Trùm ma tuý thành Vinh mang danh người chết hòng trốn tội

Thứ sáu - 09/06/2017 01:00
Thoát hiểm trong gang tấc, trùm ma túy thành Vinh Trần Văn An thay tên đổi họ, phẫu thuật chỉnh lại khuôn mặt để đối phó với việc phát hiện bắt giữ. Nhưng bản chất liều lĩnh của một ông trùm khét tiếng thì không đổi. Với vỏ bọc mới, Trần Văn An tiếp tục quay trở lại con đường buôn bán ma túy trước đây. 12 năm sau khi trốn truy nã, trùm ma túy trong đường dây của “bố già” Xiêng My cuối cùng đã sa lưới trong một phi vụ vận chuyển 3 bánh heroin…

Kết cục của những kẻ buôn "cái chết trắng"

Năm 1998, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra xét xử vụ án Xiêng My cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy. 8 đối tượng bị truy tố trước vành móng ngựa gồm Thao Xiêng My, Bua Phẳn Trang Tha Lang Xỉ, Phou Viêng Keo My Say, Nang Xỏm, Nguyễn Quang Thịnh tức Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Thị Lan (vợ Trần Văn An), Nguyễn Ngọc Miết (tức Nguyễn Thị Giang). Có 6 án tử hình đã được tuyên.  Xét vai trò của Nang Xỏm và Nguyễn Thị Lan là những kẻ bị chồng lôi kéo vào con đường phạm tội, Tòa tuyên hai bị cáo  án tù chung thân.

Cho đến ngày xét xử, có 2 "bố già" đã trốn thoát là Đoàn Văn Việt (tức Việt “toe”) và Trần Văn An (tức An "điên"). Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã các đối tượng này.

Sở dĩ vụ án được Công an Hà Nội khám phá nhưng lại xét xử tại Hà Tĩnh bởi sau khi khám phá thành công đường dây ma túy của Xiêng My, xét thấy việc bắt giữ các đối tượng phạm tội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục điều tra, truy tố theo thẩm quyền.

Cho đến ngày xét xử, trực tiếp đồng chí Trần Hữu Viễn, trinh sát có công phát hiện đường dây ma túy này từ những ngày đầu cùng  đồng chí Nguyễn Tiến Dũng -  Phó trưởng phòng CSKT Công an Hà Nội đã vào dự phiên tòa. Phiên tòa kéo dài gần một tuần. Đến ngày tuyên án, do số bị cáo đông nên để có được bức ảnh chụp đủ  các đối tượng trước vành móng ngựa, đồng chí Viễn phải mất công chụp 2 lần ở hai bên cửa, sau đó về ghép lại. Mỗi lần đồng chí Viễn giơ máy ảnh lên, mặc dù đang nghe tuyên án nhưng tất cả các bị cáo đều ngoảnh đầu nhìn và ra hiệu chào cán bộ với thái độ vui vẻ. Hành động của các bị cáo khiến những cán bộ làm nhiệm vụ dẫn giải và Hội đồng xét xử ngạc nhiên.

Ông trùm Trần Văn An (đeo kính) trong một lần đi chơi cùng vợ con trước khi bị bắt và 12 năm sau trước vành móng ngựa.

Tuyên án xong, trên đường dẫn giải ra xe trở về trại giam, ông trùm Xiêng My, Phou Viêng và Bua Phẳn còn giới thiệu với cán bộ dẫn giải rằng chính đồng chí Viễn là cán bộ đã bắt giữ chúng. Hỏi vì sao không "thù" cán bộ, chúng bảo rằng quá trình bắt giữ và dẫn giải từ Hà Tĩnh, Nghệ An ra Hà Nội, chúng đã được đối xử rất tốt. Trên chặng đường nghỉ chân, cán bộ ăn gì, chúng cũng được ăn như vậy. Khi vào quán ăn dọc đường, chúng được mở còng tay, ngồi cùng bàn ăn. Còng được tế nhị chuyển xuống chân và có cán bộ ngồi hai bên giám sát nên những người xung quanh không nhận ra chúng là những tên tội phạm nguy hiểm đang bị bắt giữ.

Thượng tá Trần Hữu Viễn kể lại rằng, vào thời điểm vụ án được khám phá, trang thiết bị của  CBCS Công an nói chung và của Đội Cảnh sát phòng chống ma túy Phòng CSKT Công an Hà Nội  còn rất khó khăn. Thời điểm bắt giữ vợ chồng trùm ma túy Xiêng My tại khách sạn Bến Thủy, thu giữ được 2 máy điện thoại di động hiệu Nokia. Cầm chiếc điện thoại tang vật, nhiều trinh sát "phát thèm" vì lần đầu tiên được chạm vào.

Trong khi đó, trong suốt thời gian gần 2 tuần bám trụ khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) để đón lõng chuyến hàng 20 bánh hêrôin do Phou Viêng và Bua Phẳn vận chuyển sang, cả đoàn công tác 10 đồng chí chỉ có vỏn vẹn 5 triệu đồng.  Bộ đàm thì không sử dụng được do khoảng cách quá xa, không có trạm tiếp sóng vì đường rừng núi hiểm trở. Để gọi một cuộc điện thoại cố định mất 50.000 đồng/phút mà cũng chỉ duy nhất có 1 trạm điện thoại của bưu điện ở cửa khẩu. Đến ngày thứ 9, khi cả đoàn chỉ còn 170.000 đồng, hai đồng chí được phép về Hà Nội để lấy thêm kinh phí thì may mắn, những kẻ vận chuyển ma túy đã xuất hiện.

Khó khăn vất vả như vậy nhưng quá trình dẫn giải các đối tượng về Hà Nội và những buổi ghi lời khai, các ông trùm ma túy được cán bộ đối xử chu đáo, ăn uống thịnh soạn hơn bữa ăn ngày thường của CBCS. Chính ông trùm Xiêng My đã phải thừa nhận rằng hắn có tội với Nhà nước Việt Nam mà vẫn được cán bộ đối xử như vậy thì cần phải thành khẩn khai báo. Việc chúng gây ra tội thì phải chịu tội là điều đương nhiên.

Ông trùm Trần Văn An và cuộc chạm trán bất ngờ sau 12 năm

Những kẻ trong đường dây ma túy của ông trùm ma túy Xiêng My lần lượt chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đối với người dân phường Hồng Sơn, TP Vinh (Nghệ An), vụ việc hai vợ chồng ông chủ doanh nghiệp đồ gỗ Trần Văn An bị lật tẩy là trùm ma túy gây xôn xao một thời gian, cũng dần lắng xuống và trôi vào quên lãng. 12 năm trôi qua, không ai còn nhắc đến cái tên An "điên" khét tiếng một thời nữa.

Nhưng đối với Cơ quan Công an thì cái tên Trần Văn An vẫn luôn là mục tiêu phải truy tìm. Chưa bắt được ông trùm ma túy thành Vinh này thì vẫn là một "món nợ". Thế nhưng, trong suốt thời gian dài, Công an Hà Nội và các tỉnh đã mất nhiều công sức truy tìm, trùm ma túy An "điên" vẫn bặt tăm.

Phiên tòa xét xử Xiêng My và đồng bọn tại Hà Tĩnh năm 1998.

Cho đến một buổi tối  ngày 13/2/2009. Trên đường tuần tra, Đội tuần tra kiểm soát giao thông 148 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một chiếc taxi phóng như điên trên đường đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra vì lỗi chạy quá tốc độ. Trong lúc các chiến sĩ CSGT đang kiểm tra giấy tờ xe, vị khách nam giới tóc muối tiêu  ôm chiếc túi du lịch phía trước mặt mũi lấm lét có nhiều dấu hiệu khả nghi nên CSGT yêu cầu ông này xuất trình giấy tờ, đồng thời kiểm tra hành lý của ông ta.

Kiểm tra trong túi, ngoài một số quần áo, Cơ quan Công an phát hiện một bịch nylon màu đen bọc kín, bên trong là… 3 bánh hêrôin còn bọc giấy nến. Ngoài ra, còn có 2,1gr cocain, 1 cân điện tử mini, 1 máy tính casio và 300USD.  Ngay sau đó, Đội tuần tra lập biên bản vụ việc, báo cáo về lãnh đạo phòng và Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Đối tượng và tang vật được đưa về bàn giao cho Phòng CSĐT TP về ma túy Công an tỉnh Nghệ An để điều tra.

Tại Cơ quan điều tra, người đàn ông này đưa ra một giấy chứng minh nhân dân và một giấy phép lái xe rồi khai tên là Đinh Quang Thuận (SN 1960, nguyên quán ở Đồng Tháp; trú tại 490 Hàm Tử, phường 6, quận 5, TP HCM). Thuận giải thích số ma túy trên là do một người đàn ông tên là Phong ở huyện Quế Phong nhờ xách giùm về Vinh và y không biết đó là... ma túy (?)

Phòng CSĐT TP về ma túy Công an Nghệ An đã cử một tổ công tác lên đường vào TP HCM để xác minh về Đinh Quang Thuận. Kết quả là, người có tên và địa chỉ như trên đã… chết. Tổ công tác đã phải ra tận nghĩa trang để xác định mộ chí của người này. Như vậy, kẻ bị bắt đã khai láo.

Tiếp tục thu thập, xác minh về người đàn ông này, cuối cùng PC47 Công an Nghệ An đã phát hiện ông ta có dấu vân tay khớp với vân tay của ông trùm ma túy thành Vinh Trần Văn An. Dù rằng khuôn mặt của trùm ma túy đã có nhiều thay đổi nhưng dấu vân tay thì không một ai có thể thay đổi được. Khi bị đọc đúng tên tuổi, địa chỉ, trùm ma túy này gục đầu hiểu rằng ngày cùng của hắn đã đến. Trần Văn An khai nhận CMND mang tên Đinh Quang Thuận là do y mua tại một tiệm cầm đồ ở TP HCM rồi dán ảnh mình lên.

An "điên" khai rằng đêm mồng 9 rạng ngày 10/4, khi Cơ quan Công an đồng loạt khám xét, bắt giữ những kẻ trong đường dây buôn bán ma túy của "bố già" Xiêng My thì An đang ở TP HCM. Biết công an khám nhà và bắt giữ vợ là Trần Thị Lan, An vừa run sợ, vừa thương 3 đứa con còn nhỏ dại. Thế nhưng quay trở lại đồng nghĩa với việc bị bắt, mà tội lỗi mà An gây ra thì không thể thoát khỏi án tử hình.

Thời gian đầu mới chạy trốn truy nã,  có lúc An phiêu dạt sang nước ngoài, sau đó tìm cách về Việt Nam, sống chui lủi tại các tỉnh phía Nam. Để tránh bị nhận dạng, An "điên"  đã đi phẫu thuật thẩm mỹ sửa một vài chi tiết cho gương mặt khác đi. Với tấm CMND mới mua ở một hiệu cầm đồ và thay đổi chỗ ở liên tục, An "điên" đã không bị phát hiện.

Thế nhưng, dù có tinh vi đến mấy thì cũng như các đối tượng trốn truy nã khác, "bố già" Trần Văn An cũng không thoát được tâm trạng sợ hãi, lo lắng, bất an luôn thường trực, ngay cả trong giấc ngủ. Trần Văn An nói rằng 12 năm trốn chạy, thần kinh của hắn lúc nào cũng căng như dây đàn. Chỉ cần một ánh mắt dò xét của ai đó cũng khiến hắn giật thót, toát mồ hôi. Ở đâu cũng chỉ được vài hôm, hắn lại chuyển đến nơi khác.

Cuộc sống của một kẻ trốn tránh pháp luật khiến hắn mệt mỏi. Nhiều lúc, hắn muốn trở về nhà, xem 3 đứa con sinh sống thế nào, hỏi thăm tình hình vợ hắn đang thụ án tù chung thân ra sao. Nghĩ đến vợ, hắn thấy ăn năn vì suy cho cùng thì hắn chính là kẻ đã đẩy vợ vào tù. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng hắn nghèo lắm. Khi sinh đứa con đầu lòng, nhà không có nổi một chiếc giường, vợ hắn phải ôm con nằm võng.

Cái nghèo khiến cho Trần Văn An quyết tâm làm giàu. Thế nhưng công việc buôn bán gỗ qua biên giới, dù rằng đã giúp cho cuộc sống của gia đình hắn khấm khá hơn trước nhưng không thể giàu nhanh như ước muốn của hắn. Vậy là An bất chấp, tìm cách móc nối với những kẻ buôn ma túy.

Thời gian đầu khi chưa quan hệ làm ăn với ông trùm Xiêng My, từ những năm 1996, Trần Văn An trực tiếp sang Lào tìm nguồn ma túy để mang về Việt Nam, vào TP HCM bán cho Nguyễn Ngọc Hiếu tức Nguyễn Quang Thịnh. Ban đầu "hàng trắng" còn chưa nhiều, An buôn chủ yếu là "cơm đen" (thuốc phiện). Nhưng thứ "hàng" này cồng kềnh, dễ bị phát hiện nên chỉ một thời gian ngắn, hắn tiếp cận nguồn hêrôin, vừa gọn nhẹ, lại lãi cao. Để tránh bị phát hiện, hắn thỏa thuận với Nguyễn Ngọc Hiếu chuyển tiền qua tài khoản của công ty. Người nhận tiền là Trần Thị Lan, vợ của An.

Thời điểm năm 1996, tiền mà Hiếu chuyển vào tài khoản của vợ chồng An "điên" đã lên đến hàng tỉ đồng. Lúc đầu, Trần Thị Lan chưa biết việc buôn bán ma túy của chồng. Thế nhưng sau này khi An "điên" móc nối với trùm ma túy Xiêng My thì thị biết. Đó là những chuyến hàng mà Bua Phẳn và Phou Viêng vận chuyển sang. Khi những kẻ vận chuyển này đến nhà, Lan là người trực tiếp lấy tiền thanh toán.

Thế nhưng với một kẻ chuyên làm ăn lớn như Trần Văn An, những năm tháng trốn chạy không làm cho bản chất "bố già" của hắn thay đổi. Việc thay tên đổi họ, chỉnh sửa mặt mũi, đội lốt một người đã chết không chỉ để che giấu thân phận mà với ông trùm ma túy này, đó còn là mục đích để hắn tham gia vào một đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy mới. An liều lĩnh quay trở lại Nghệ An, tìm nguồn ma túy rồi trực tiếp đưa vào TP HCM tiêu thụ.

Ngày 18/9/2009, với hành vi vận chuyển, buôn bán 3 bánh heroin, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa Trần Văn An ra xét xử. Trùm ma túy bị tuyên mức án chung thân, sau đó An được chuyển giao cho các cơ quan chức năng  của tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục xét xử về hành vi vận chuyển, mua bán 74 bánh heroin với Xiêng My và đồng bọn. Ngày 25/11/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã  tuyên án tử hình đối với Trần Văn An.

Sáng 1/6/2010, Hội đồng thi hành án tỉnh Hà Tĩnh đã thực thi bản án tử hình đối với Trần Văn An. "Bố già" khét tiếng thành Vinh trong đường dây ma túy của Xiêng My, cuối cùng đã phải trả giá

Theo antg.cand.com.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây