cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (đồ họa Việt Anh).
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo các chuyên gia pháp luật, tội danh ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố nằm trong nhóm tội về tham nhũng. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, nhóm tội phạm về tham nhũng có 7 tội danh.
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, nghĩa là phải là người có chức vụ quyền hạn.
Ông Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc (ảnh IT)
“Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là vụ lợi (mưu cầu lợi ích vật chất) hoặc động cơ cá nhân khác (củng cố địa vị, uy tín hoặc quyền lực cá nhân…). Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Trong thực tế làm trái công vụ có thể là không làm trong trường hợp phải làm và có điều kiện để làm hoặc làm nhưng không đầy đủ hoặc làm ngược lại quy định hoặc yêu cầu của công vụ. Hành vi làm trái của người có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại cụ thể cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của công dân”, luật sư Tiến phân tích và cho biết, đối với khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ 10 -15 năm tù.
Trong vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố, trước khi ông Phan Văn Vĩnh bị khởi tố có trường hợp của cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa. Ông Hóa bị khởi tố về tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Phân tích về đặc điểm của tội phạm được quy định trong Điều 249, luật sư Nguyễn Quang Tiến cho biết: Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
Về khách thể của tội tổ chức đánh bạc là trật tự công cộng, trật tự an toàn xã hội. Hành vi khách quan của tổ chức đánh bạc là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.
Từ phân tích trên có thể thấy tội danh ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có đặc điểm, tính chất hoàn toàn khác nhau.
Một vấn đề khiến nhiều người thắc mắc, đó là Bộ luật sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, tại sao việc khởi tố với ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa vẫn áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 1999. Giải thích về vấn đề này, TS Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội cho biết, hành vi của ông Vĩnh và ông Hóa nằm trong nội dung vụ án đã được Cơ quan Công an khởi tố, điều tra từ trong năm 2017, trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Việc khởi tố 2 ông này trong năm 2018 là hệ quả của quá trình điều tra vụ án xảy ra từ trước đó chứ không phải hành vi mới diễn ra.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn