Liên tục trong thời gian gần đây, Cục ATTP tiếp nhận nhiều thông tin về thực phẩm chứa sinh vật lạ: đỉa trong bánh, đỉa trong sữa, sinh vật lạ trong sữa, đỉa trong gói mì ăn liền.
Những tin đồn về các thực phẩm "lạ" đã khiến nhiều người dân hoang mang, bán tín bán nghi. Thanh Niên Online đã có buổi trao đổi về vấn đề này cùng ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP.
“Trước bất cứ sự cố nào về ATTP, Cục và các chi cục ATTP đều phải vào cuộc làm rõ để kịp thời có cảnh báo cho người tiêu dùng hoặc xử lý thu hồi nếu đó là lỗi sản phẩm do nhà sản xuất gây nên”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, các trường hợp vật lạ có trong sản phẩm đưa tin gần đây đều được khẳng định là xâm nhập từ bên ngoài chứ không phải tồn tại trong hộp sữa hay gói mì đó trong quá trình sản xuất.
Ông Trung băn khoăn: “Đa phần sự cố xảy ra ở vùng ngoại thành, nông thôn nhưng thông tin đến với báo chí rất nhanh, các thông tin cung cấp cho báo chí có sự chuẩn bị khá chu đáo. Có thể thấy rằng, người có sự cố trong tay nắm bắt được tâm lý là báo chí luôn vì quyền lợi của người tiêu dùng muốn đưa tin kịp thời nên khá chủ động tiếp cận với báo chí, tận dụng tính nhanh nhạy, sự vô tư của báo chí để làm bùng lên sự cố”.
Có trường hợp một gia đình ở một tỉnh nhỏ phản ánh sữa tươi có bọ. Nhà phân phối và công ty đến nơi thấy đã có sẵn các cơ quan đến đưa tin. Gia đình sau khi chấp nhận việc bồi thường nhưng vẫn nhất định giữ lại lô sữa “có vấn đề” chứ không giao lại sản phẩm cho bên bồi thường. Không những thế, bên “sở hữu” hộp sữa có vấn đề còn cho biết có thể sẽ tiếp tục đưa việc này ra để cảnh báo rộng rãi nếu nhà sản xuất không bồi thường. Lô sản phẩm này sau đó đem đi xét nghiệm cho kết quả đạt tiêu chuẩn.
Ông Trung cho rằng trong quá trình sản xuất, có thể doanh nghiệp có lỗi với 1 - 2 lô sản phẩm nhưng lỗi đó không đánh giá hết toàn bộ sản phẩm. Nếu sai sót về chất lượng sản phẩm bị che đậy bưng bít đó là tội lỗi với người tiêu dùng và vi phạm pháp luật vì bao che cho sai phạm. Nếu sự cố đó là do sắp đặt và thổi bùng lên thì đó cũng là tội lỗi.
Nghi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh
“Chúng tôi cũng đã nghi ngại về một số tình huống tung tin đồn thất thiệt, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất”, ông Trung nhận định.
|
Theo ông Trung, quyền lợi cao nhất phải thuộc về người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng cần bảo vệ các sản phẩm có chất lượng nghiêm túc và quan trọng nhất là thông tin phải minh bạch.
Trường hợp thông tin về sữa có bọ. Khi cơ quan quản lý đến tìm hiểu, chủ nhà cho biết sau khi con họ uống không hết, hộp sữa đó bỏ vào trong chậu để trong góc nhà tắm, sáng hôm sau thấy hộp sữa đó đầy bọ. Như vậy, chủ nhà cũng không khẳng định khi mở ra uống thấy bọ trong hộp sữa. Các mẫu sữa cùng lô với hộp sữa có bọ đó được Chi Cục ATTP của địa phương xét nghiệm cũng khẳng định đảm bảo chất lượng.
Mới đây nhất là thông tin về sinh vật "lạ" trong sản phẩm mì tôm nhãn hiệu “3 miền” tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh). Khi có tin về sự việc "sợi mì tôm biết ngọ nguậy", Chi cục ATTP tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Chi cục quản lý thị trường tiến hành xác minh nội dung thông tin.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Mẫu “sinh vật lạ” lấy tại hiện trường cũng đã được gửi tới Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng T.Ư để định danh. Sau đó Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng xác định mẫu “sinh vật lạ” là đốt sán dây.
Theo Cục ATTP, mì tôm là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100 độ C) nên sán dây không thể sống trong sản phẩm mì tôm đã được bao gói kín. Ấu trùng sán dây có trong cơ vân của các động vật ký sinh, sán dây trưởng thành sống trong ống tiêu hóa của nhiều động vật khác nhau (trâu, cừu, bò, lợn, chó mèo...) dễ nhiễm vào con người thông qua đường ăn, uống. Do đó, Cục ATTP khẳng định sán dây trong bát mì tôm tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân đã được xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng.
|
“Là cơ quan chịu trách nhiệm về ATTP, chúng tôi có thể khẳng định, sản phẩm sữa hay mì tôm được sản xuất theo quy trình chuẩn, của công ty lớn có thương hiệu uy tín thì không có cơ hội nào cho bọ hay côn trùng sống được”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Cục trưởng Cục ATTP, các nhà sản xuất cũng phải xác định họ sống được là nhờ vào chất lượng sản phẩm, uy tín với người tiêu dùng vì vậy không bao giờ muốn đánh mất uy tín. Nhưng chỉ với sự cố được tung ra, chưa biết đúng sai thì sản phẩm của họ lập tức bị đẩy hết ra khỏi đại lý, siêu thị, bị người tiêu dùng tẩy chay. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về tình trạng lợi dụng mạng xã hội để lan truyền tin thất thiệt.
Ông Trung cho rằng: “Sự cố xảy ra, hầu như chưa có cơ chế bảo vệ người bị thiệt hại. Cần có cơ quan điều tra làm rõ phía sau các thông tin sai lệch là vô tình hay có động cơ?”.
Người tung tin đồn có thể bị xử lý hình sự Tin đồn thất thiệt dù được phát tán vô tình hay có chủ ý đều gây ra nhiều tác động tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà nhiều khi còn gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và an ninh trật tự. Trao đổi với Thanh Niên Online, một lãnh đạo Cục Cảnh sát Công nghệ cao, Bộ Công an cho biết hành vi tung tin đồn thất thiệt tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Đối với các cá nhân, tổ chức khi bị xâm hại bởi các tin đồn thất thiệt này thì nên trình báo tới cơ quan công an để có cơ sở điều tra, làm rõ. Trong năm 2012, tin đồn có đỉa trong sữa tại các tỉnh miền trung như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh lan truyền đã khiến người tiêu dùng hoang mang và ngành sữa và đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lao đao vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Chỉ đến khi Hiệp hội sữa Việt Nam có công văn bác bỏ, đồng thời đề nghị Bộ Công an vào cuộc thì tình hình mới được vãn hồi. Trên thực tế, đã không có ít vụ việc tung tin đồn thất thiệt sau đó đã bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Vào tháng 5.2013, Công an TP.Hà Nội đã làm rõ vụ “3 thiếu nữ bị rạch đùi ở khu vực Nhà Hát Lớn Hà Nội”, qua đó xác định kẻ tung tin đồn khiến nhiều nữ sinh hoang mang này quản trị mạng của một trang web, và động cơ tung tin đồn là chỉ nhằm gây sự tò mò. Gần đây nhất, vào tháng 7.2013, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cùng Bộ Thông tin - Truyền thông đã phát hiện, xử lý đối với 3 người tung tin đồn thất thiệt đối với ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Trước đó vào đầu tháng 2.2013, thông tin ông Trần Bắc Hà lan truyền trên mạng internet đã khiến thị trường tài chính tiền tệ và chứng khoán Việt Nam chao đảo. Thái Uyên |
Theo Nam Sơn (Thanh niên)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn