Ảnh minh họa |
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, người dân có quyền trực tiếp tham gia giám sát quá trình phân bổ và sử dụng đất đai của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thi hành quy định này.
Mới đây, Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp trực thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã xây dựng và triển khai thí điểm Bộ chỉ số giám sát quản lý và sử dụng đất. Thông qua đó thể hiện vai trò giám sát phân bổ và sử dụng đất đai của người dân các địa phương.
Bộ Chỉ số Giám sát quản lý và sử dụng đất được triển khai trong Dự án Xây dựng khung chính sách để thực hiện hiệu quả tái phân bổ nông lâm trường ở Việt Nam. Bộ Chỉ số được xây dựng trên cơ sở của Luật Đất đai 2013, Nghị quyết số 30/TW năm 2014 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp… Mục tiêu Dự án nhằm đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến thu hồi và tái phân bổ đất do công ty lâm nghiệp bàn giao lại cho địa phương hướng tới tăng cường quản lý bền vững và tiếp cận công bằng nguồn đất rừng cho các nông hộ nhỏ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Đánh giá về Bộ chỉ số này, ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho hay, đây là một trong những ví dụ về việc từ tư duy định tính sang tư duy định lượng. Theo đó, Bộ Chỉ số này và cụ thể trong trường hợp này đã làm được việc đó là đã đánh giá cụ thể việc chuyển từ đất nông lâm trường giao cho địa phương và khi đó địa phương sẽ xử lý như thế nào.
Bộ Chỉ số này được xây dựng dựa trên cơ sở ý kiến đánh giá của người dân, cán bộ địa phương thông qua 5 chỉ số giám sát gồm: Sự tham gia, trách nhiệm, minh bạch, tác động ảnh hưởng và công bằng. Kết quả của quá trình này sẽ góp phần đánh giá người dân địa phương có được quyền tham gia giám sát hay không, họ đang bức xúc vấn đề gì nhằm có hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nhiều ý kiến cho hay, trước khi dự án chưa triển khai, người dân tại khu vực dự án chưa hiểu biết nhiều về giám sát đất đai, sau khi triển khai thì nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các trường hợp đo đếm chưa rõ, chậm chễ trong việc cấp sổ đỏ cũng đã được ban giám sát kiến nghị, và được tiếp nhận bởi tổ chuyên viên địa phương.
Ông Nguyễn Minh Bình – Đại diện tổ giám sát Xuân Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh chia sẻ: Quá trình thực hiện dự án, tổ giám sát đã giúp 29 hộ dân nhận sổ đỏ sai thông tin cá nhân, diện tích đất được sửa đổi lại. Đây là 1 minh chứng về sự hữu ích của tổ giám sát. Tổ giám sát đã thực sự trở thành cánh tay nối dài của chính quyền, trở thành cầu nối giữa người dân và địa phương.
Hiện việc triển khai thí điểm đang được thực hiện tại 5 địa phương là Yên Bái, Bắc Giang, Nghệ An, Đắc Nông, Cà Mau. Theo các chuyên gia cần nhanh chóng triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước bộ chỉ số này để đảm bảo quyền giám sát của người dân theo quy định của pháp luật. “Phải có thông tin cho các địa phương, kể cả người quản lý và người sử dụng đất để họ thấy rằng cần phải áp dụng bộ chỉ số, hiểu được vậy bộ chỉ số mang lại lợi ích gì để họ tích cực tham gia vào quá trình này”, ông Nguyễn Thế Dũng – Chuyên gia Dự án Quản trị đất đai tiểu vùng sông Mê-Kông (MRLG) nêu ý kiến.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 năm 2016 - 2017, Bộ này đã lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của người dân và doanh nghiệp. Kết quả, đã tiếp nhận 3.045 trường hợp phản ánh, trong đó, phản ánh qua đường dây nóng 2.824 trường hợp, phản ánh qua báo chí 221 trường hợp; đã xem xét, xác định được 961 trường hợp phản ánh rõ nội dung vi phạm pháp luật đất đai, có địa chỉ cụ thể để xử lý và đã ban hành 961 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương kiểm tra giải quyết theo thẩm quyền. Ngoài ra, còn có 199 trường hợp ban hành văn bản hướng dẫn người phản ánh theo quy định của pháp luật. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn