Vận rủi của những con tàu chở niken

Thứ bảy - 03/06/2017 18:41
Vụ mất tích của tàu Vinalines Queen nâng tổng số tàu mất tích trong vòng 15 tháng qua lên bốn. Đáng chú ý, bốn tàu cùng tuyến đường vận chuyển và cùng chở quặng niken.
Tổ chức Hàng hải quốc tế đã cảnh báo về mối nguy của những con tàu vận chuyển quặng niken xuất khẩu từ một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, New Caledonia và Philippines có độ ẩm cao. Đáng lưu ý, những chuyến tàu này thường không được bên thứ ba độc lập kiểm định hàng hoá.

Tương tự như ba con tàu Trung Quốc bị chìm vào cuối năm 2010, tàu Vinalines Queen bị mất tích trên đường chở quặng niken từ Indonesia tới Trung Quốc.
 
Bốc xếp quặng niken lên tàu tại cảng Indonesia. Ảnh: Asia Sentinel

Quặng niken bị xem là loại hàng hoá nguy hiểm đối với tàu biển vì thành phần và tính chất vật lý của nó thay đổi rất lớn theo mỏ. Hình dạng vật liệu có thể thay đổi từ sỏi cho đến bùn. Một khi bị ẩm, quặng sẽ nhão như bùn, dễ làm tàu lệch tâm, dẫn đến nghiêng và chìm mau chóng. Do vậy, việc vận chuyển loại hàng hoá này phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản về bốc xếp, kiểm tra độ ẩm của hàng hoá dễ bị hoá lỏng.

Hiệp hội Các chủ tàu hàng khô quốc tế (Intercargo) đã có báo cáo về tình trạng bất cẩn trong vận chuyển quặng niken tại một số nước xuất khẩu. Thực tế, chỉ có vài chủ tàu từ chối vận chuyển quặng niken vì lo ngại độ ẩm của nó cao hơn thông số trong bản kê khai hàng hoá nguy hiểm của chủ hàng. Ở một số trường hợp, tàu vẫn chuyên chở do thuyền trưởng không ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, hay chịu áp lực từ chủ tàu hoặc người thuê tàu. Trong bối cảnh vận tải biển gặp nhiều khó khăn, từ chối vận chuyển là một điều khá khó. Thường thì chủ tàu hoặc là chấp nhận các thông số khai báo của người gửi hàng dù nó có thể không chính xác và nhiều rủi ro, hoặc chịu mất thời gian kiểm định lại hàng hoá.

Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ chìm tàu chở quặng niken liên quan đến các nước xuất khẩu và các doanh nghiệp từ chối cho bên thứ ba độc lập kiểm định hàng hoá. Các vụ chìm tàu trước Vinalines Queen đều thuộc sở hữu của Trung Quốc, với thuyền viên Trung Quốc, nhưng đăng ký tại Panama.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các lô hàng quặng niken từ các nhà xuất khẩu ở Indonesia, New Caledonia và Philippines được dự báo có chiều hướng gia tăng.

Đến nay, Indonesia xuất khẩu chủ yếu niken và cốt thép được khai thác từ các mỏ thuộc sở hữu của công ty PT INCO và PT Aneka Tambang. Trung Quốc được xem là thị trường chính, nước này nhập khẩu 12 triệu tấn quặng trong năm 2010, với giá 20-40 USD/tấn. Chính phủ Indonesia mới đây đã tạm dừng kế hoạch xây dựng cơ sở khai thác và chế biến quặng niken với vốn đầu tư 100 triệu USD tại Morowali. Để tạo ảnh hưởng, Trung Quốc đã tài trợ xây dựng một nhà máy luyện niken trị giá 6 tỉ USD ở Nam Sulawesi. Dự kiến từ năm 2014, Indonesia cấm xuất khẩu quặng niken chưa qua xử lý. Hiện tại, Philippines đang theo chân Indonesia trở thành nguồn khai khoáng quặng niken cho thị trường Trung Quốc.

Tổ chức bảo hiểm West of England Insurance Services (Luxembourg) khuyến cáo, các con tàu bốc xếp quặng niken từ các cảng Indonesia, New Caledonia hoặc Philippines phải có giám định viên ở địa phương để xác định vị trí của hàng hoá trước khi đến, giám sát hàm lượng độ ẩm của hàng hoá. Mặt khác, thuyền trưởng cần lưu ý các điều khoản trong hợp đồng vận chuyển quặng niken và bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của các thuyền viên khi xảy ra rủi ro.

Chưa có bất kỳ báo cáo về những con tàu mất tích trên đường vận chuyển quặng niken từ Philippines. Nhưng thuyền trưởng và các thuyền viên phải nhận thức rằng, họ đang đặt cược với chính mạng sống của mình khi chuyên chở hàng hoá chết người này.

Theo Bá Nha - Sài Gòn Tiếp thị/Asia Sentinel

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây