Điều gì khiến Tùng Dương liều lĩnh mang một liveshow sang Paris?
Đó là sự đam mê và thử nghiệm. Tôi muốn mang Độc đạo và bản thân mình tới những nơi có khán giả yêu mến. Nhiều người bảo Tùng Dương làm gì cũng khéo léo và chắc chắn, nhưng sự thật không phải vậy. Tôi làm mọi thứ một mình, lên kế hoạch đường đi nước bước cũng một mình, những thứ mình làm vốn đã “độc đạo” nên bản thân phải có chút độc đoán, thành bại là mình chịu. Trong khi các ca sĩ khác còn đang ăn Tết thì tôi đã phải lên hết kế hoạch năm 2014 cho mình.
Tùng Dương trong show Độc đạo tại Hà Nội.
Tại Paris, chắc hẳn mọi thứ cũng phải khoác một màu sắc cổ kính?
Diễn tại Paris một nhà hát rất đẹp và cổ kính, ở đây có rất nhiều khán giả yêu mến Tùng Dương và Nguyên Lê. Tôi muốn mang chương trình sang đây vì một phần đã thành công tại Hà Nội. Tất nhiên, mang Độc đạo sang Paris không có nghĩa là tôi có ý định xâm nhập thị trường châu Âu hay làm những điều to lớn, chúng tôi muốn được chơi nhạc cùng nhau, đến với thứ âm nhạc mọi người cùng yêu thích.
Có phải anh cũng muốn tìm cho mình cơ hội được biết đến tại đây?
Đưa âm nhạc của mình đến với khán giả là đam mê và nghĩa vụ của người nghệ sĩ. Nhưng trở thành ngôi sao tại thị trường khác là điều vô cùng khó khăn, chúng ta cần phải bỏ ngay suy nghĩ mang chuông đi đánh xứ người, được biết đến và họ chấp nhận đã là điều may mắn. Tôi có may mắn khi quy tụ đủ các nhạc công xuất sắc tại Pháp trong nhóm của anh Nguyên Lê.
Dù khán giả của anh Nguyên Lê tại Pháp đã biết đến sự hợp tác này, nhưng dù sao, nó cũng là sự mạo hiểm, không đơn giản. Tôi cũng không hề đặt mục đích kiếm tiền, dù chương trình bán vé, cái chính là muốn xem khán giả nước ngoài họ hình dung về Tùng Dương và âm nhạc của tôi ra sao.
Thời gian anh ở nước ngoài ngang với ở Việt Nam.
Anh đánh giá sao về tạo hình của mình trên sân khấu, đôi khi khán giả thấy anh “múa may” hơi nhiều?
Ngôn ngữ tượng hình là điều rất hay, rất quan trọng với nghệ sĩ, nếu tôi không làm vậy, âm nhạc của tôi chưa chắc được thẩm thấu khán giả. Mọi người đã dần quen với phong cách Tùng Dương như vậy, một thứ âm nhạc tượng hình, mọi người có thể cảm nhận được qua thời gian.
Nhưng ngôn ngữ của “Độc đạo” vẫn ẩn chứa nhiều nhân sinh quan trừu tượng?
Đó là lí do tôi không chỉ dùng giọng hát. Tại sao có tên Thể đơn bào, Độc đạo, Con ốc… đấy là cái tôi muốn khán giả tìm hiểu. Giống như nhiều nghệ sĩ, trong các khung cảnh khác nhau, tôi có những sự trình diễn khác nhau cho phù hợp.
Người ta bảo anh ra nước ngoài làm vì nhà sản xuất trong nước hay trễ hẹn?
Tôi làm ở nước ngoài vì nhiều lí do, muốn tìm những cái mới, muốn khám phá mình, muốn những thể loại được mở rộng hơn, và cũng vì sự chuyên nghiệp, đúng hẹn của các nghệ sĩ nước ngoài. Nghệ thuật ở một mặt khác cũng là công việc, tôi tự lên kế hoạch, tìm nguồn chi phí, trả tiền, và nhận được những sản phẩm đúng hẹn. Cả lần làm việc với nghệ sĩ Nguyễn Công Phương Nam cùng Li ti và Nguyên Lê cùng Độc đạo, tôi đều thấy hài lòng.
Nghệ sĩ Nguyên Lê tại Pháp dường như là sự hứng khởi vô bờ của anh thời điểm này?
Tôi nhìn thấy ở anh ấy những điều mình mong muốn, kì vọng, và khơi gợi bản thân mình. Nguyên Lê cho thấy một giá trị tiếp quản, âm nhạc luôn luôn phải quay về bản thể, có thể phiêu lưu, nhưng không bao giờ quên được nơi bắt đầu, đi xa để rồi quay về.
Luôn theo đuổi cá tính và sự lập dị
Thế còn Lưu Hà An, Sa Huỳnh, 2 người, 1 già, 1 trẻ, mà anh luôn trân trọng sự kết hợp với họ?
Phiêu lưu qua nhiều miền nhạc sĩ khác nhau, 2 nhạc sĩ này vẫn là người tôi luôn trân trọng. Lưu Hà An là người gọi điện khuyên Tùng Dương dự thi SMĐH, nếu không thì tôi cũng không có ý định đến với một cuộc thi nào cả. Trong một ngày đẹp trời, Lưu Hà An lại gọi điện, muốn Tùng Dương thu demo để hát hộ bài Con cò, đó là một dấu ấn khác của tôi. Còn Sa Huỳnh, cô ấy là một trong những nữ nhạc sĩ có lối viết tốt, 1 người nghệ sĩ có thông điệp đàng hoàng, có tính tư tưởng cao hơn, điều đó ở một người trẻ, lại là tác giả trẻ là rất đáng quý.
Cảm ơn anh với cuộc trò chuyện này!Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn