Thủy điện Hương Sơn: "Cái khó...bó cái khôn"

Thứ tư - 07/06/2017 07:55
(Hatinhnews) - Không thể phủ nhận hiệu hiệu quả KT-XH nhà máy thủy điện Hương Sơn mang lại kể từ khi hoạt động đến nay. Tuy nhiên nhiều khó khăn mới nảy sinh đã khiến không ít người trong cuộc cảm thấy lo ngại. Thủy điện Hương Sơn liệu có vượt qua được mọi trở ngại để đáp ứng kỳ vọng như mục tiêu đặt ra ban đầu của dự án.

Nhà máy Thủy điện Hương Sơn. Ảnh: Hoài Nam

Xét về hiệu quả, từ khi đi vào hoạt động đến nay (6-2011) Nhà máy thủy điện Hương Sơn đã cung cấp được 90 triệu KW giờ điện, đóng nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng. Nhà máy còn tạo thêm việc làm cho 80 lao động địa phương với tổng mức thu nhập 4 triệu đồng/ người/ tháng. Sự xuất hiện của nhà máy đã làm thay đổi diện mạo vùng núi rừng heo hút khiến nhiều người tin rằng đó là tiền đề để khai thác hiệu quả hơn Khu du lịch Sơn Kim vốn èo uột bấy lâu. Công trình còn đặc biệt có ý nghĩa đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời cung cấp khoảng 60-70% sản lượng điện trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh với công suất 33 MW, tương đương 143 triệu KW/h/năm.

Tất nhiên sự thành công nào cũng phải trả giá. Mất mát nhìn thấy là công trình đã “nuốt’ một phần diện tích rừng đầu nguồn khá lớn trên khuôn viên rộng 155, 2 ha tại xã Sơn Kim 1. Và, điều gì sẽ xảy ra trong quá trình vận hành hoạt động mà rõ nét nhất là tác động của việc ô nhiễm môi trường đối với hệ sinh thái của khu rừng nguyên sinh thượng nguồn?.

Cho dù “ Đến nay hệ sinh thái khu rừng vẫn tốt và độ che phủ rừng khá cao. Bằng chứng là lượng cá trong lòng hồ khá dồi dào và có rất nhiều cá to” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thủy điện Hương Sơn Nguyễn Huy Hùng đã nói một cách lạc quan như vậy. Nhưng thực tế công tác đảm bảo môi trường ở các công trình thủy điện đang dấy lên nhiều lo ngại. Rồi đây môi trường xung quanh thủy điện Hương Sơn sẽ như thế nào? Sẽ quá sớm đề cập đến vấn đề này, bởi cho đến nay nếu nói công trình đã hoàn thành cũng đúng nhưng nếu cho rằng còn dang dở cũng chẳng sai. Vì, đến tháng 3 năm nay công trình mới cơ bàn hoàn thành nhưng hiện vẫn còn một số hạng mục như trát, gia cố đập Nậm Luông chưa xong.

Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Hương Sơn điều khiển hệ thống phát điện. Ảnh: Thanh Hoài

Điểm yếu của công trình thủy điện Hương Sơn chính là hồ điều tiết nước. Hồ có trữ lượng hơn 3,2 triệu m3. Điểm khác biệt so với các công trình thủy điện khác là thủy điện Hương Sơn điều tiết theo ngày. Do vậy, mùa khô lượng nước lại không đủ để vận hành tuốc bin. Vì vậy từ khi đưa vào hoạt động đến nay, công suất mới chỉ đạt 55-60% so với thiết kế ban đầu. Cho đến thời điểm này hồ vẫn nằm ở mực nước “chết”. Nếu tình trạng này kéo dài, đội ngũ những người làm công tác thủy điện chỉ còn cách duy nhất: “lạy trời mưa xuống”. Theo lý giải của Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Hương Sơn Trần Công Hòe thì : “ Mới chỉ một năm thiếu nước chưa nói lên điều gì. Kinh nghiệm cho thấy phải 3 năm liên tục mới có thể khẳng định được yếu tố bất lợi này". Không biết ngay từ khi lập dự án và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ đầu tư có tính toán kỹ điều này hay không?.

                         Tuyến tuynen xuyên qua núi để lấy nước từ hồ chứa nậm Luông

                        trên độ cao gần 1000m so với mặt nước biển. Ảnh: Đình Thông

Theo như tính toán lạc quan của ông tổng giám đốc 10 năm là quãng thời gian đủ để thu hồi toàn bộ vốn thi công công trình. Nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm này, lợi nhuận nhà máy thủy điện Hương sơn thu được chỉ vừa… đủ để trả lãi suất ngân hàng. Hàng tháng công ty phải trả 4,7 tỷ đồng tiền lãi vay ở các ngân hàng. Vì sao lại như vậy?. Đơn giản là tiến độ thi công công trình bị chậmm so với dự kiến ban đầu. Công trình thủy điện Hương Sơn gồm 3 cổ đông góp vốn là : Công ty Cơ khí và xây dựng Hà Nội ( COMA), Tập đoàn Sơn Đà, Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh với tổng số vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng. Công trình được triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2004-2005) hoàn thành tổ máy phát điện số1. Tuy nhiên do không có sự đồng thuận của các cổ đông; đồng thời công tác GPMB liên quan đến một số hộ dân ở xã Sơn Lĩnh để lắp đặt 38/50 km đường điện 110 KV kéo dài nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm. Mãi đến ngày 27-1-2011 tổ máy số 1 mới phát điện. Việc thi công chậm tiến độ khiến nguồn vốn không thể giải ngân đồng thời “lãi mẹ để lãi con” từ đó phát sinh. Cũng chính vì vậy nên tháng 4 năm nay, toàn bộ tiền lương công ty không thể trả cho người lao động.

Lối thoát duy nhất mà những người trong cuộc tính đến là đề nghị các ngân hàng giãn nợ; đồng thời đề xuất ngành điện lực Việt Nam đẩy giá bán điện lên cao thay vì 725 đồng/ KW như hiện nay là quá thấp. Những đề xuất này hoặc không được chấp thuận; hoặc cần phải có thời gian thực hiện theo lộ trình, về lâu dài không ai dám chắc, chỉ có điều hiện tại mọi hoạt động ở nhà máy đang lâm vào thế bế tắc.

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây