HLV Nguyễn Văn Sỹ. Ảnh: ĐH. |
Năm 1995, tuyển Việt Nam giành HCB SEA Games 18 – mốc đánh dấu sự xuất hiện của dàn hảo thủ được xem là “thế hệ Vàng 1” của bóng đá Việt Nam với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Công Minh, Hữu Đang, Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đức Thắng. Treo giầy, nhiều người trong số này chọn nghiệp HLV. Mới cầm sa bàn, Lê Huỳnh Đức đã đưa SHB Đà Nẵng vô địch V-League năm 2009. Hai năm sau tới lượt Hữu Thắng lên ngôi cùng Sông Lam Nghệ An.
Cũng chọn cách cầm sa bàn chỉ đạo nhưng Nguyễn Văn Sỹ lận đận hơn các đồng đội thủa nào. Là biểu tượng của bóng đá Nam Định, Văn Sỹ nhiều lần thổ lộ ước muốn được gắn bó với quê hương. Đã ngồi vào ghế HLV phó, nhưng rồi Văn Sỹ buộc phải tha hương kiếm sống: Năm 2008, Sỹ có tên trong trận đấu tôn vinh “thế hệ Vàng” với các cựu tuyển thủ Pháp ở TP HCM, nhưng không được đội Nam Định cho tham dự. Sỹ vẫn lên đường, và... chia tay đội.
Đến Ninh Bình, chỉ sau một thời gian ngắn, anh ngồi ghế HLV trưởng đội này. Năm 2009, Văn Sỹ đưa Ninh Bình vô địch hạng Nhất, lần đầu góp mặt ở V-League. Tuy nhiên, ngay sau chiếc Cup hạng Nhất, Sỹ “toát” mất ghế. Bỏ cố đô Hoa Lư, Sỹ “toát” lên đường vào Hà Tĩnh với bầu Thụy. Không quen phong thổ, quân thì mạnh mà không có tiếng nói chung, Văn Sỹ bị xem là người thất bại khi đội Hà Tĩnh không thể lên hạng Nhất.
Ngày đưa Ninh Bình lên V-League, CĐV ở đây đã tung hô rằng Văn Sỹ và Ninh Bình – họ thuộc về nhau. Trong khi Văn Sỹ thất bại ở Hà Tĩnh, thì Ninh Bình, dù đã mời Tavares, Robert Lim, Lê Thụy Hải, vẫn thường xuyên ngấp nghé ở khu vực xuống hạng. Cực chẳng đã, cuối năm 2010, ông bầu Hoàng Mạnh Trường lại trải chiếu hoa lần hai đón Văn Sỹ trở về. Dưới tay Sỹ “toát”, Ninh Bình có cú bứt phá ngoạn mục ở cuối V-League 2011 và kết thúc giải ở vị trí thứ 4. Đất Hoa Lư lại thêm lần nữa tung hô Sỹ “toát” như người hùng.
V-League 2012, sau vài trận bắt nhịp, Ninh Bình của Sỹ “toát” lại hiện diện ở top đầu. Đang ngon trớn, đội này nhận những trận thua "vỡ mặt" và tới giờ, sau khi để thua Đồng Tháp 1-2 ngay trên sân nhà ở vòng 17, đội này đã tụt xuống thứ 13, chỉ hơn đúng Hải Phòng trên bảng tổng sắp. “Nếu tình hình không được cải thiện, Ninh Bình sẽ rất nguy”. Sỹ cảm thán sau vòng 17.
Hỏi về nguyên nhân, Sỹ “toát” chẳng thể tìm ra những lý do cụ thể. Thời cầu thủ, Sỹ có tiếng là điềm đạm. Làm HLV, vẫn còn nguyên ở Sỹ cái tính chỉn chu, được lòng anh em cầu thủ. Nhưng ở Ninh Bình thời điểm này, có quá nhiều chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của cựu tuyển thủ Việt Nam.
Ngoại binh là yếu tố quyết định sự thành bại của các đội bóng Việt Nam. Ngoài cầu thủ gốc Phi, Hoàng Vissai, Ninh Bình còn có Gustavo, có Moussa, Ibrahim và John. Hoàng Vissai – sản phẩm của trào lưu nhập tịch, chơi mắc lỗi nhiều hơn các đồng nghiệp bản địa. Gustavo có tiếng bốc đồng, đá theo cảm hứng. Moussa trận được trận dở. Ibrahim chơi khá nhất nhưng đó là ở lượt đi. Sau màn trình diễn xuất sắc hồi đầu mùa, Ibrahim nhận được vô số lời chào mời hấp dẫn từ các đội bóng khác. Anh này ỷ thế làm mình làm mẩy, không chịu đá hết mình khiến tuyến giữa của Ninh Bình khốn đốn. John mới được bổ sung nhưng anh này, vốn từng chơi cho Ninh Bình từ hồi còn đá hạng Nhất, chẳng có gì là xuất sắc. Ngoại binh vì thế không thể là điểm tựa cho Sỹ “toát” thực hiện những tính toán chuyên môn. Cầu thủ nội của Ninh Bình không phải quá xoàng: Như Thành, Tiến Thành, Danh Ngọc, Mạnh Dũng, Văn Duyệt… toàn những tuyển thủ quốc gia. Nhưng xem Ninh Bình thi đấu, CĐV của họ phải ngao ngán mà bình luận: Tuyển thủ làng! Thể lực yếu, độ nhiệt không có, cầu thủ nội của Ninh Bình không đủ sức gánh nhiệm vụ.
Ở Ninh Bình, có thông tin rằng, vì tiền thưởng hẻo, cầu thủ nội – vốn là người tứ xứ, không có yếu tố màu cờ sắc áo - không chịu đá. Bản thân Văn Sỹ không tìm ra căn nguyên cơn bệnh, thì từ trên cao ông bầu Hoàng Mạnh Trường lại đang nhằm vào chính anh. Quân thua chém tướng, từ năm 2007, bầu Trường đã sa thải gần chục HLV khi có biến. Ninh Bình giờ chỉ còn hơn Hải Phòng. Văn Sỹ... đã nguy lắm rồi.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn