Máy gặt hỗ trợ cho người nghèo “chưa dùng đã hỏng”, “cấp nhầm” cho nhiều hộ dân.
Sau khi Báo Đời sống & Tiêu dùng đăng tải loạt bài viết máy gặt tài trợ cho dân nghèo theo Đề án hỗ trợ sản xuất Chương trình 135, xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh mua 44 chiếc máy gặt với giá 6,2 triệu đồng mỗi chiếc, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã vào cuộc kiểm tra, trong khi đó người dân mua phải những chiếc máy bị hỏng đã mang đến trả lại.
Bán máy hỗ trợ sai đối tượng
Theo tìm hiểu của phóng viên, máy gặt được mang về để hỗ trợ cho dân nghèo nhưng trên thực tế, một số thôn lại mang những chiếc máy này bán sai đối tượng.
Cũng nằm trong hộ cận nghèo của thôn, nhưng không có trong danh sách được cấp máy gặt, khi nghe thôn có bán máy, anh Nguyễn Văn Bằng (thôn 4, xã Hương Thọ) cũng được mua một chiếc.
Trong khi bà Hoan, người mua máy gặt hỗ trợ cho biết, thôn có 6 chiếc máy gặt của xã cấp về cho hộ nghèo, vì hộ quá nghèo thì không đủ sức khỏe để gặt được máy, nên thôn đã họp và đưa máy ra bán hóa giá, hộ nghèo đã đồng ý bán hóa giá cho thôn 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vừa sử dụng thì chiếc máy đã hỏng, bà Hoan đã mang đến thôn để trả lại.
Theo các tài liệu mà phóng viên thu thập được, tại xã Hương Thọ tồn tại một danh sách các hộ nghèo có dấu hiệu được lập khống và ký khống. Chữ ký trong văn bản này có dấu hiệu bị giả mạo vì những người có tên trong danh sách này đa số không được nhận chiếc máy từ chính sách hỗ trợ máy gặt.
Ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ thì cho rằng: “Xã đã đề nghị mua máy về để cấp cho hộ nghèo và cận nghèo, nếu thôn làm lặng lẽ xã không biết, nếu thực tế mà có như vậy thật thì xã sẽ cho người về làm rõ” .
Làm sai thì sửa
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp kiêm Phó Ban chỉ đạo đề án 135 huyện cho biết: Ở huyện Vũ Quang có 11 xã được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất 135, với tổng mức hỗ trợ là 2,4 tỷ đồng. Theo đó, các xã về lập đề án trình lên huyện duyệt, mỗi hộ gia đình không được quá 7 triệu đồng. Sau khi họp thôn đồng ý với đề án và được huyện chấp nhận lúc đó xã mới tự liên hệ với nơi cung ứng sản phẩm.
Theo lời ông Sơn, trong toàn huyện có 5 xã lập đề án mua máy gặt lúa nhằm hỗ trợ bà con trong sản xuất, nhưng các xã chỉ mua máy vừa phải khoảng vài ba triệu, có xã mua máy 2,4 triệu để cấp cho các hộ nhưng vẫn dùng tốt. Riêng xã Hương Thọ là lập đề án với giá máy 6,2 triệu với mong muốn cấp cho bà con chiếc máy chất lượng.
Bản danh sách được cho là xã Hương Thọ đã lập “khống” để bán các máy gặt hỗ trợ sản xuất.
Tuy nhiên, đến khi sử dụng thì những chiếc máy gặt của xã Hương Thọ người dân vừa đưa vào gặt vụ mùa đã đồng loạt hỏng.
Sau khi nghe phản ánh, Phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang đã cho người xuống kiểm tra, và thấy được nhiều điểm bất cập trong việc cung cấp máy cho người dân.
Biên bản làm việc giữa UBND xã Hương Thọ và phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang ghi rõ: Trong tất cả các văn bản có liên quan như: Hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, các biên bản giao nhận máy giữa Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và UBND xã Hương Thọ không ghi rõ thông tin về máy cung cấp. Mặt khác, trong hóa đơn GTGT do Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cung cấp ghi loại máy Honda BC35, trong khi dự án phát triển sản xuất được duyệt là máy Honda GX35 với đầy đủ thông số theo thông báo, thẩm định giá.
Máy nhận không đúng với hợp đồng, lại bị lỗi kỹ thuật bên trong nên UBND xã Hương Thọ đã yêu cầu đổi lại máy mới cho dân đảm bảo chất lượng giống như máy đã ký kết trước ngày 30/8.
Theo ông Sơn, “Quan điểm làm sai thì sửa, máy chưa đúng chủng loại thì đổi, vấn đề ở đây do cán bộ xã không am hiểu về máy móc nên mới dẫn đến tình trạng như vậy”.
Khi phóng viên hỏi vấn đề máy gặt cấp cho hộ nghèo nhưng thôn lại mang đi bán thì ông Sơn cho rằng, “máy cấp mà thôn đưa đi bán là không được, không đúng. Nếu trường hợp thôn mang máy đi bán thì huyện sẽ gửi lên các cấp có chính quyền xử lý”.
Theo như những tài liệu mà PV thu thập được, trong hợp đồng giữa Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và nhà phân phối, mỗi chiếc máy gặt chỉ có giá 4,8 triệu đồng, nhưng bán cho UBND xã Hương Thọ 6,2 triệu đồng. Số tiền chênh lệch giữa hai bên đã bằng một nửa số tiền một chiếc máy các xã khác mua về cho dân mà vẫn sử dụng tốt. Vậy số tiền chênh lệch đó đã đi đâu, về đâu?
Thực trạng trên cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh để những dấu hiệu khuất tất trong vụ việc sớm được làm sáng tỏ.
Báo Đời sống & Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn