên phòng, cơ quan kiểm soát về con người, an ninh biên giới. Hàng trăm m3 gỗ bị chặt hạ trên khu vực biên giới, lực lượng biên phòng không thể không biết.

Bởi, nếu kiểm soát được con người thì lâm tặc không thể vào rừng, khu vực rừng bị phá nằm sát đường phân định biên giới Việt Lào, nơi lực lượng Biên phòng thường xuyên tuần tra kiểm soát.

Khi lên thị sát khu vực để xẩy ra vụ phá rừng, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phải thốt lên: Chủ rừng, kiểm lâm, biên phòng ở đâu?

Tại cuộc họp báo nhanh sau khi khởi tố các bị can, phóng viên báo VietNamNet cũng như rất nhiều phóng viên báo khác đã đề cập đến trách nhiệm của lực lượng biên phòng sau khi để xẩy ra vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng.

Về vấn đề này, Đại tá Hoàng Bá Thọ, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế, Phó trưởng ban chuyên án cho biết, trong quá trình điều tra thì không kể lực lượng nào, nếu phát hiện được có sự móc ngoặc của cán bộ biên phòng, tiếp tay cho lâm tặc thì sẽ chuyển tài liệu cho quân khu để xử lý.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Công an tỉnh thông tin, đây chỉ mới là kết quả bước đầu của ban chuyên án. Hiện vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra vì còn liên quan đến nhiều đối tượng, trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành.

Điều 5 Pháp lênh Bộ đội biên phòng năm 1997 nêu rõ:

“Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới Quốc gia, hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới; đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, vượt biển, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trộm tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới…”.

Theo Vietnamnet

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây