Thúc đẩy các dự án công nghiệp làm "bàn đạp" phát triển kinh tế Hà Tĩnh

Thứ ba - 06/06/2017 23:50
(Hatinhnews) - Tiếp tục chương trình công tác nắm bắt tình hình công nghiệp và thương mại tại các tỉnh bắc miền Trung, ngày 20/4/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đoàn Bộ Công Thương đã có buổi làm việc tại Hà Tĩnh.

CôngThương- Tham gia buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Bình- UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Võ Kiên Cự- Chủ tịch UBND Hà Tĩnh; và ông Trần Minh Kỳ- Ủy ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND Hà Tĩnh cùng nhiều lãnh đạoTỉnh ủy, UBND và đại diện các sở, ban, ngành của Hà Tĩnh.

Chú ý đến quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại

Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, còn rất khó khăn nhưng tiềm năng phát triển công nghiệp và thương mại rất lớn. Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang trong quá trình triển khai, nhất là dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Thay mặt lãnh đạo Hà Tĩnh, ông Trần Minh Kỳ- Ủy ban thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND Hà Tĩnh đã báo cáo sơ bộ tình hình kinh tế- xã hội và phát triển công nghiệp, thương mại năm 2011 và quý 1/2012 của Hà Tĩnh.

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành cùng với việc tổ chức thực hiện kịp thời Chương trình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính bằng chương trình hành động cụ thể nên tình hình kinh tế- xã hội tỉnh vẫn diễn biến theo hướng tích cực; một số chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Quý I/2012, thu ngân sách đạt 615 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; sản xuất nông lâm nghiệp ổn định diện tích và tổng đàn; có 56 DNthành lập mới với tổng số vốn đăng ký 197 tỷ đồng; tổng nguồn vốn quản lý và huy động trên địa bànđạt 14.936 tỷ đồng, tăng 9,05% so với đầu năm và tăng 7,5% so với cùng kỳ...

Hoạt động thương mại dịch vụ của Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực. quý I/2012 đạt 4.794 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 173 chợ, 146 cửa hàng xăng dầu đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trong đó có 91 cửa hàng nằm trên các tuyến quốc lộ.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 70 triệu USD, tăng 18,2% so với năm 2010, đạt 100% kế hoạch; Quý I/2012, kim ngạch xuất khẩu đạt10,6 triệu USD, bằng 93,8% so với cùng kỳ năm 2011. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là dăm gỗ, khoáng sản, cao su, chè, thủy sản, gỗ xẻ và gỗ ván sàn, tinh bột sắn... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Pakistan, Afganistan, Ấn Độ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 8,3 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2011.

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Công Thương về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường và hạn chế nhập siêu, tỉnh đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Triển khai xây dựng các quy hoạch, cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015; Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2020; Bổ sung Quy hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ban hành các chỉ thị về tiết kiệm điện, tăng cường kiểm tra dầu mỏ khí hóa lỏng. Ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh...

Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chỉ đạo triển khai thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại tất cả các chợ trung tâm trên địa bàn và đến 30/6/2012 sẽ đăng ký, kê khai và niêm yết giá tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh. Năm 2011 đã phát hiện và xử lý hơn 900 vụ vi phạm, thu 1,7 tỷ đồng.

Hà Tĩnh là một trong các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá trên địa bàn. Hỗ trợ lãi suất thu mua dự trữ hàng hóa cho 9 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng phục vụ công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

Công nghiệp đi trước một bước

Tại buổi làm việc với đoàn cán bộ Bộ Công Thương, ông Võ Kiên Cự- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- bày tỏ quan điểm: Tại thời điểm này, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo. Vì thế chủ trương của Hà Tĩnh là ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghiệp, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp để làm sức bật cho kinh tế địa phương. “Công nghiệp phải đi trước một bước làm động lực kéo theo các lĩnh vực khác, vực kinh tế Hà Tĩnh đi lên”- ông Võ Kiên Cự nói.

Hiện toàn tỉnh hiện có 2 khu kinh tế lớn là Vũng Áng và cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, 2 khu công nghiệp Hạ Vàng và Gia Lách). Trên địa bàn Nghệ Tĩnh còn có 15 cụm công nghiệp được quy hoạch chi tiết, thu hút 73 dự án đăng ký vào các cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư đạt 1.666 tỷ đồng. Trong đó có 58 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư là 578,24 tỷ đồng, 6 dự án đang trong quá trình san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng với tổng vốn đăng ký hơn 464 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.400 lao động.

Đặc biệt, Hà Tĩnh đang tập trung mọi nguồn lực vào dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đây là dự án trọng điểm lớn của Nhà nước trên địa bàn Hà Tĩnh. Dự án đang được Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thẩm định và giao cho Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê khai thác. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do có quá nhiều cổ đông góp vốn vào công ty nên chưa thống nhất được số vốn góp. Đến hết tháng 1/2012, vốn góp của công ty mới đạt 1.029,28/2.400 tỷ đồng (đạt 42,8%) làm chậm tiến độ dự án.

Tại buổi làm việc, ông Võ Kiên Cự đề đạt một số kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án công nghiệp:

Đối với dự án mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và khoáng sản (Vinacomin) khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ để tập trung huy động các cổ đông góp vốn đầy đủ, tiếp tục triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.

Hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang thực hiện dở dang, kết cấu hạ tầng các xã trong khu vực xuống cấp nghiêm trọng, vì thế Hà Tĩnh đề nghị Bộ Công Thương có văn bản đề xuất với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên hỗ trợ khoảng 120 tỷ đồng trong năm 2012 để triển khai thực hiện đề án đầu tư phát triển bền vững kinh tế- xã hội cho các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường dây 200KV và 500KV đấu nối điện Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2 và Nhà máy Nhiệt điện của Tập đoàn Formosa (công suất 1.500 MW) vào lưới điện quốc gia. Bổ sung Nhà máy Nhiệt điện Formosa vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (Tổng sơ đồ VII) như Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (tổng sơ đồ VI) đã làm.

Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo EVN ưu tiên bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây truyền tải Nhà máy điện Formosa vào hệ thống điện Quốc gia đảm bảo đúng tiến độ theo Thông báo số 301/TB-VPCP ngày 15/12/2011 của Chính phủ....

Ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan đến các dự án tại Hà Tĩnh báo cáo tình hình triển khai và những khó khăn vướng mắc, đề nghị các vụ chức năng đề xuất hướng giải quyết các kiến nghị của Hà Tĩnh, nhất là những vướng mắc trong triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng đánh giá cao sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước Hà Tĩnh với Bộ Công Thương. Bộ trưởng cho rằng, Hà Tĩnh có rất nhiều điều kiện để nhanh chóng thực hiện các mục tiêu vì có vị trí thuận lợi, nhất là có lợi thế về tài nguyên khoáng sản. Ngoài mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng lớn còn có mỏ tintan, mănggan... Đó là những lợi thế tạo sức bật phát triển kinh tế của Hà Tĩnh.

Bộ trưởng cho rằng, nếu sau này khi hoàn thành các dự án điện Vũng Áng I, Vũng Áng II, Vũng Áng II và Formosa thì việc Hà Tĩnh trở thành trung tâm điện lực sẽ thành hiện thực. Và khi mỏ sắt Thạch Khê phát huy tác dụng thì Hà Tĩnh cũng sẽ trở thành trung tâm sản xuất thép lớn không kém khu gang thép Thái Nguyên. Hà Tĩnh phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp như hiện nay là đúng hướng. Tuy nhiên, với các quy mô lớn thế này, tỉnh cần chú trọng đến tính đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình công nghiệp, dịch vụ để phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, cần quan tâm đến môi trường của các dự án lớn như thép, lọc hóa dầu...

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hà Tĩnh cần chú trọng đến tính đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình công nghiệp, dịch vụ để phù hợp tình hình thực tế

Ông Nguyễn Thanh Bình- UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh- đề nghị Bộ Công Thương giải quyết những khó khăn cho Hà Tĩnh

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các vụ chức năng trả lời hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho Hà Tĩnh

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hà Tĩnh cần chú trọng đến tính đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình công nghiệp, dịch vụ để phù hợp tình hình thực tế

Ông Nguyễn Thanh Bình- UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh- đề nghị Bộ Công Thương giải quyết những khó khăn cho Hà Tĩnh

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các vụ chức năng trả lời hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho Hà Tĩnh

Trả lời về những kiến nghị của Hà Tĩnh, Bộ trưởng nói rõ: đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Hà Tĩnh giải quyết vướng mắc. Theo Bộ trưởng, trước mắt cần tái cơ cấu lại công ty cổ phần trong thời gian sớm nhất, Vinacomin ít nhất góp 51% cổ phần, giao cho Vinacomin chủ trì dự án này.

Đối với năng lực sản xuất thép tại Thạch Khê, Bộ trưởng giao cho Tổng công ty Thép Việt Nam rà soát lại quy hoạch thép Thạch Khê xem xét tính khả thi đối với các dự án thép tại đây.

Bộ trưởng tỏ quan điểm ủng hộ việc bổ sung dự án điện Nhà máy nhiệt điện Formosa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020...

Bộ trưởng đánh giá cao công tác quy hoạch, nhất là trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Hà Tĩnh cần rà soát, bổ sung các quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Để phát triển thương mại, trong chiến lược xuất nhập khẩu Hà Tĩnh cần chọn ra những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bên cạnh đó quan tâm phát triển hệ thống phân phối lưu thông; gắn kết giữa sản xuất và lưu thông, nhất là chương trình liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Bộ trưởng đề nghị Hà Tĩnh phối kết hợp chắt chẽ với Bộ Công Thương và quan tâm tích cực tham gia vào các chương trình, dự án trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương.

Theo Báo điện tử Công Thương

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây