Trần tình của chủ nhà trọ về quy định khiến "SV khốn khổ"

Thứ tư - 02/05/2018 01:16
Đọc bài “Sinh viên khốn khổ vì "luật riêng" của chủ nhà trọ”, có thể phần nào thông cảm bởi ở thuê không được tự do, thoải mái như ở nhà. Nhưng đã bao giờ các em tìm hiểu tại sao chủ nhà trọ lại có những quy định khắt khe như vậy?
Ông Tiến (Triều Khúc, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có 15 phòng trọ, mỗi phòng 2-4 sinh viên, được trang bị tiện nghi đầy đủ nên việc quản lý không đơn giản. Ngày trước tôi cũng có công việc riêng, giờ phải nghỉ hẳn để quản lý khu trọ này. Lúc đầu tôi cũng khá thoải mái với các cháu, nhưng nhiều cháu ý thức quá kém gây ảnh hưởng đến cả khu trọ.

Ông Tiến dẫn dụ, mỗi cháu được giao một chìa khóa cổng, ra vào phải khóa cửa, nhưng nhiều khi chỉ biết mở mà quên khóa. Vì vậy mà trộm lẻn vào lấy đi phương tiện di chuyển của sinh viên. Lúc ấy chưa lắp camera, không tìm ra được ai, tôi là người phải đứng ra đền.

Hoặc, trước mỗi phòng đều có một thùng rác riêng, tôi yêu cầu mỗi ngày đổ rác một lần. Vậy nhưng chỉ được mấy hôm đầu, sau ấy thì cả tuần, thậm chí nửa tháng mới đổ rác, mùi bốc ra rất khó chịu, ảnh hưởng đến các phòng khác. Cầu thang, hành lang đi lại không ai quét bao giờ.Dường như phòng nào quét phòng ấy, còn đường đi chung thì… không cần.

"Còn hành lang mỗi tầng đều có 2 bóng đèn, tôi giao nhiệm vụ phòng nào gần bóng nào thì quản lý bóng đó, tắt ngay sau khi dùng. Nhưng các cháu không làm theo, dẫn đến lãng phí điện, lại cháy nhiều bóng vì bật liên tục ngày đêm, rồi kêu tôi thay bóng mới. Dù coi các cháu như con, nhưng nhiều khi ý thức của chúng kém quá cũng bức xúc" - ông Tiến phân trần.

Sinh viên tìm được một chỗ trọ ưng ý không phải dễ (Ảnh minh họa)

Để khắc phục tình trạng này, ông Tiến đã đề ra nhiều biện pháp để quản lý và nâng cao an ninh khu trọ. Cụ thể: Ông lắp camera quan sát ở cổng ra vào và nhà xe, ai không khóa cổng hoặc để người lạ mở cửa ra vào tự do sẽ lập tức bị nhắc nhở.

Sinh viên khu trọ có thể ra vào thoải mái trong ngày, nhưng từ 23h, ông khóa cửa bằng khóa riêng, đến 6h sáng hôm sau mới mở, về muộn hơn không được vào. Chỉ những ai có việc rất gấp và đột xuất, lý do chính đáng mới được ông mở cửa ra vào sau 23h. Khách đến nhà trọ chơi không được cười nói lớn, mở nhạc to gây ồn ào, nếu ngủ qua đêm phải thông báo với chủ nhà, đặc biệt không được để bạn khác giới đến ngủ chung… Hàng ngày ông đều đi kiểm tra, phòng nào ăn ở mất vệ sinh hay làm trái quy định đều bị nhắc nhở. Đồ đạc của phòng do cũ hỏng, được thay thế miễn phí. Tuy nhiên, nếu đồ mới mà không biết giữ gìn làm hỏng, sẽ bị tính vào tiền nhà tháng ấy.

“Những quy định này sẽ là gò bó với những cháu mải chơi và ý thức kém. Cũng có sinh viên chỉ ở được thời gian ngắn, kêu chủ nhà khó tính và chủ động chuyển đi. Không ít lần tôi là người yêu cầu chúng thuê chỗ khác, vì ý thức kém quá, ảnh hưởng đến cả khu trọ” – ông Tiến tâm sự.

Bà Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có khu trọ với 10 phòng, và đề ra những quy định tương tự như ông Tiến.

“Quy định càng nhiều, mình quản lý càng vất vả. Nhưng không quy định, chỉ cần sơ xảy một chút là dẫn đến hậu quả nghiêm trọng" - lời bà Mai. Hôm ấy, đúng 23h30 tôi khóa cổng như mọi ngày, một cháu chạy ra xin cho bạn về muộn, 12h30 mới về.

Lý do được đưa ra khá chính đáng, nhưng hàng ngày tôi phải dậy sớm nên không thể thức đợi đến lúc ấy được, vậy là mủi lòng đưa chìa khóa cho cháu mở cửa cho bạn.... Không ngờ hôm sau, các sinh viên khác báo với tôi là mất hai chiếc xe đạp điện trong nhà xe. Mọi nghi ngờ dồn vào cô bé được tôi giao chìa khóa. Tôi thấy cháu nó thật thà, hiền lành, ở cả năm không có điều tiếng gì, lại không có bằng chứng, nên không nỡ tra hỏi. Lỗi là do tôi chủ quan, nên đành phải đền hai chiếc xe đạp điện. Xóm trọ thấy vậy cũng họp lại, mỗi người góp một ít phụ vào cùng tôi.

"Đúng là nghiêm quá các cháu kêu ca, nhưng chỉ cần phá luật một lần là xảy ra chuyện. Từ sau lần ấy, tôi cứ đúng quy định mà làm, không có ngoại lệ” - bà Mai đúc rút.

Bà Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ đến đúng ngày 5 đầu tháng là các phòng phải đóng tiền đầy đủ. Phòng nào không thực hiện được yêu cầu chuyển ngay. Tôi làm thế nhiều cháu kêu là khó tính, không có tính người, nhưng cũng phải thông cảm.

Ngày trước, thương các cháu ở quê nghèo không có tiền, tôi cho nợ tiền phòng vài tháng liên tiếp, chỉ cần đóng tiền điện nước. Nhưng nhiều khi chúng lẳng lặng chuyển đi, không đóng nốt số tiền còn nợ, tôi là người chịu thiệt hại. Có phòng có 2 nam sinh viên ở, được tôi cho nợ 4 tháng tiền nhà. Lúc chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, một cháu chuyển về quê luôn, không đóng tiền phòng trọ cho tôi. Cháu còn lại trước khi chuyển đi có gọi điện về cho bạn, yêu cầu mỗi người đóng một nửa tiền phòng, nhưng cháu kia không nghe máy. Thấy tội nghiệp quá, tôi đồng ý cho cháu chỉ đóng phần tiền của mình, còn chịu mất một nửa.

Đúng là không phải ai cũng sòng phẳng và giữ uy tín như mình nghĩ ”.

* * *

Một số câu chuyện kể trên cho thấy, không phải tự dưng các chủ nhà trọ đề ra nhiều quy định khắt khe. Một phần họ tự bảo vệ quyền lợi của bản thân, quan trọng hơn góp phần nâng cao ý thức sinh viên.

Quỳnh (sinh viên Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải) chia sẻ, ở trọ cùng khu với chủ nhà có rất nhiều thuận lợi, dù nhiều khi bác chủ hơi khó tính, quy định nghiêm khắc. Trước hết, an ninh rất tốt, do có chủ nhà thường xuyên quan sát, để ý, nhắc nhở nên không xảy ra hiện tượng mất trộm, vệ sinh cả khu rất sạch sẽ. Mùa thi đến, yên tâm ôn tập, vì yên tĩnh tuyệt đối, không có hiện tượng nói cười hoặc mở nhạc quá to.

Quỳnh cho rằng, đối với những bạn không thích bị gò bó, hay đi làm thêm về muộn hoặc có nhiều bạn bè đến chơi,… nên chọn những khu nhà trọ riêng chủ để đảm bảo sự thoải mái và riêng tư. Tuy nhiên, phải chấp nhận một điều là không có người trông coi thường xuyên, an ninh có thể không được đảm bảo.

Theo Tình Linh Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây