Minh họa: |
Trở lại với Hà Tĩnh cách đây 4 năm, khi Sở GD-ĐT quyết tâm “học thật, thi thật”, kỷ cương trường thi được siết chặt với đúng nghĩa: nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Giáo viên phấn khởi vì từ đây, học trò sẽ lo học, lo thi, những giờ giảng cả thầy và trò sẽ say sưa hơn.Thời điểm ấy, phóng viên Báo Hà Tĩnh được huy động gần cả chục người đi hết các hội đồng thi cũng như nắm bắt dư luận từ phụ huynh và học sinh đều có chung nhận xét: Kỳ thi thật sự nghiêm túc. Kết quả thật là 74 % thí sinh đậu. Nhưng cũng năm ấy, phụ huynh và học sinh lên tiếng oán trách ngành vì con em “rớt” nhiều. Hà Tĩnh cũng thấy hụt hẫng trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Tây Nam bộ tỷ lệ đậu vẫn trên 90%,thậm chí gần 100%. Trong các cuộc họp ở Bộ, Hà Tĩnh trở nên thua em kém chị. Rồi kỳ họp HĐND tỉnh năm 2009, Giám đốc Sở Nguyễn Khắc Hào phải giải trình những ý kiến chất vấn của cử tri gừi lên kỳ họp. Dù đã rất vững vàng với quan điểm và cách làm của mình nhưng cuối cùng do không được Bộ cổ xúy, không được tỉnh đồng tình và xã hội không chấp nhận, lãnh đạo ngành GD đành buông xuôi, để căn bệnh thành tích lấn lướt. Và 2 năm học tiếp theo là những tỷ lệ “đẹp” dù không thực chất: 97, 98%. Năm học 2011-2012 là 99, 36%.
Đã là người trong ngành, không ai không biết vì sao có con số tốt nghiệp cao đến thế, trong khi thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh không chịu học các môn xã hội, một bộ phận khác đang dồn sức cho 3 môn thi ĐH. Bên cạnh đó, nhiều học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không chuyên tâm vào việc học. Một số không ít bị “mất gốc” từ những lớp dưới nên đi học ngồi nghe “như vịt nghe sấm”. Chính vì thế, để có con số 99, 36% là điều không thể, nếu như không có chuyện quay cóp, chép bài của nhau, trao đổi bài, thậm chí nhận bài từ giám thị..trong kỳ thi vừa qua. Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT, dù không nói ra nhưng nhiều người tự quy ước ngầm: mình lỏng cho trò người để người ta cho trò mình “dễ thở “ mà làm bài, cuối cùng ai cũng đậu, trường nào cũng đậu cao. Dù cho việc ôn thi đã được cả thầy lẫn trò làm kỹ, đề thi đúng trọng tâm chương trình và không quá khó thì tỷ lệ phản ánh thực chất trình độ năng lực học sinh cũng không thể là 99,36%.
Phải chăng “bệnh” thành tích đã trở thành trầm kha, không có thuốc chữa của toàn xã hội, ngay cả khi ngành GD quyết tâm muốn chữa cũng không được ?. Tại sao không ai muốn chấp nhận sự thật khi nó cứ rành rành, hiển nhiên? Phụ huynh thì hân hoan khi con mình đậu TN, đậu cao, dù lực học chỉ trung bình, thậm chí yếu. Trường nào trong bản báo cáo thành tích cũng có đưa vào tỷ lệ TN THPT, dù biết rằng nó không phải thực chất, dù sau đó tỷ lệ đậu ĐH rất thấp.
Thực tế hiện nay, nhiều công nhân tay nghề cao trong các nhà máy, công xưởng ở Miền Nam chỉ học đến lớp lớp 9 ( hệ 12 năm) và lớp 7, thậm chí lớp 4 (hệ 10 năm). Nhiều người trong số này không chỉ đứng máy giỏi mà còn chế tạo được cả máy móc, thiết bị. Cũng từ công tác phân luồng, gần đây một số học sinh chưa tốt nghiệp lớp 12 do được đào tạo nghề sau THCS nên vẫn được nhận vào các nhà máy, phân xưởng, cơ sở sản xuất, tổ hợp lao động CN-TTCN làm việc và có mức lương đảm bảo đời sống. Một số khác thì đi giúp việc nhà, cày cấy, lao động phổ thông trong và ngoài nước, tấm bằng TN THPT chẳng bao giờ ngó tới.
Nhiều nhà giáo tâm huyết và có kinh nghiệm lâu năm, có trình độ quản lý cao trong nghề cho rằng: Với tình hình này, đã đến lúc cần xét TN THPT, như đã làm với bậc THCS, bởi trình độ THPT giờ đây đang được phổ cập. Các kỳ thi cần giữ lại là thi vào lớp 10 THPT, lớp 10 chuyên THPT, thi Đại học. Có bỏ kỳ thi TNTHPT thì mới thật sự xóa bỏ được căn bệnh thành tích đã trở nên trầm kha đồng thời giảm áp lực thi cử, giảm một nguồn kinh phí không nhỏ cho Nhà nước và phụ huynh, giảm cả những tai nạn đáng tiếc do đi lại. Các nhà trường sẽ tự chịu trách nhiệm về chất lượng của học sinh qua kết quả của kỳ thi Đại học, Cao Đằng, THCN.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn