Top 10 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2017

Thứ tư - 02/05/2018 06:13
Năm 2017, là năm sôi động của ngành giáo dục với nhiều thay đổi tích cực, gặt hái thành công nhưng cũng không ít sự kiện nóng, gây sốc dư luận...

1. Hội Khuyến học Việt Nam hợp tác, ký kết với nhiều Bộ, ngành

Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT), trong năm 2017, Hội Khuyến học Việt Nam đã hợp tác, kí kết với nhiều Bộ, ngành trong đó có việc ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT với Bộ GD-ĐT giai đoạn 2017-2020.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã có mối quan hệ rất tốt trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ và mục tiêu của giáo dục chính quy cũng như không chính quy từ trước đến nay”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, GS.TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan.

Cũng trong năm 2017, Ban Thường trực Hội Khuyến học đã có nhiều hội nghị, đặc biệt đã làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về các Đề tài, Đề án khoa học về xây dựng XHHT, xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, mô hình xây dựng XHHT cấp xã, phát triển tổ chức Hội trong các trường ĐH và CĐ.

Đồng thời Hội cũng đã làm việc với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ký kết phối hợp hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

2. Chậm nhất 2020 áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới

Bộ GD-ĐT thông qua Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể làm căn cứ xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Theo đó, thời lượng học trong chương trình GDPT này giảm mạnh. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và sách giáo khoa (SGK) mới.

Quốc hội xem xét, thảo luận về việc Chính phủ xin điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, SGK GDPT mới. Cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ chỉ rõ, Bộ GT-ĐT đã chậm ở cả khâu ban hành chương trình mới, thẩm định, thực nghiệm SGK và đặc biệt chậm trễ trong việc chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất…

Theo đó, Quốc hội chính thức đồng ý điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, SGK GDPT mới. Không chốt “cứng” thời hạn lùi 1 năm hay 2 năm như đề xuất, Quốc hội đưa ra hạn chót cho việc áp dụng chương trình, SGK mới là năm 2020.

3. Đề xuất thí điểm bỏ biên chế ngành Giáo dục

Tháng 5/2017, trong đợt tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Trước thông tin này, đông đảo thầy cô giáo đã bày tỏ tâm trạng hoang mang, lo lắng.

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng ngày 9/6/2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần giáo viên từ chế độ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động mà trước hết thí điểm ở khu vực đại học và một số trường có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng bởi việc đổi mới khu vực giáo viên, nhà giáo là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng ngày 26/6/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên. Mọi nhà giáo yên tâm”.

Trả lời chất vấn Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây mới là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT chưa hề có văn bản đề xuất và trong nhiều lần làm việc với Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng cũng chưa bao giờ nghe thấy đề xuất này.

4. “Mưa” điểm 10 kỳ thi THPT quốc gia 2017

Năm 2017, Kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức trong 2,5 ngày (trước đây là 4 ngày) tại 63 cụm thi/ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là lần đầu tiên các sở chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của kỳ thi. Thí sinh được thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ ngay tại trường THPT thí sinh học.

Nếu như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, cả nước có tổng cộng 69 điểm 10 thì trong kỳ thi năm 2017, có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10.

Nói về “cơn mưa điểm 10” này, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Đây là những điểm 10 thực sự bởi với đề thi đã được chuẩn hoá như vậy mà các thí sinh vẫn có thể đạt được kết quả cao thì đó là điều rất đáng mừng.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công khẳng định đổi mới thi, tuyển sinh đã đi đúng hướng. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho tới năm 2020.

Phổ điểm môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2017.

5. Đạt thành tích Olympic quốc tế cao nhất từ trước đến nay

Năm 2017, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Quốc tế Hóa học, Toán học, Vật lí và Sinh học đều đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, tại Olympic Hóa học Quốc tế năm 2017, 4/4 thí sinh VN dự thi đều đoạt huy chương, gồm 3 Huy chương Vàng (HCV) và 1 Huy chương Bạc (HCB).

Tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 58 năm 2017, cả 6/6 thí sinh VN dự thi đều đoạt huy chương, trong đó 4 HCV, 1 HCB và 1 Huy chương Đồng (HCĐ). Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế. Đặc biệt, em Hoàng Quốc Hữu Huy - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt điểm cao nhất trong hơn 600 thí sinh dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017.

Trong kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế 2017, cả 5/5 thí sinh VN đều đoạt giải gồm: 4 HCV, 1 HCB.

Còn tại kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2017, đội tuyển VN giành 1 HCV, 2 HCB.

Với thành tích xuất sắc của các đội tuyển Olympic Quốc tế đã khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi; đồng thời khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua.

Năm 2017, đội tuyển Việt Nam đạt kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học Quốc tế.

6. Nóng bỏng trường học lạm thu, thanh tra Bộ lần đầu tiên vi hành

Đầu năm học mới 2017-2018, ngay sau khi nhận được phản ánh “nóng” của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra đột xuất tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra và đến trực tiếp các cơ sở giáo dục báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.

Sau khi kiểm tra, Thanh tra đã yêu cầu chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định; kiến nghị Phòng GD-ĐT, UBND quận, huyện, Sở GD-ĐT kịp thời kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định.

7. Siết chuẩn tiến sĩ, nâng chuẩn giáo sư

Tháng 4/2017, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy chế mới đã bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý nghiên cứu sinh, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.

Theo cấu trúc của quy chế mới ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.

Quy chế mới ban hành cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.

Ngoài ra để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.

Cùng đó, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư để lấy ý kiến góp ý. Điểm nổi bật nhất trong dự thảo lần này là việc ứng viên phải có công bố quốc tế.

Đến cuối tháng 11/2017, Văn phòng Chính phủ đưa ra dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS, PGS để lấy ý kiến. Dự thảo này có nhiều điểm mới so với dự thảo trước đây như Công khai hồ sơ ứng viên; Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành làm nhiệm vụ “giúp việc”…

8. Lương giáo viên gây sốc

Năm 2017, là năm sôi nổi bàn luận về lương của giáo viên. Đây cũng là năm đề xuất xếp lương nhà giáo ở bậc cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, thậm chí như công an, quân đội.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã nhận được sự đồng thuận rất cao của những người trong cuộc, bởi chỉ khi có đãi ngộ xứng đáng, mỗi giáo viên mới thực sự yên tâm cống hiến với nghề và nghề giáo mới thực sự có sức hút với những người giỏi.

Cuối năm 2017, câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh ngã khuỵu khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng.

Ngành Bảo hiểm Xã hội giải thích, căn cứ các quy định của Nhà nước thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với cô Trương Thị Lan là hoàn toàn đúng quy định. Nguyên nhân là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp. Thêm nữa, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn nên dẫn đến thấp.

Bên cạnh đó, năm 2017 còn là năm ngành Giáo dục tập trung xây dựng và hoàn thiện một số chính sách và cơ chế về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông phù hợp với yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục...

9. Lại nóng bạo hành mầm non

Trong năm 2017, nhiều vụ cô giáo mầm non, bảo mẫu đánh đập các bé bị phanh phui và đăng lên báo, qua đó các cô giáo đánh trẻ đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố; nhiều cơ sở bị đình chỉ. Riêng ở TPHCM có 3 vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát giác, trong đó có vụ gây “rúng động” ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh nơi các bé bị bạo hành trong thời gian dài.

Tại Hà Nội có 2 vụ bạo hành trẻ bị lên báo (cô giáo “để quên” trẻ trong nhà vệ sinh đến tối muộn; cô giáo dùng tát và thúc gối vào bụng trẻ). Trong khi đó, ở các nơi khác như Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Đồng Tháp… cũng có các vụ bạo hành trẻ bị phát giác.

Công an kiểm tra cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) chiều ngày 26/11/2017.

Một loạt vụ bạo hành trẻ mầm non bị phanh phui làm dấy lên lo ngại về chất lượng cơ sở mầm non, đặc biệt là cơ sở tư thục, công tác đào tạo cũng như đạo đức của giáo viên trong bối cảnh quá tải trường lớp mầm non tại nhiều địa phương.

Có nhiều ý kiến cho rằng, theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau nhưng dường như trẻ em vẫn đứng trước rất nhiều nguy cơ và chưa được bảo vệ một cách đúng mực.

10. Sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học

Năm 2017, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Cũng vào cuối tháng 11/2017, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Năm 2017 công tác thẩm định, kiểm định và xếp hạng ĐH được chú trọng. Bộ GD-ĐT đã triển khai kế hoạch tổ chức thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH.

Tính đến cuối năm 2017, đã có 246 cơ sở giáo dục ĐH và trường CĐ, trung cấp sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 79 trường đã được đánh giá ngoài, 51 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng...


Theo Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây