Người dân địa phương chặn đường phản ứng việc xây dựng nhà máy thép Việt Pháp tại khu vực đầu nguồn của sông Vu Gia.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 4048/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Mặc dù trước đó, ngày 22/8/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 597/SKHĐT- HTĐT về việc xem xét chủ trương đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Trong đó, Sở KH&ĐT tỉnh bày tỏ quan điểm không thống nhất chủ trương đầu tư mới nhà máy tại địa điểm trên bởi trong thời gian qua, các dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là “không đánh đổi phát triển kinh tế để đổi lấy môi trường bị hủy hoại”. Lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, nhất là các loại kim loại nặng và khói bụi thải ra trong quá trình sản xuất, dù doanh nghiệp sản xuất có thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường.
Theo quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với dự án nhà máy thì UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung được nêu trong Báo cáo đã được phê duyệt và những yêu cầu bắt buộc.
Chủ đầu tư dự án phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành có liên quan, đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng và hoạt động dự án.
Đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Thu gom, xử lý các loại chất thải rắn và chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án theo quy định hiện hành.
Trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố. Tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố, thông báo khẩn cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Phòng TN&MT huyện Nam Giang để được chỉ đạo và phối hợp xử lý.
Chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ Chương trình giám sát môi trường như đã nêu trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để theo dõi, quản lý. Số liệu giám sát phải được cập nhật đầy đủ và lưu giữ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá diễn biến về chất lượng môi trường của khu vực.
Tuân thủ các yêu cầu về phòng ngừa, ứng cứu sự cố, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn hóa chất trong quá trình thực hiện Dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Tất cả các loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu được sử dụng trong dự án đều không thuộc danh mục cấm sử dụng ở Việt Nam theo quy định hiện hành.
Thông báo bằng văn bản đến UBND tỉnh, Sở TN&MT về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất 10 ngày làm việc. Thời gian vận hành thử nghiệm không quá 06 tháng. Việc kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm phải được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường để được kiểm tra, xác nhận hoàn thành trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức theo quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường. Lập và gửi kế hoạch quản lý môi trường của dự án để niêm yết công khai theo quy định pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, nếu có những thay đổi về nội dung của báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chủ dự án phải có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT và chỉ được thực hiện những nội dung thay đổi sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
Theo báo cáo đầu tư, dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp do Công ty TNHH Thép Việt Pháp làm chủ đầu tư được xây dựng với tổng diện tích là 17,3ha, công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm.
Vào năm 2012, nhà máy đi vào hoạt động tại Cụm Công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1 thuộc xã Điện Nam Đông (Điện Bàn, Quảng Nam) đã gây không ít bức xúc cho người dân tại khu vực vì khói bụi và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam đã từng đình chỉ hoạt động nhà máy này để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, khi hoạt động tại Cụm Công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1 thì nhà máy này năm 2014 chỉ nộp ngân sách 3 triệu đồng còn năm 2015 nộp 12,6 triệu đồng.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn