Hệ lụy đau lòng
Lúc 15 giờ 30 phút, ngày 31-8-2017, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn tổ chức tiếp nhận 13 công dân Việt Nam do phía Công an Biên phòng Trung Quốc trao trả vì hành vi cư trú bất hợp pháp. Toàn bộ số người này đều là người dân tộc Mông, trú tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trong đó có một trẻ em dưới 2 tuổi, còn người cao tuổi nhất là ông Vừ Mí Phứ, sinh năm 1957. Đặc biệt là các công dân được tiếp nhận trở về đợt này còn mang theo 6 bình tro cốt của thân nhân gồm: Vừ Mí Mình, Vừ Mí Pó, Vừ Mí Nu, Vừ Mí Sùng, Và Mí Chá và Sùng Mí Mua bị tử vong khi đang lao động tại Trung Quốc.
Kể về hành trình đi làm thuê đầy gian truân và tủi nhục, ông Vừ Mí Phứ nước mắt rưng rưng cho biết, sau Tết Nguyên đán năm 2017, một số gia đình trong dòng họ Vừ họp lại để tính chuyện làm ăn. Nhiều người trong họ cho rằng, sau nhiều năm canh tác trên mảnh đất Mèo Vạc đã bị bạc màu, cây sắn, cây ngô không còn cho năng suất cao; con trâu, con bò cũng không lớn được vì thiếu thức ăn... nên người dân có cần cù chịu khó mấy cũng không đủ ăn.
Sau nhiều giờ tranh luận, đa số người trong dòng họ đồng ý bằng cách vượt biên sang Trung Quốc để tìm việc làm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đồng ý vì cho rằng như vậy là vi phạm pháp luật, nếu bị các cơ quan chức năng của Trung Quốc hay Việt Nam bắt sẽ bị xử lý theo pháp luật... Cuối cùng, mọi người cũng thống nhất để một nhóm đàn ông, con trai khỏe mạnh trong dòng họ đi trước, nếu tìm được việc làm thích hợp thì sẽ cho người quay về đưa số người còn lại trong dòng họ sang Trung Quốc làm thuê.
“Để tránh bị Công an, Biên phòng phát hiện và bắt giữ, 20 người chúng tôi đi thành nhiều tốp vượt biên giới trái phép tại tỉnh Hà Giang. Sau nhiều ngày di chuyển bằng nhiều loại phương tiện, chịu đựng đói, rét trên đường, nhóm chúng tôi đến được thị trấn Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Do bất đồng ngôn ngữ và không có trình độ nên 20 người chúng tôi chỉ được nhận vào làm các công việc phát nương, trồng cây, tối đến ngủ tại các lán tạm ven đồi. Ngày 2-7-2017, tại khu vực chúng tôi ở, mưa lớn đã làm lở đất vùi lấp một số lán tạm ven đồi khiến 6 người trong nhóm bị tử vong. Các lực lượng chức năng Trung Quốc đã tổ chức cứu hộ và đưa những người còn lại về trụ sở công an do cư trú bất hợp pháp” - Ông Phú kể.
Tiền mất, tật mang
Tương tự như 13 trường hợp của bà con người dân tộc Mông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vừa bị các cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả, anh Phùn Văn Tài, sinh năm 1994, bản Lý Sáy Chảy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Do ở nhà không có việc làm, nhất là khoảng thời gian sau Tết, đồng ruộng không có nước sản xuất... nên cuối năm 2013, nghe một người quen giới thiệu, Tài đã vay hơn 5 triệu đồng liên lạc với một người Việt Nam ở bên Trung Quốc để tìm việc làm.
Sau khi sang TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bằng đò sắt, Tài được một người Trung Quốc đưa sâu vào nội địa mà Tài cũng không biết là ở đâu để vào làm ở xưởng sản xuất các loại cốc, chén, bình thủy tinh. Tài làm ở xưởng đó từ 8-12 giờ mỗi ngày với tiền công 8 nhân dân tệ/giờ (khoảng 24.000 đồng/giờ). Do sức khỏe yếu, cộng với việc chủ xưởng không trả hết tiền công hằng tháng nên Tài đã tìm cách bỏ việc và trở về nhà. Song về nhà gần 1 năm, Tài không có công việc gì làm, trong khi tiền vay để đi lần trước vẫn còn nợ nên Tài lại quyết định làm sổ thông hành để sang Trung Quốc tìm việc làm lần nữa.
Tài cho biết, sang bên Trung Quốc tìm việc, chủ thuê không cần xem giấy tờ, bằng cấp gì, chỉ cần có sức khỏe là họ nhận vào làm việc. Đầu năm 2017, khi sang Đông Hưng tìm việc làm, do chưa kịp đóng dấu sổ thông hành theo quy định nên Tài bị Công an Trung Quốc bắt giữ khi trong người chỉ có 50 nhân dân tệ và bị giam giữ hơn 10 ngày rồi được thả về.
Quyết liệt ngăn chặn
Theo thống kê chưa đầy đủ của BĐBP các tỉnh biên giới phía Bắc, năm 2016, phía Trung Quốc bắt giữ hơn 150 vụ và trao trả 15.000 người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trong đó có hàng trăm người là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2017, các lực lượng chức năng Trung Quốc đã bắt giữ 1.431 người vi phạm quy định về nhập cảnh, trong đó có một số người có sổ thông hành nhưng đi quá địa bàn cho phép; người lao động tại các xưởng sản xuất không có hợp đồng với các chủ xưởng; cư trú bất hợp pháp tại các nhà xưởng hoặc có người không có giấy tờ tùy thân.
Đại úy Hà Trọng Dược, Trạm trưởng Trạm KSBP CK quốc tế Hữu Nghị cho biết: “Hầu hết những người vượt biên, xuất cảnh sang lao động làm thuê ở Trung Quốc đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định. Phần lớn trong số họ thường trở về tay trắng, thậm chí thêm nợ nần do mất hết tiền môi giới, trong khi lương chưa kịp lĩnh đã bị trục xuất về nước”.
Báo cáo của cơ quan chức năng cũng cho biết trong năm 2016, lực lượng BĐBP 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã chủ động xác lập đấu tranh 13 chuyên án; bắt giữ và xử lý 62 đối tượng, giải cứu 70 nạn nhân; tiếp nhận 30 vụ với 57 nạn nhân do Trung Quốc trao trả, 21 vụ với 25 nạn nhân tự trở về; phối hợp với lực lượng Công an các tỉnh triệt phá 130 chuyên án, vụ án lớn nhỏ về buôn bán người và môi giới đưa người đi lao động chui...
Theo Đại úy Hà Trọng Dược, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, người lao động địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu đi theo các con đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới và chỉ một số ít có giấy thông hành đi qua cửa khẩu quốc tế với mục đích đi thăm thân, du lịch, nhưng thực tế là đi lao động chui tại các xưởng sản xuất, các trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp bên Trung Quốc. Nguyên nhân do phần lớn người dân sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp tại các xã vùng cao, nhưng không có công ăn việc làm ổn định, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Hiện nay, tình trạng cò mồi, môi giới đưa người đi lao động trái phép diễn ra rất phức tạp, trong khi người lao động không hiểu hết những rủi ro như bị bắt giữ, bị đánh đập, ăn chặn tiền công...
Để ngăn chặn tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, các lực lượng chức năng của Việt Nam nói chung và BĐBP 7 tỉnh biên giới phía Bắc nói riêng đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được những rủi ro, nguy hiểm khi lao động trái phép ở Trung Quốc. Trong đó có việc vận động những người lao động chui bị phía Trung Quốc bắt giữ, trao trả về đứng ra trực tiếp tuyên truyền nói rõ sự thật để bà con tránh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Công an các tỉnh biên giới trao đổi thông tin, chủ động xác lập chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm mua bán người, tăng cường hợp tác với các lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc để ngăn chặn vấn nạn trên.