Vụ TNGT 3 người chết thảm: Không khí hoang lạnh vẫn ám ảnh người thân

Thứ sáu - 09/06/2017 07:01
Vụ tai nạn làm chết 3 người trong một gia đình, trong đó một người bị hất văng lên mái tôn, trở thành vụ tai nạn ám ảnh nhiều người hồi tháng 5 vừa qua. Ở quê nghèo thôn Đại Điền, xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, nỗi đau cứ gặm nhấm vào tim những người thân của những nạn nhân xấu số.
Tử thần đến bất ngờ

Chúng tôi tìm về nhà anh Trần Văn Kiên - nạn nhân trong vụ tai nạn kinh hoàng diễn ra hôm 26/5, trên quốc lộ 32 - trong một buổi sáng giá lạnh. Con ngõ dài và hẹp vòng quanh chiếc ao làng nước tù đọng dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng bên cạnh.

Trong ngôi nhà lợp mái pro -xi- măng, rộng chưa đầy 20m2, chị Nguyễn Thị Gấm, vợ anh Kiên, không giấu được những giọt nước mắt lăn dài. Chị ngẹn ngào kể, chiều hôm đó anh Kiên cùng chị gái là Trần Thị Vở và cháu Nguyễn Đức Trường (6 tuổi, con chị Vở -PV) đi xe máy đến đưa cơm cho bố đang nằm điều trị tại bệnh viện 105. Xe đi còn chưa kịp đến nơi thì đã bị tai nạn rồi. 

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm cướp đi 3 mạng người trong một gia đình

“Trước khi đi anh còn dặn lúa đã gạt lại rồi, đợi anh về xúc vào nhà cho, nào ngờ anh đi không về nữa…”  chị Gấm nghẹn ngào.

Ông Trần Văn Tuyển, bác ruột anh Kiên, bàng hoàng nhớ lại ngày hôm đó: “Tôi chạy đến nơi thấy cháu mình nằm vật trên đường, còn chị nó, bị văng lên tận mái tôn của nhà dân, đứa cháu cũng bị văng ra xa…”. 

Giờ chồng chị Vở là anh Nguyễn Văn Thức gà trống nuôi đứa con trai đang học lớp 10, chị Gấm (vợ Kiên-PV) góa bụa nuôi 2 con ăn học.

Vụ tai nạn kinh hoàng đã khiến cho bà Hoàng Thị Vân, mẹ ruột anh Kiên đã ngoài 60 tuổi, cùng lúc mất đi hai người con và đứa cháu ngoại, xót xa không nói nên lời. Khi đó gia đình phải giấu hung tin với ông bố, vì sợ ông sẽ bị sốc mà gặp nguy hiểm vì lúc đó ông bị tai biến mạch máu não và cao huyết áp đang phải điều trị.

Những ngày sau đó không khí tang thương phủ vây ngôi nhà nhỏ bé của chị Gấm. Giờ đây tuy đã hơn 5 tháng trôi qua, nhưng trong ngôi nhà ấy, sự lạnh lẽo vẫn còn hiện diện tựa như câu chuyện mới ngày hôm qua.

Con trai chị Vở đứng bên bàn thờ mẹ và em

13 năm xây dựng gia đình, anh Kiên và chị Gấm đã có với nhau hai đứa con nhỏ, cháu lớn là Trần Thị Hồng Ngọc học lớp 6, cháu nhỏ là Trần Việt Hoàng học lớp 4. Dường như các cháu còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu hết nỗi đau mà gia đình đang phải chịu đựng. Cháu Hoàng vẫn cười đùa khi có người lạ đến nhà.

Lúc anh Kiên còn sống, hàng ngày chồng đi ép cọc bê tông, vợ ở nhà làm may thuê cho nhà hàng xóm. Hai con thì học giỏi, kỳ nghỉ anh Kiên đều đưa con ra vườn thú chơi, giờ thì con chẳng được đi đâu nữa. Dự định tiết kiệm tiền hàng tháng để dành lại vài năm sẽ xây nhà cũng trở nên xa vời.

Giờ đây khi anh Kiên mất đi, mọi gánh nặng trong gia đình đều đổ lên đôi vai gầy của chị Gấm. Hàng ngày chị dậy sớm từ gà gáy canh năm đến làng bên lấy thịt bò về chợ bán để kiếm mớ rau mớ cỏ, đong gạo nữa bởi “nhà chỉ có một sào ruộng 3 mẹ con chẳng đủ ăn”. Giờ đây cảnh góa bụa nuôi con, chị lại phải vừa làm mẹ, vừa làm cha dạy bảo các con nữa.

Nỗi đau còn mãi

Chỉ vào căn nhà cũ, chị Gấm thở dài: “Mái nhà đã dột mấy chỗ, cứ mưa đến là phải hứng chậu, căn nhà ở vào vùng đất trũng, chỉ cần mưa lớn là nước tràn vào tận trong nhà, làm đảo lộn sinh hoạt, có hôm phải ra ngoài nâng chiếc cống thoát nước ra con mương để chảy bớt chứ không nước ngập vào nhà suốt”.

Chị Gấm trước bao nhiêu giấy khen của con gái, không thể kìm được nước mắt và quyết tâm cho con ăn học tiếp.

Tuy cuộc sống gia đình khó khăn như vậy nhưng Ngọc và Hoàng đều học rất giỏi. Hai em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm học, đặc biệt Ngọc còn đạt được những giải cao trong những kì thi học sinh giỏi cấp huyện và thành phố. Khi được hỏi về mơ ước của mình, Ngọc không ngần ngại nói muốn trở thành một cô giáo giỏi. 

“Mấy đứa nhỏ quanh xóm này toàn đến nhà cái Ngọc chơi, chúng chỉ chơi trò dạy học mà Ngọc làm cô giáo, cái bảng là cạnh tủ quần áo nhà nó. Lũ trẻ kia thì ngồi ở bàn học của Ngọc. Trông nó ra dáng cô giáo lắm, bọn trẻ con cũng ham học có gì không hiểu lại hỏi chị Ngọc” – Cô Nguyễn Thị Minh (hàng xóm nhà Ngọc) chứng minh cho việc con bé muốn thành cô giáo.

Nhìn con hồn nhiên, chị Gấm xót xa “cháu nó cứ đi học thêm suốt, mà tiền học cũng không phải là ít…” nói rồi chị Gấm nghẹn giọng “như con nhà khác không học được thì thôi, con nhà mình học được mình nỡ lòng nào không cho cháu được đi học tiếp, thôi thì khó khăn đến mấy cũng phải cố lo cho các cháu được học hành đến nơi đến chốn…”

Ngọc ước mơ, sau này sẽ thành cô giáo

Ước mong có một ngôi nhà vững chắc dường như là không thể khi người chồng đã vĩnh viễn ra đi. Đành phải chịu cảnh những khi mưa nước ngập vào nhà, rồi một mình chị Gấm vò võ đi bán thịt bò mỗi ngày với hy vọng cháu Hoàng và cháu Ngọc có thể tiếp tục theo đuổi những ước mơ của mình.

Theo Thái Anh infonet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây