Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, năm 2017, Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) trung ương cấp cho Quỹ BTĐB TP HCM gần 215 tỉ đồng. Số tiền này là rất thấp so với nhu cầu thực tế. Hồi năm 2016, Quỹ BTĐB trung ương cũng chỉ cấp cho TP HCM khoảng 18% so với số tiền thu được.
Cắt giảm duy tu vì thiếu tiền
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP HCM, cho biết do nguồn quỹ BTĐB để lại quá thấp, không đủ để nâng cấp, sửa chữa nên hằng năm, TP phải bỏ thêm một khoản tiền khá lớn từ ngân sách để duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông. "TP đã nhiều lần kiến nghị giữ lại 35% tổng số tiền thu được đúng như quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP nhưng không được chấp nhận" - ông Đường nói.
Theo kế hoạch, năm 2016, Sở GTVT TP HCM cần 11.000 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng cầu, đường nhưng chỉ được cấp gần 543 tỉ đồng; năm 2017 cần hơn 14.000 tỉ đồng. Do thiếu tiền, sở phải cắt giảm quy trình duy tu, bảo dưỡng và chỉ thực hiện được đối với các công trình thật sự cần thiết.
Tuyến đường liên xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng chưa một lần được duy tu, bảo dưỡng Ảnh: HOÀNG THANH
Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, Chủ tịch Quỹ BTĐB TP - cho biết trong 4 năm qua, Quỹ BTĐB trung ương đã bàn giao cho Quỹ BTĐB TP 683,4 tỉ đồng, tương đương 13,92% tổng vốn thu để BTĐB trên địa bàn TP. Với số tiền này, TP HCM chỉ thực hiện duy tu, bảo trì được 180 công trình, đáp ứng 30% nhu cầu thực tế.
Theo Sở GTVT TP, nếu Quỹ BTĐB trung ương không tăng số tiền giữ lại cho TP thì sắp tới đây, TP sẽ tính đến việc cho thuê quảng cáo tại các công trình giao thông, cho thuê cơ sở hạ tầng và thu phí đậu, đỗ xe trên một số tuyến đường để để tăng nguồn vốn. Sở cũng kiến nghị thu phí BTĐB theo km đối với từng loại phương tiện chứ không cào bằng như hiện nay.
Chiều 29-1, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB trung ương, cho biết Nghị định 18 quy định rất rõ nguyên tắc phân chia Quỹ BTĐB. Theo đó, phân chia 65% cho quỹ trung ương; 35% về các quỹ địa phương dựa trên số km đường bộ, hệ số khó khăn về nguồn thu, số ô tô đăng ký tại địa phương.
Tại tỉnh Gia Lai, nhiều tuyến đường đang bị xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn không đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa một lần được bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, cho biết nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu toàn tỉnh. "Ở trung ương có nguồn từ trung ương hỗ trợ để bảo trì toàn tuyến quốc lộ nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Còn ở tỉnh, hằng năm, đơn vị vẫn bố trí thêm một chút nhưng không đủ nguồn để duy tu, bảo dưỡng" - ông Quế băn khoăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB TP Cần Thơ, cho biết: "Trong năm qua, ngân sách từ trung ương phân bổ cho Cần Thơ khoảng 23 tỉ đồng. Số tiền này không đủ để sửa chữa các tuyến đường".
Mới đáp ứng 20%-30% nhu cầu
"Trước đây, TP HCM được giữ lại 23% số thu ngân sách trên địa bàn nhưng nay sau điều tiết thì chỉ được giữ lại 18%, còn 5% chênh lệch đó điều tiết về trung ương. Quỹ BTĐB cũng vậy, có hệ số điều tiết của địa phương theo đúng quy định của Nghị định 18. Cái này chúng tôi đã giải thích và trao đổi rất nhiều lần với TP HCM" - ông Minh nói.
Theo ông Minh, Chính phủ ban hành Nghị định 18 là đã nghiên cứu kỹ, việc phân bổ không phải dựa trên số thu nhân với 35% mà phải dựa trên cơ sở số kinh phí phân chia cho các địa phương (35%).
Trước đó, tại hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ BTĐB (2013-2017), ông Minh cho biết nguồn thu của quỹ tăng qua các năm (năm 2016 thu được 6.388 tỉ đồng, năm 2017 là 7.047 tỉ đồng) nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù và chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu.
Ông Minh cho biết từ nguồn thu cũng như từ nguồn ngân sách cấp bổ sung, 5 năm qua, Quỹ BTĐB trung ương đã giao kế hoạch chi các năm và chuyển vốn cho Tổng cục Đường bộ thực hiện trên 30.000 tỉ đồng. 5 năm qua, Quỹ BTĐB trung ương đã phân chia về các quỹ địa phương trên 10.000 tỉ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác BTĐB. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này mới chỉ đạt 20%-30% nhu cầu.
Cần phân bổ hài hòa
Theo một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, năm 2017, tỉnh được trung ương phân bổ khoảng 26 tỉ đồng BTĐB. Số tiền này tương đương hoặc chênh lệch một ít so với số tiền các ô tô đã nộp. Nói về việc TP HCM được phân bổ số tiền quá ít so với số tiền đã đóng, vị này cho rằng việc phân bổ Quỹ BTĐB cũng tương tự phân bổ ngân sách, làm sao để hài hòa, có tỉnh đóng nhiều cấp ít, có tỉnh đóng ít cấp nhiều, tùy vào định mức bao nhiêu xe, bao nhiêu cây số đường... TR.THƯỜNG
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn