Chủ trương sai, xã nói có chỉ đạo từ huyện
Ngày 06/05/2016, UBND huyện Bố Trạch đã mời các cán bộ xã Hạ Trạch lên để giải quyết vụ việc nhằm ổn định tình hình. Sau khi có sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng TN&MT, BCH Đảng bộ xã Hạ Trạch đã thống nhất giao cho UBND làm thủ tục để rút 196 triệu đồng là tiền mà xã đã nộp tại kho bạc để trả lại cho các hộ dân đã tự nguyện nộp tiền. Ngày 10/05/2016, tại bản báo cáo số 21/BC-UBND của UBND xã Hạ Trạch, về “Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất Bàu”, UBND xã lại cho rằng, chủ trương này đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch và có sự tham gia của các phòng ban nghiệp vụ, từ đó Thường vụ Đảng ủy xã mới thống nhất đưa ra chủ trương thể hiện ở Nghị quyết ngày 01/07/2015 và Nghị quyết HĐND xã 04/2015/NQ -HĐND.
Rõ ràng, chủ trương UBND xã Hạ Trạch đã vạch ra để bắt ép các hộ dân vùng Bàu phải tự nguyện nộp 50 triệu đồng/1ha/50 năm là trái với quy định của pháp luật. Nhưng theo bản báo cáo ngày 10/05/2016 của xã này thì việc xã Hạ Trạch làm sai quy định này có sự đồng thuận của lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch.
Để làm rõ việc có hay không sự đồng thuận này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng TN&MT huyện Bố Trạch thì được ông Tuyển khẳng định: “UBND huyện Bố Trạch không ra chủ trương nào để UBND xã thu tiền 50 triệu/1ha đồng của dân vùng Bàu”.
Đất vùng bàu đang bị tạm thời không được sử dụng do các chủ trương của UBND xã Hạ Trạch.
Dân phải “thuê đất” trên chính đất của mình
Sau khi chủ trương “ép” dân tự nguyện nộp với số tiền là 50 triệu đồng/1ha không thành thì chính quyền xã lại bắt các hộ dân vùng Bàu phải thuê đất công ích với thời hạn 4 năm để được sử dụng đất canh tác.
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Văn Tri một nông dân vùng Bàu cho biết: Ngày 18/05/2016 UBND xã Hạ Trạch tổ chức họp 36 hộ vùng Bàu với sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Tuấn phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch. Tại hội nghị ông Tuấn có phát biểu việc làm của UBND xã là đúng, sẽ đem lại quyền lợi cho các hộ dân vùng Bàu ổn định sản xuất, rồi đây 24 hộ sẽ đạt được quyền lợi, còn 8 hộ không đồng thuận chủ trương trên thì sẽ mất quyền lợi, bị thu hồi đưa ra đấu thầu. Thế nhưng, ngay sau đó 1 ngày (tức ngày 19/05/2016), ông Tuấn lại ra thông báo rũ bỏ quyền lợi của người dân bắt dân phải thuê đất 5%, với thời hạn 4 năm, trong khi người dân đã khai hoang, cải tạo ổn định vùng này gần 20 năm.
Xin được nhắc lại nguồn gốc đất mà các hộ dân vùng Bàu đang sử dụng là đất mà các hộ dân này đã bỏ nhiều công sức, tiền của để cải tạo vùng đất đầm lầy hoang hóa này thành một vùng đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ. Đáng chú ý năm 1999 UBND xã Hạ Trạch đã thành lập 1 câu lạc bộ trang trại tại vùng Bàu này với sự tham gia của 36 hộ dân, do anh Nguyễn Văn Tri làm hội trưởng. Trong 36 hộ này có 17 hộ là thành viên của câu lạc bộ trang trại huyện Bố Trạch. Những hộ này đã được chủ tịch UBND huyện ký giấy chứng chỉ trang trại. Như vậy việc các hộ gia đình đã trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại đây là mang tính chất ổn định trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, tại Điều 59, 129, 126, 132 của Luật Đất đai và Nghị định 43/CP của Chính phủ đã chỉ rõ, trường hợp các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ổn định thì được Nhà nước cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.
Như vậy, căn cứ vào những nội dung trên thì trường hợp các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở vùng Bàu đã trực tiếp sản xuất ổn định từ năm 1998 đến nay phải được Nhà nước đảm bảo quyền lợi là chính đáng, đúng theo quy định của pháp luật.
Việc UBND xã Hạ Trạch và UBND huyện Bố Trạch buộc dân phải thuê đất công ích với thời hạn 4 năm là trái với quy định của pháp luật. Cần có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề và đưa lại cho người dân 1 câu trả lời chính xác, thỏa đáng nhất. Bởi với tình hình hiện nay đã mấy tháng trời xã ngang nhiên cấm đoán không cho một số hộ dân vùng Bàu cải tạo lại ao hồ dẫn đến cá chết hàng loạt, các con vật nuôi nhiễm bệnh nghiêm trọng, sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ trong khi cuộc sống của những hộ này phụ thuộc hoàn toàn vào những hoạt động sản xuất nông nghiệp trên vùng Bàu. Rồi đây cuộc sống của họ sẽ về đâu nếu tình trạng cấm đoán này cứ kéo dài và rồi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này?
Theo Nguyễn Cường - Bùi Tiến Bảo vệ pháp luật