Trường nghề “ngồi trên lửa” vì tuyển sinh khó

Thứ tư - 02/05/2018 02:16
Mùa tuyển sinh 2017 đã chính thức bắt đầu. Đây là năm đầu tiên các cơ sở đào tạo nghề hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong khi nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành, các trường nghề như đang "ngồi trên đống lửa" vì tuyển sinh vốn đã khó nay càng khó hơn.

Thiếu văn bản hướng dẫn, các trường nghề như đang “ngồi trên đống lửa” vì tuyển sinh trường nghề vốn đã khó, nay càng khó hơn. Ảnh: HH

Đụng đâu cũng vướng

Theo Thông tư quy định về quy chế tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) mà Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành, các trường CĐ được tự xây dựng quy chế tuyển sinh cho mình và có thể tuyển sinh quanh năm; các trường được toàn quyền quyết định hình thức tuyển sinh, tự xác định chỉ tiêu... Cơ chế mở là vậy nhưng nhiều trường cho biết họ vẫn rất khó tuyển sinh vì đụng đâu cũng vướng.

Ông Vũ Văn Đoan, Hiệu trưởng Trường CĐ Thủy lợi Bắc bộ Hà Nam bày tỏ lo lắng: Hiện đã vào mùa tuyển sinh mà nhiều trường lại chưa được cấp phép hoạt động do chuyển đổi cơ quan quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sang Bộ LĐ-TB&XH. Ông Đoan đặt câu hỏi: Chưa được cấp phép thì có được quảng cáo để tuyển sinh không? Tổng cục Dạy nghề nói được tuyển sinh quanh năm, nhưng giờ hết quý I rồi mà tôi thì không dám chắc quý II các trường đều được cấp phép. Vậy thì các trường có thể tuyển sinh vào lúc nào?

Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường CĐ Dược Hải Dương tỏ ra hoang mang vì Bộ GD&ĐT đã mở Cổng Thông tin tuyển sinh từ 1/4 để thí sinh vào tìm kiếm thông tin và đăng ký dự tuyển, trong khi các trường nghề thì mới chỉ có cuốn những điều cần biết. Cẩm nang tuyển sinh cũng vừa mới ban hành.

"Mùa tuyển sinh năm ngoái, thí sinh có mẫu phiếu số 2 để đăng ký với trường. Năm nay, khi về Bộ LĐ-TB&XH, trong mẫu đăng ký của Bộ GD&ĐT không có mã các trường CĐ để thí sinh đăng ký. Nhiều sở GD&ĐT gọi điện phàn nàn thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường nhưng không có mã để nhập...” - bà Hường cho hay.

Bà Hường đề nghị Tổng cục Dạy nghề có giải pháp cấp bách, truyền thông tới người học đăng ký trực tiếp về các trường. Nếu không, với tình trạng này, công tác tuyển sinh dạy nghề sẽ càng khó khăn hơn.

Còn đối với các trường nghề đặc thù như Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật thể thao du lịch Hà Tĩnh thì công tác tuyển sinh cũng gặp vô vàn khó khăn. Ông Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng cho biết: Tuyển sinh với trường nghề khó muôn thửa, nhưng đối với trường ghề có đặc thù mà lại ở địa phương thì còn khó khăn hơn rất nhiều.

Ông Hồ Việt Anh nói: Theo quy định dạy nghề, 1 lớp thường có từ 15 - 18 học sinh hoặc 25 - 30 học sinh. Nhưng có 1 loại hình rất đặc thù chỉ có 1 học sinh/lớp. Ví dụ  dạy đàn ghita, đàn piano... Vậy với loại này kinh phí đào tạo sẽ như thế nào? Nếu thu tiền của học sinh thì thu bao nhiêu? Đến nay vẫn không có hướng dẫn cụ thể.

“Bộ LĐ-TB&XH quy định đầu vào TC chuyên nghiệp là từ học sinh tốt nghiệp THCS, diện này vào học nghề được miễn học phí. Vậy với loại hình trường tuyển học sinh tiểu học đi học nghề thì như thế nào có được miễn học phí không? Mối quan hệ giữa Bộ GD&ĐT và Tổng cục Dạy nghề đối với loại hình đặc thù này ra sao, hiện vẫn chưa có hướng dẫn”, ông Hồ Việt Anh băn khoăn.

Một vướng mắc nữa mà ông Hồ Việt Anh nêu ra là vấn đề kinh phí đào tạo cho loại hình này không chỉ tiền giảng dậy cho giáo viên mà đi kèm theo nó là thiết bị dạy học có kinh phí rất lớn. Ông Việt Anh lấy dẫn chứng như đàn piano, cái rẻ nhất để có thể dạy được cũng phải trên dưới 100 triệu. Vậy các trường địa phương có giảng dạy loại hình này không? Nếu dạy ai sẽ giúp địa phương giải quyết bài toán kinh phí?

Cần sự trợ giúp của Nhà nước

Lãnh đạo nhiều trường nghề cho biết, hàng năm, họ phải triển khai nhiều chính sách riêng nhằm thu hút học sinh, như miễn giảm học phí, học bổng đối với những ngành nghề độc hại, khó tuyển sinh, nghề trọng điểm quốc gia; bắt tay với doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra, cam kết hoàn tiền nếu không có việc… Tuy cố gắng là vậy nhưng số trường hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh không lớn. Năm 2016, có tới 8 tỉnh chỉ tuyển được dưới 100 sinh viên CĐ nghề, thậm chí có 4 tỉnh (Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum) còn lâm tình cảnh “trắng” sinh viên.

Ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên cho biết: Các giải pháp các trường đặt ra chỉ là đơn lẻ không giải quyết được mấu chốt vấn đề. Đã là quản lý Nhà nước thì phải có bàn tay của Nhà nước tác động vào.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, các trường CĐ khi còn ở Bộ GD&ĐT cũng đã rất khó khăn trong tuyển sinh, nên những khó khăn hiện nay vẫn sẽ là các khó khăn cũ. 

Để giải bài toán nay, ông  Minh cho rằng: Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ hơn trong tuyển sinh đối với từng trình độ đào tạo. Chẳng hạn, trình độ đại học, trong những năm tới cần bao nhiêu nhân lực, chứ như bây giờ chúng ta không nắm được để định hướng người học theo nhu cầu.

“Quan điểm của tôi, đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Ở đây, vai trò của Nhà nước là xác định nhu cầu của thị trường lao động, ngành nghề cần nhiều nhân lực trong thời gian tới. Khi đó, tự người học sẽ định hướng vào những lĩnh vực này. Trong thời kỳ quá độ này, Nhà nước nên có chính sách để thu hút người học vào giáo dục nghề nghiệp như chính sách miễn giảm học phí, học bổng đối với những ngành nặng nhọc độc hại hay nghề trọng điểm của quốc gia phải có nguồn nhân lực để đáp ứng…”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Thanh tra

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây